Năng suất lao động xã hội là một trong những chỉ tiêu quan trọng được sử dụng để đánh giá sức mạnh kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ở Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng. Vì thế, vào giữa tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.
Năng suất lao động chưa tăng như kỳ vọng. Ảnh minh họa: TTXVN
Vẫn chưa như kỳ vọng
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy bình quân trong hai năm 2021-2022, năng suất lao động xã hội ở nước ta chỉ tăng 4,65%/năm, thấp hơn so với con số 6,5% bình quân/năm trong mục tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Năng suất lao động xã hội năm 2023 cũng ước đạt tăng 4,5%. Như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp mức tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra.
Việc năng suất lao động xã hội không tăng như kỳ vọng một phần xuất phát từ các nguyên nhân khách quan như dịch bệnh và những xáo trộn trong nền kinh tế toàn cầu. Năm 2021, năng suất lao động xã hội ở Việt Nam không tăng nhiều so với năm 2020, chủ yếu vì nền kinh tế nước ta chịu các ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Sau đó, tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm đã xảy ra tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, khiến công nhân phải tìm những việc làm phi chính thức.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức tăng năng suất lao động xã hội ở Việt Nam vẫn thấp phần lớn là do các nguyên nhân nội tại như tình trạng máy móc, thiết bị chưa tiên tiến, hoạt động đầu tư cho công nghệ chưa được chú trọng, trình độ nhân lực hạn chế…
Bên cạnh đó, chính sách tiền lương, theo đánh giá của Nghị quyết số 27-NQ/TW, “còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.”
Những giải pháp căn cơ
Tăng năng suất lao động xã hội tức là tăng cường hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp; là tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế đó trong nền kinh tế toàn cầu; là giảm thời gian làm việc của người lao động và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Sản xuất tơ sợi cho ngành dệt may tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, trong Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 ban hành theo Quyết định 1305/QĐ-TTg ngày 8/11/2023 của Thủ tướng, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tổng quát là “đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính”.
Bên cạnh đó, trong quyết định đó, Chính phủ cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể, trong đó đáng chú ý có mục tiêu đạt tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5-7%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7-7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7-7,5%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023 – 2030.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nền tảng ổn định, bền vững cho tăng năng suất lao động; Hoàn thiện khung khổ pháp luật, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài nhằm cải thiện năng suất lao động; Thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động; Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành.
Để thúc đẩy các sáng kiến tăng năng suất lao động, Chính phủ chủ trương lựa chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến sẽ nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam, đồng thời thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động.
Mặt khác, Chính phủ cũng chủ trương “thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động về các yêu cầu, rào cản đối với cải thiện năng suất lao động và kiến nghị các giải pháp phù hợp”.
Ngoài ra, Chính phủ cũng khẳng định sẽ xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về năng suất, cải tiến năng suất, kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, cấp địa phương, cấp doanh nghiệp và cộng đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp khá căn cơ, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả chương trình này đòi hỏi phải có sự quan tâm của các Bộ, ngành và địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, cùng với các chính sách khuyến khích cụ thể của Nhà nước./.
Mai Hương