*Sau 2022 gây ấn tượng với việc liên tục thăng hạng thương hiệu trên thị trường thế giới, bước sang 2023 Vinamilk tiếp tục tạo tiếng vang với các giải thưởng danh giá của ngành sữa toàn cầu. Về kinh doanh, công ty cũng ghi nhận kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường chung gặp không ít khó khăn. Dùng từ “bội thu” có lẽ cũng không quá lời với Vinamilk thưa ông?
Tôi nghĩ từ “bội thu” thích hợp để đề cập đến các giải thưởng mà Vinamilk đạt được. Đầu năm nay, toàn bộ thương hiệu sữa bột trẻ em của Vinamilk, cũng là các thương hiệu đầu tiên tại châu Á, đạt được giải thưởng về an toàn tinh khiết Purity Award của tổ chức phi lợi nhuận Clean Label Project (Mỹ). Để đạt giải thưởng này, sản phẩm phải trải qua bài kiểm tra rất khắt khe với khoảng 400 chỉ tiêu khác nhau. Chỉ có 30% các sản phẩm trên toàn cầu tham gia thoả mãn được tất cả chỉ tiêu mà tổ chức này đưa ra và nhận giải. Bên cạnh đó, sữa tươi Vinamilk Green Farm & 100% Organic cũng đạt chứng nhận an toàn và tinh khiết của Clean Label Project. Đây là 2 sản phẩm sữa tươi đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận này.
Trước đó, 8 sản phẩm của Vinamilk nhận được giải thưởng quốc tế “Vị ngon thượng hạng” (Superior Taste Award) từ tổ chức International Taste Institute. Đây là giải thưởng hết sức có ý nghĩa bởi Superior Taste Award được xem như Michelin trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Đáng chú ý, trong đó có 2 sản phẩm là sữa đặc Ông Thọ và sữa 9 loại hạt Vinamilk Super Nut đạt xếp hạng cao nhất, 3 sao.
Ngay sau đó, 2 sản phẩm sữa 9 loại hạt Vinamilk Super Nut và sữa tươi Vinamilk Green Farm được gọi tên ở hạng vàng (gold award) của giải thưởng Monde Selection – giải thưởng chất lượng hàng đầu trong ngành thực phẩm và đồ uống trên thế giới.
Gần đây nhất, sữa 9 loại hạt Vinamilk Super Nut lại trở thành quán quân ở hạng mục “Sản phẩm thay thế sữa tốt nhất 2023” (Best Dairy Alternative) tại giải thưởng The World Dairy Innovation Awards 2023 (Giải thưởng Ngành sữa toàn cầu về đổi mới năm 2023).
Đây đều là các giải thưởng rất danh giá của ngành thực phẩm toàn cầu và thể hiện được các sản phẩm “made in Vietnam” đang có vị thế ngang bằng với các sản phẩm hàng đầu trên thế giới.
*VN đi sau trong ngành công nghiệp sữa so với thế giới nhưng gần 50 năm kể từ khi thành lập, Vinamilk đã chinh phục nhiều cột mốc ấn tượng: Top 40 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu, Thương hiệu sữa lớn thứ 6 toàn cầu với giá trị thương hiệu 3 tỉ USD, Thương hiệu thực phẩm giá trị nhất khu vực ASEAN (do Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu công bố). Ông nói gì về hành trình và thành tích ấn tượng này?
-Tháng trước, tôi có anh bạn từ Mỹ về VN và đã mua mấy thùng sữa chua Vinamilk mang qua đó ăn. Tự hào không? Quá tự hào đi chứ. Ban đầu, mục tiêu của Vinamilk khi xuất khẩu là muốn phục vụ cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. Nhưng hiện nay, thương hiệu đã lan tỏa đến người tiêu dùng bản xứ và phát triển rất tốt.
Thật ra, xuất khẩu thô hoặc làm gia công thì dễ hơn nhiều. Nhưng Vinamilk đã chọn lối đi riêng, xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình dù con đường này gian nan gấp bội lần. Không dễ gì để 1 thương hiệu Việt có thể hiện diện tại 59 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường nổi tiếng khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Để làm được điều đó, ngay từ đầu chúng tôi quan niệm rằng: Một sản phẩm uy tín, chất lượng, trở thành thương hiệu sữa hàng đầu của 1 quốc gia thì mới đủ sức thuyết phục người nước ngoài thử và chọn. Ngược lại, Vinamilk có mặt ở Nhật, Hàn Quốc, Mỹ,… thì niềm tin và đẳng cấp quốc tế của Vinamilk tại thị trường nội địa cũng sẽ tăng lên rất nhiều.
Chúng ta không phải đất nước chăn nuôi bò sữa lâu đời, sản phẩm sữa không phải thế mạnh của VN nhưng Vinamilk quyết tâm thay đổi vị thế của VN trên bản đồ sữa thế giới.
*Trên hành trình đó, theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất?
-Chinh phục thị trường nước ngoài hay trong nước đều dựa vào 3 yếu tố quyết định: chất lượng sản phẩm, giá cả và chất lượng dịch vụ.
