Thường người trẻ có lợi thế hơn và ít nhất cũng phải tập luyện đủ thời gian cần thiết. Nhưng chị Trinh xỏ chân vào giày mũi cứng khi ở tuổi ngoài 50.
Chị Trinh tràn đầy sức sống trong vũ điệu belly dance - Ảnh: NVCC
Vui vì mỗi ngày thấy mình nhích lên một chút
Chị Nguyễn Kiều Trinh từng học mỹ thuật, là họa sĩ, phóng viên và hiện làm việc cho một tờ báo tiếng Anh, công việc không liên quan gì đến múa. Nhảy múa vốn là ước mơ ngày nhỏ mà chị không dám chạm tới, là thú vui để xả stress thời thanh xuân. Còn ở tuổi trung niên, nó là thứ xúc tác để chị khám phá những điều mới mẻ, thử thách bản thân. Lớp học ballet cho người lớn tại Trung tâm Kinnergy mà chị Trinh đang theo học có hơn chục người, phần lớn còn khá trẻ. Có một vài học viên ở lứa tuổi học sinh nhưng đa số là những người trưởng thành, đã đi làm. Chị Trinh trong nhóm "người cao tuổi" của lớp nhưng chưa phải học viên lớn tuổi nhất. Lớp có vài học viên người nước ngoài. Họ ở Việt Nam và làm những công việc không dính dáng đến nghệ thuật nhưng nhìn những chuyển động của họ thì thấy họ đã tập ballet khá lâu. Nhóm "người cao tuổi" này có điểm giống nhau ở thần thái. Đó là vẻ an yên tự tại, một kiểu "thiền" trong không gian mà họ nhảy múa. Điều này khá lạ vì ai cũng nghĩ các ballerina (nữ vũ công ba-lê chuyên nghiệp) cần được học từ nhỏ và phải trải qua khổ luyện, coi đó là nghề nghiệp theo đuổi sẽ cần có mục tiêu để phải nỗ lực không ngừng. Những người như chị Trinh thì không hẳn thế, họ dường như không khổ luyện để trở thành ai để thi thố hay lập nghiệp, mà họ hướng vào trong để tìm thấy niềm vui. Nhưng không phải vì thế mà việc tập luyện của người học ballet không chuyên như chị Trinh dễ dàng hơn. Ngược lại, để đạt một tiến bộ dù rất nhỏ so với các bạn trẻ, họ sẽ vất vả hơn nhiều vì ở lứa tuổi này, cơ thể họ khó đạt được độ dẻo, độ mở cũng như độ vững của cơ xương. "Ai thích sự sôi động thì có thể sẽ thấy ballet buồn tẻ. Quãng thời gian khó vượt qua nhất là học cơ bản, khi mà trong một tiết học phần lớn thời gian bọn mình sẽ tập với gióng múa, tập đi tập lại những động tác "đơn điệu". Mình phải vượt qua nỗi tuyệt vọng vì không thể chinh phục những động tác dù là đơn giản nhất, và dù có luyện đi luyện lại vẫn chẳng thấy gì khác biệt. Phải mất một thời gian dài mới có thể nhích lên một chút so với bản thân mình trước đó", chị Trinh kể.Không còn trẻ tuổi, chị Trinh vẫn rực rỡ trên sàn múa - Ảnh: NVCC
Chị Trinh (trước) trong một tiết mục múa cùng bạn học - Ảnh: NVCC
"Không bao giờ là muộn"
Chị Trinh nói điều này khi nhìn lại cuộc thử sức với múa của mình. Mở đầu hành trình nhảy múa ở tuổi đôi mươi, chị Trinh đã học dancesport (khiêu vũ thể thao), rồi học belly dance (múa bụng) trước khi đến với ballet. "Dancesport cũng chỉ là một cuộc chơi sớm dừng. Sau này khi quay lại với nhảy múa, tôi đã muốn tìm một loại hình có thể múa đơn vì tính ngại tiếp xúc cơ thể với người lạ. Tôi cũng thích học lady style với những vũ điệu Latin vì thứ âm nhạc cuốn hút rộn ràng của nó nhưng rồi tôi lại chọn belly dance", chị kể lại. Theo chị Trinh, cái khó của belly dance là phải tạo nên những chuyển động cong mềm mại của cơ thể, đặc biệt là kỹ thuật phân tách từng bộ phận cơ thể theo những chuyển động khác nhau. Chị chia sẻ với belly dance, chị đã có một hành trình đủ để... tự tin học tập, giao lưu cùng bạn bè. Nhưng với ballet, dù đã 4, 5 năm "vỡ hoang", thì chị biết mình vẫn đang chập chững những bước đi đầu tiên. "Tại sao từ belly dance lại nhảy sang hẳn ballet?", trả lời câu hỏi này chị cho biết đúng là belly dance và ballet có nhiều điểm tưởng như đối nghịch. Một bên là vũ điệu bắt nguồn từ nền văn hóa phương Đông với vẻ đẹp lý tưởng là sự phồn thực. Một bên được sản sinh từ phương Tây với âm nhạc cổ điển và uyên bác, tôn thờ nét đẹp thanh tao. Một vũ điệu ngẫu hứng, ngập tràn đường cong, mở rộng về mọi chiều hướng như sinh sôi nảy nở là belly dance dường như đối nghịch với những tư thế vươn cao, siết chặt, những động tác mềm mại nhưng cực kỳ nghiêm ngặt, bay bổng nhưng cực kỳ chặt chẽ của ballet. "Nhưng là người say mê vũ điệu, tôi biết ballet sẽ bổ trợ cho belly dance rất nhiều. Vì mọi vũ điệu đều cần một nền móng căn bản mà ballet chính là nền móng bổ trợ. Nó giúp cơ xương chắc hơn, trụ vững hơn, thăng bằng tốt hơn", chị chia sẻ. Theo chị Trinh, dù là belly dance hay ballet thì đằng sau mỗi vũ điệu là cả một bầu trời âm nhạc và kiến thức văn hóa. Và có lẽ với người ở tuổi trung niên, điều hấp dẫn không chỉ ở vũ điệu mà còn ở những thứ đằng sau đó. Sự tò mò, khám phá, không ngừng học hỏi và hành trình làm mới bản thân có lẽ là những yếu tố hấp dẫn người ở độ tuổi như chị Trinh...Cô bé "miệng loe, đầu gối củ lạc, chân chổi xể" nay đã khác
Chị Trinh kể mình thích múa từ bé nhưng không đủ can đảm để "thổ lộ" với bố mẹ vì tự ti có hình thể "miệng loe, đầu gối củ lạc, chân chổi xể" như lời bà nội thường trêu cháu gái. Chỉ là câu nói đùa của người lớn nhưng cô bé Trinh ngày đó đã nghĩ mình không hợp và không thể múa. Múa trong suy nghĩ của Trinh khi đó là điều gì tuyệt đẹp nhưng ngoài tầm với. "Thực ra trước đây tôi không thể tưởng tượng có ngày mình lại thực hiện được điều mình yêu hích từ ngày nhỏ, đã thế còn dám bước chân vào phòng tập ballet và theo đuổi nó được ngần ấy năm. Nếu không có đam mê thì sẽ rất khó theo đuổi", chị Trinh chia sẻ.Tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-giac-mo-tuoi-trung-nien-ky-cuoi-hoc-tieng-anh-o-tuoi-53-sau-con-dot-quy-20241017223304051.htm
Bình luận (0)