Những giấy tờ nào cần mang theo khi đi khám chữa bệnh BHYT? Không mang thẻ BHYT giấy có khám chữa bệnh được không? Mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây.
Những giấy tờ cần mang khi đi khám chữa bệnh BHYT
Hiện nay, người có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân;
Trường hợp xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên;
Các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2.
Như vậy, chỉ trong trường hợp xuất trình thẻ BHYT nhưng không có ảnh thì dân mới phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ sau:
+ Giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.
+ Giấy xác nhận của công an cấp xã.
+ Giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên.
+ Các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2.
Trong đó, các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác, ngoài thẻ căn cước công dân, một số văn bản pháp luật có quy định về giấy tờ tùy thân, nhân thân.
Chẳng hạn, Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP có quy định các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu; sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh.
Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định các giấy tờ chứng minh về nhân thân như hộ chiếu; chứng minh nhân dân; giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
Các thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng có quy định công dân Việt Nam khi làm thủ tục hàng không cho các chuyến bay trong nước có thể xuất trình một trong các loại giấy tờ nhân thân như hộ chiếu; chứng minh nhân dân, giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, của quân đội nhân dân; giấy phép lái xe…
Hiện nay, các thông tin về thẻ BHYT và ảnh của người có thẻ BHYT cơ bản đã được tích hợp trên thẻ căn cước công dân và mã định danh công dân nên về cơ bản đã đủ thông tin, hình ảnh phục vụ thuận tiện cho việc xuất trình khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Về giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2, Nghị định 59/2022/NĐ-CP có quy định khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Ngoài ra, tài khoản của người dân đã được định danh điện tử mức độ 2 thì được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên ứng dụng VNeID để đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Về trường hợp thẻ BHYT được tích hợp trên ứng dụng VssID, nội dung này đang được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thí điểm.
Trường hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để đăng nhập ứng dụng VssID thì có thể được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh BHYT.
Không mang thẻ BHYT có khám chữa bệnh được không?
Như đã đề cập ở trên, người dân có thể sử dụng nhiều phương thức khác nhau để được khám chữa bệnh BHYT bao gồm:
+ Xuất trình thẻ BHYT giấy;
+ Dùng căn cước công dân gắn chíp;
+ Dùng tài khoản VNeID mức 2;
+ Dùng ứng dụng VssID.
Theo các cách trên, nếu không mang theo thẻ BHYT giấy thì người dân vẫn có thể được khám chữa bệnh BHYT theo 3 cách còn lại, nếu chưa có CCCD gắn chíp, chưa có điện thoại thông minh cài các ứng trên thì phải mang theo thẻ BHYT.
Căn cứ: Luật Bảo hiểm y tế; Nghị định 146/2018/NĐ-CP; Nghị định 75/2023/NĐ-CP; Công văn 7133/BYT-BH năm 2023.