Về chất lượng sản phẩm, Vinamilk tuân thủ triệt để và tiên phong áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến nhất trong quá trình sản xuất và cả nguyên vật liệu đầu vào, như: Global gap, Organic, ISO 9001, FC 2000, ISO 17025… Song, đó mới chỉ là tấm vé thông hành, là cuốn hộ chiếu để có thể xuất ngoại thôi. Cửa ải tiếp theo là hương vị. Mỗi một vùng miền lại có 1 khẩu vị khác nhau nên khi xuất khẩu vào thị trường nào, chúng tôi luôn phải có đội ngũ phát triển thị trường và R&D đi trước, kết hợp với đối tác ở nước sở tại nghiên cứu thói quen, văn hóa ẩm thực của họ. Ví dụ sữa đặc Ông Thọ của Vinamilk khi qua Trung Quốc, có nơi dùng để làm nước giải khát, có nơi dùng để chấm với bánh màn thầu. Mình phải biết được điều đó để điều chỉnh, gia giảm cho phù hợp. Bởi vậy, cùng là sữa Ông Thọ nhưng hương vị ở Quảng Đông sẽ khác ở Quảng Tây, có thể độ ngọt hoặc độ đạm sẽ được thay đổi. Tương tự, vừa qua, trong quá trình khảo sát thị trường, chúng tôi thấy người Trung Quốc đang rất chuộng, nếu không muốn nói là mê mẩn sầu riêng. Thế là, các lô sữa chua ăn vị sầu riêng của Vinamilk dành riêng cho thị trường Trung Quốc đã ra đời và xuất khẩu qua đất nước tỷ dân này.
Yếu tố tiếp theo là giá cả. Xuất khẩu thì chắc chắn biên lợi nhuận thấp hơn nội địa vì tốn nhiều chi phí. Nhưng khi đã quyết chinh phục thị trường, trong thời gian đầu thâm nhập phải chịu mức lợi nhuận thấp để lan tỏa hiệu ứng thương hiệu.
Về yếu tố chất lượng dịch vụ, chúng tôi có cả đội ngũ kinh doanh quốc tế phối hợp với đối tác để tìm hiểu thị trường. Chúng tôi lắng nghe phản hồi của người tiêu dùng và điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp. Hệ thống phân phối cũng được giám sát chặt chẽ, không phải cứ đưa sản phẩm qua rồi phụ thuộc vào nhà phân phối; mà phải trực tiếp theo dõi hành trình của sản phẩm.
Nói thì đơn giản, theo đúng nguyên tắc, trình tự tuy nhiên để làm được là câu chuyện rất gian nan. Nhưng tính cách của Vinamilk là chọn làm việc khó. Quan trọng nữa là chất lượng sản phẩm và có quyết tâm thì sẽ làm được.
*Kinh tế thế giới đang khó khăn. Ngay cả ngành thiết yếu như sữa, thực phẩm cũng đối mặt với khả năng sụt giảm doanh số. Vinamilk đã có kế hoạch gì để vượt qua giai đoạn hiện nay? Ông đánh giá thế nào về tương lai của ngành sữa nội cũng như thị trường toàn cầu?
-Thị trường sữa tại VN ngày càng chịu áp lực cạnh tranh. Vinamilk mặc dù dẫn đầu thị trường, với thị phần được nhiều người nhận định là có khoảng cách an toàn với đơn vị đứng thứ hai, nhưng chúng tôi không thể chủ quan.
Thách thức nữa là nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay ngày càng phân mảnh, không đồng nhất: Người kiêng đường, nhóm lại thích ngọt, giới trẻ chuộng sự hiện đại… Do đó, DN phải có cách tiếp cận khách hàng mới, khác biệt hóa, cá nhân hóa, kể được câu chuyện phù hợp với từng người. Bao trùm lên trên tất cả là kinh tế hiện nay rất khó khăn, sức mua cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Song, chúng tôi nhận định đây chỉ là những bất lợi trong giai đoạn trung và ngắn hạn. Về dài hạn, Vinamilk tin tưởng ngành sữa VN vẫn còn nhiều cơ hội khai thác để phát triển. Đầu tiên là mức tiêu thụ sữa bình quân trên đầu người ở VN hiện còn thấp so với các nước lân cận. Cụ thể, theo Research and Markets, hiện mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở VN chỉ 27 lít/người/năm, so với mức 35 lít/người/năm của Thái Lan và 45 lít/người/năm của Singapore. Điều đó cho thấy thị trường của chúng ta còn tiềm năng lớn.
Thứ 2 là khoảng cách tiêu thụ sữa giữa nông thôn và thành thị còn rất xa. Đây cũng là 1 dư địa để tăng trưởng.
Một cơ hội nữa là hằng năm có trên 1,5 triệu trẻ em chào đời tại Việt Nam. Đây là nhóm cần bổ sung dinh dưỡng nhiều nhất trong tương lai và là dư địa tăng trưởng rất lớn cho ngành sữa.
Bên cạnh đó, tuy dịch bệnh khiến cho thị trường suy giảm nhưng bù lại, sau Covid-19, mọi người có xu hướng ngày càng quan tâm và sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Thị trường có thêm đối tượng người lớn có sức mua cao hơn, thu nhập ổn định hơn, quan tâm sức khỏe nhiều hơn. Còn có cả nhóm người tiêu dùng GenZ – các bạn trẻ hiện quan tâm đến lối sống sạch, sống xanh, phát triển bền vững. Vinamilk sẽ tiên phong khai phá các phân khúc này. Đó là những cơ hội. Khi đã nhìn thấy cơ hội thì sẽ biết cách để tận dụng, khai thác và tăng trưởng.