Năm học 2024 – 2025, cô giáo Nguyễn Thị Mơ – sinh 1990, giáo viên trường Tiểu học Hà Lầm, TP Hạ Long – đã viết đơn tình nguyện luân chuyển lên trường TH&THCS Kỳ Thượng dạy học.
Kỳ Thượng là xã vùng sâu, vùng xa nhất của TP Hạ Long, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng dân tộc Dao sinh sống. Quãng đường từ nhà cô đến trường gần 60 km.
Ngày 5.8, cô giáo Mơ đã đến trường nhận nhiệm vụ công tác mới và được phân công chủ nhiệm lớp 2 gồm 8 học sinh tại điểm trường chính Thôn Khe Chè.
Những ngày này, cô giáo Mơ đang cùng các giáo viên khác dọn dẹp vệ sinh trường lớp, trồng cây chuẩn bị cho ngày khai giảng.
Cô Mơ cho biết: “Việc luân chuyển đến vùng sâu, vùng xa là nghĩa vụ của giáo viên. Nhiều giáo viên cao tuổi họ còn tình nguyện được, sức trẻ như chúng em thì không có gì là khó khăn, nhưng vướng nhất vẫn là con còn nhỏ, xa nhà. Để chuyên tâm công tác, em đưa con nhỏ theo để cháu học luôn trên trường. Em mong muốn góp sức để cùng các đồng nghiệp tạo môi trường học tập tốt nhất cho nơi đây”.
“Để có sự đồng đều về trình độ, thời gian đầu em sẽ dạy kèm các em học lực yếu hơn. Em mong muốn xây dựng lớp học của mình thành lớp học thông minh để các em tiếp cận với công nghệ thông tin và môi trường giảng dạy số. Em đang trang sắm 1 số thiết bị như máy soi bài, mic thu âm, bài giảng số hóa để kết nối máy chiếu trong lớp. Mong muốn lớn nhất của em là để các em đọc thông viết thạo tiếng Việt trong nhiệm kỳ của mình” – cô Mơ cho biết thêm.
Cô Đặng Thị Hương Sen, sinh 1987, giáo viên Trường mầm non Thống Nhất tình nguyện luân chuyển đến trường mầm non Kỳ Thượng cách nhà hơn 40km.
Cô Hương chia sẻ: “Từ 6.8, em lên trường nhận công tác mới. Nhà trường phân công lớp ghép 3 + 4 tuổi gồm 10 cháu. Em đến trường bằng xe máy, thứ 2 em đi sớm, thứ 6 hết giờ thì về nhà.
Lên đây công tác, một tháng em được trợ cấp 3 triệu đồng, được tạo điều kiện ở nhà nghỉ công vụ cho giáo viên, cơ sở vật chất đầy đủ. Thời gian đầu chưa quen địa hình đường dốc, ngoằn ngoèo ở đây nên nhiều giáo viên hẹn nhau cùng đi cho an toàn”.
Năm học 2024 – 2025, các trường thuộc vùng nghĩa vụ của TP Hạ Long có 133 giáo viên, nhân viên đủ thời gian công tác nghĩa vụ và đủ điều kiện luân chuyển về vùng thuận lợi, song đã có 64 giáo viên, nhân viên tình nguyện ở lại công tác vùng khó khăn và có thêm 65 giáo viên viết đơn tình nguyện lên vùng cao công tác trong năm học này.
Một năm học mới sắp bắt đầu. Các thầy cô, dù cũng có lúc mỏi mệt, chênh vênh, song họ vẫn kiên trì, tận tụy với nghề, bởi đó niềm kiêu hãnh của nghề.
Tình yêu nghề sẽ giúp những nhà giáo vững tay lái để con thuyền tri thức cập được bến bờ.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/nhung-giao-vien-tham-lang-tai-vung-xa-tinh-quang-ninh-1387512.ldo