Quay về
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới của anh Phùng Minh Ngọc (sinh năm 1990), ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cho biết đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của hợp tác xã bởi quy mô đầu tư khá lạ do người trẻ làm chủ.
Trước đây, gia đình anh Ngọc có 1,2 mẫu ruộng nhưng cho người khác thuê hơn chục năm. Dù đang kinh doanh hàng gia dụng mang lại nguồn thu nhập khá nhưng anh Ngọc nhận thấy đầu tư vào nông nghiệp là hướng phát triển bền vững và đem lại nguồn thu cao nên quyết định quay lại gắn bó với nông nghiệp và xin là thành viên Hợp tác xã Tân Minh Đức.
Vào hợp tác xã, anh được Ban chủ nhiệm và những người đi trước định hướng trồng loại cây phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Anh tham gia các lớp tập huấn do hợp tác xã mở và học hỏi kiến thức nông nghiệp trên mạng xã hội.
“Tôi đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới với diện tích 1,2 mẫu. Đến nay, tôi đã thu 3 vụ dưa. Tôi dự tính, chỉ sau khoảng 2 năm sẽ thu được vốn”, anh Ngọc cho biết.
Sinh năm 1993, từng đi nhiều tỉnh, thành phố làm nghề điện nước nhưng đến nay anh Nguyễn Văn Long đã quay trở về và là thành viên Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng (Kinh Môn). Anh Long cho biết, trước đây, anh giúp bố mẹ làm nông nghiệp nên có chút kiến thức. Khi gắn bó với nông nghiệp anh cũng khá tự tin nên đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gà, lợn, nuôi ốc bươu, trồng thanh long, nho…
“Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào mùa vụ nhưng cũng khá cao và bền vững. Tôi sẽ gắn bó lâu dài với sản xuất nông nghiệp”, anh Long khẳng định.
Lực lượng kế cận quan trọng
Đó là khẳng định của ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn (Gia Lộc). Ông Thư cho biết, trước đây thành viên hợp tác xã phần lớn là người lớn tuổi bởi người trẻ thường thích “bay nhảy”, không thích chân lấm tay bùn. Thế nhưng, những năm gần đây, số người trẻ quay về lựa chọn gắn bó với nông nghiệp ngày càng nhiều. Hiện nay Hợp tác xã Tân Minh Đức có 189 thành viên, trong đó người dưới 40 tuổi có khoảng 30 người, những người trên 50 tuổi chiếm số lượng ít. Giải thích điều này, ông Thư nói: “Chúng tôi chọn sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên thu nhập từ nông nghiệp rất lớn, cao gấp nhiều lần lĩnh vực khác nên hấp dẫn được giới trẻ”.
Sinh năm 1989, anh Vũ Văn Thường đã là Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và đóng gói bánh đa Lộ Cương, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) được 2 năm. Với mong muốn tạo môi trường làm việc bình đẳng, hòa đồng cho mọi người nên anh thành lập hợp tác xã thay vì mô hình công ty.
“Chúng tôi đầu tư máy móc, sản xuất theo quy trình khép kín, sản phẩm được đóng gói, có địa chỉ rõ ràng nên hấp dẫn được khách hàng”, anh Thường nói. Hiện nay, mỗi tháng hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn bánh đa nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Để phát huy hiệu quả đất đai khi quay lại với nông nghiệp, anh Phùng Danh Bắc, thành viên Hợp tác xã Tân Minh Đức chia sẻ: “Tôi trồng cây trái vụ, giống mới và theo quy trình an toàn để hướng đến các thị trường cao cấp. Nhờ vậy mà sản xuất nông nghiệp mới đạt giá trị cao”.
Với sự trở về của nhiều người trẻ cũng như sự mạnh dạn trong lựa chọn mô hình hợp tác xã để khởi nghiệp, thời gian tới, loại hình kinh tế này sẽ phát triển hơn nữa, mang lại nguồn thu đáng kể cho thành viên cũng như góp phần phát triển kinh tế – xã hội. “Trước đây, tôi lo lắng về lực lượng kế cận phát triển hợp tác xã. Nhưng với tình hình hiện nay thì những lo lắng ấy không còn khi ngày càng có nhiều người trẻ tâm đắc với mô hình kinh tế này”, ông Thư chia sẻ.
Nguồn: https://danviet.vn/nhung-giam-doc-htx-tre-o-hai-duong-nguoi-trong-dua-nguoi-ban-banh-da-ma-giup-thanh-vien-no-am-20240824162440744.htm