Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719) tại tỉnh Trà Vinh luôn được đẩy mạnh. Từ đó, các dự án thuộc chương trình luôn đạt kết quả tốt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS.
Nỗ lực tuyên truyền những mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp của Chương trình MTQG 1719
Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, để Chương trình MTQG 1719 triển khai đạt hiệu quả cao, thời gian qua, Trà Vinh không ngừng nỗ lực tuyên truyền những mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp của chương trình đề ra để các cấp, các ngành và người dân hiểu và thực hiện. Đây được xem là giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện chương trình đạt nhanh kế hoạch đề ra.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, công tác tuyên truyền trong đồng bào DTTS luôn được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau để đạt kết quả tốt nhất. Cụ thể như tổ chức hội thi, làm phóng sự, chuyên trang đăng trên báo chí, làm những cuộc nói chuyện chuyên đề, tài liệu truyền thông…
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Trà Vinh sẽ tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền, xây dựng 7 phóng sự và 7 kỳ chuyên trang đặc thù bằng tiếng Khmer; tổ chức đoàn người có uy tín đi làm việc, giao lưu, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố và thủ đô Hà Nội; hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho người có uy tín, tổ chức 23 cuộc nói chuyện chuyên đề phổ biến pháp luật, 2 cuộc tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, còn tổ chức 4 cuội hội nghị chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng; biên soạn, cung cấp 1.670 cuốn tài liệu pháp luật truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý và xây dựng 1 chương trình về trợ giúp pháp lý cho người DTTS phủ sóng toàn tỉnh;…
Tính đến hết tháng 8 vừa qua, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện được nhiều hoạt động tuyên truyền như tổ chức 10 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động đồng bào DTTS với 1.001 đại biểu tham dự; tổ chức 7 cuộc Hội nghị cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín với 244 người dự. Tổ chức đưa người có uy tín tham dự Chương trình “Điểm tựa của bản làng” tại Hà Nội.
Thực hiện 17 cuộc nói chuyện chuyên đề phổ biến pháp luật cho người dân; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, chuyên đề về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý; biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho người DTTS,…
Được biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền luôn nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Trà Vinh, đặc biệt nhận thức của đồng bào DTTS tiếp tục được nâng lên, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà nước, tức cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Đẩy mạnh công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành Chương trình MTQG 1719
Ông Thạch Mu Ni – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh đã bám sát các văn bản của Trung ương, ban hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của UBND, chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thậm chí phân cấp sâu xuống cấp xã để tổ chức thực hiện cũng như quản lý.
Ông Mu Ni nhận định, lãnh đạo UBND tỉnh luôn theo dõi để đôn đốc, kiểm tra. Do đó, hiệu quả chương trình luôn đạt cao. Riêng đối với Ban Dân tộc, mở rất nhiều lớp tấp huấn nâng cao nâng lực cho cán bộ các cơ quan để tăng sự hiểu biết về chương trình. Từ đó, cán bộ các nơi hiểu hơn nhu cầu, nguồn lực chương trình mà triển khai hiệu quả ở địa phương mình. Cũng như Ban Dân tộc, các sở, ngành khác trong tỉnh đều tham gia thực hiện rất tốt chương trình.
Cũng theo ông Mu Ni, các dự án hỗ trợ trong chương trình MTQG 1719 đều triển khai dựa theo nhu cầu cụ thể của người dân ở từng địa phương, đặc biệt là dựa vào các điều kiện sẵn có để hỗ trợ, làm theo hướng linh động, không rập khuôn, cứng nhắc. Có như vậy, hiệu quả mới đạt cao.
Cụ thể, như như di tích Ao Bà Om có khách đến nhiều, dựa vào điều kiện này, tỉnh hỗ trợ người dân học múa Rô băm và nhạc truyền thống là có thể vừa làm du lịch cải thiện đời sống vừa giúp bảo tồn văn hóa dân tộc. Tương tự, Làng Văn hóa du lịch Khmer gần như còn giữ nguyên bản, nguyên sơ về tập quán sinh sống của người dân tộc Khmer, do vậy, tỉnh định hướng cho người dân phát huy giá trị vốn có và hỗ trợ về mặt chuyên môn.
Được biết, đối với Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” của Chương trình, Trà Vinh khó tìm mua quỹ đất sản xuất (khó tìm diện tích đất phù hợp, giá đất cao nhưng nguồn vốn ít,…) cho người DTTS nên đã linh động chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề…
Với những nỗ lực của ngành chức năng các địa phương, các nội dung, phần việc liên quan Chương trình MTQG 1719 luôn được chú trọng và từng bước hoàn thành như mong đợi, theo kế hoạch đề ra. Từ đó, giúp cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nguồn: https://danviet.vn/nhung-giai-phap-hay-trong-trien-khai-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-1719-tai-tra-vinh-20241023104241992.htm