Nghe lời quảng bá của chị Sương Phạm Glauser, kiều bào ở Thụy Sỹ, tôi không thể nén lòng mà đáp ngay tàu đến miền đất tuyệt đẹp của bộ phim Hạ cánh nơi anh. Có nhiều thứ nơi đây khiến tôi rất bất ngờ!
Tác giả và chị Regula, chủ gian hàng hãng sản phẩm Ragual’s Bambus Schalen. (Ảnh: Cát Phương) |
Phớt lờ sự ngỡ ngàng của tôi về phong cảnh tuyệt vời suốt chặng đường bốn giờ đồng hồ đi tàu từ Munchen (Đức), chị Sương Phạm Glauser cười tươi như nắng Xuân: “Em thấy không? Thụy Sỹ duyên dáng với những núi tuyết trắng như mái tóc bạch kim của chàng hiệp sĩ, có đôi mắt xanh lơ của dòng sông Arve. Tuyệt vời hơn, hôm nay, ở Sursee khai mạc phiên chợ lớn nhất miền Trung Thụy Sỹ đấy!”. Nghe danh phiên chợ Marktmeile Sursee từ lâu, tôi háo hức vì bất ngờ cơ hội thưởng lãm nó đến thật sớm!
Ấn tượng Marktmeile Sursee
Kéo dài từ nhà ga Sursee nơi tôi vừa xuống tàu, phiên chợ Marktmeile diễn ra đông đúc, náo nhiệt đến con phố Bahnhofstrasse Sursee. Những gian hàng san sát kéo dài suốt con phố dài khoảng 2km tấp nập người mua, người xem trong phiên chợ giao mùa giữa Xuân và Hạ.
Ấn tượng đầu tiên, ngay đầu phố là những chiếc máy kéo mang dáng vẻ lịch sử, xếp dọc hai bên con phố Bahnhofstrasse, được chủ nhân trang trí vô cùng bắt mắt để các du khách chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Những chiếc máy kéo gợi nhớ “ngày xưa ơi” của nông dân Thụy Sỹ thuở nhỏ còn theo cha cưỡi máy kéo trên những cánh đồng vàng rực bồ công anh. Thấy chúng tôi tròn mắt ngắm nghía, anh Paul, người bạn Thụy Sỹ có tiếng cười giòn tan, kéo phắt chúng tôi lên xe để “chụp ảnh check-in”.
Sau khi lướt qua một loạt gian hàng, chúng tôi đến không gian dành cho các hiệp hội địa phương, nơi đang diễn ra nhiều hoạt động, từ biểu diễn dân ca, dân vũ đến góc chơi khúc côn cầu hay hướng dẫn kỹ năng sơ cứu của các hiệp hội từ thiện…
Xa hơn, dọc theo Bahnhofstrasse, hay còn có tên “linh hồn phiên chợ”, là vài trăm gian hàng đông đúc như một triển lãm thương mại. Những gian hàng trưng bày và chào bán từ đồ gia dụng hiện đại sử dụng năng lượng mặt trời, đến đồ cũ đã qua sử dụng, từ các sản phẩm văn hóa như tranh vẽ… đến các quầy ẩm thực, hoa lá… Marktmeile Sursee cứ thế làm tôi miên man ngắm nhìn không biết chán.
Bất ngờ… Việt Nam
Vợ chồng chị Sương Phạm Glauser và anh Hans-Peter Glauser kéo tôi đến giữa khu chợ với những gian hàng bán và trưng bày sản phẩm. Tôi như vỡ òa khi ở giữa phiên chợ đông đúc lại nhìn thấy những mặt hàng thân quen. Ở đó, tôi thấy các cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ như chị Nguyễn Hà Phương và anh Nguyễn Đức Thương (Tham tán Thương mại) đứng bên gian hàng thương hiệu sản phẩm tre trúc nổi tiếng Regula’s Bambus Schalen.
Cả hai không giấu được vẻ phấn khích khi thấy tôi tròn mắt nghe chị chủ tiệm người Thụy Sỹ giới thiệu với khách hàng: “Sản phẩm này được làm từ tre Việt Nam. Tất cả bát đều được làm 100% từ tre, không pha tạp chất, được công ty SGS Thụy Sỹ kiểm định an toàn thực phẩm và có thể đựng thức ăn ướt, nóng với nhiều màu sắc và các đồ kèm theo như cốc, dao nĩa, ống hút…”.
Thấy tôi, chị lập tức chào hỏi: “Người Hà Nội phải không? Cái bát vàng da cam này chúng tôi đặt tên là Hà Nội. Bát nhỏ này gọi là bát Sapa. Cái to như chậu này gọi là bát Hạ Long… Chúng được đặt tên theo những địa điểm mà chúng tôi đã đến tham quan tại Việt Nam”. Quả thật, đó là cách gọi hay của người Thụy Sỹ để người nghe ghi nhớ xuất xứ của sản phẩm, với những cái tên “rất đẹp, rất Việt Nam” và trân trọng tối đa giá trị của sản phẩm.
Anh Đức Thương cho biết, ngoài sản phẩm gia dụng như gian hàng này, Việt Nam còn có nhiều mặt hàng khác đã vào thị trường Thụy Sỹ như đồ da, đồ du lịch, túi xách, máy móc và thiết bị cơ khí, thủy sản, cà phê… Đặc biệt, có những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Thụy Sỹ năm 2022, với kim ngạch vượt ngưỡng 100 triệu USD, như máy móc, thiết bị điện và linh kiện, giày dép, may mặc…
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, dù có dân số không lớn (8,8 triệu người), Thụy Sỹ là một đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam ở châu Âu. Việt Nam và khối Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) cũng đang tiến hành đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cho đến nay, hai bên đã trải qua 16 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên thảo luận giữa kỳ. Việt Nam cùng Thụy Sỹ và các nước thuộc khối (Na Uy, Iceland và Liechtenstein) đang quyết tâm đàm phán trên tinh thần linh hoạt, cùng có lợi để có thể ký kết được hiệp định.
Theo số liệu của Hải quan Thụy Sỹ năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sỹ đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 2,2% so với năm 2021. Đáng lưu ý, có hai mặt hàng của chúng ta hiện chiếm thị phần và vị trí khá cao tại thị trường Thụy Sỹ là giày dép và thủy sản.
Toàn cảnh phiên chợ phiên chợ Marktmeile Sursee 2023. (Ảnh: Raphael) |
Cơ hội vào thị trường khó tính
Anh Đức Thương thông tin thêm: “Tuy Thụy Sỹ mở cửa cho các sản phẩm công nghiệp nhưng lại chủ trương bảo hộ đối với ngành nông nghiệp thông qua hệ thống thuế quan, hàng rào kỹ thuật… Dung lượng thị trường không lớn nhưng yêu cầu về chất lượng rất cao, đặc biệt đối với hàng nông sản thực phẩm. Kể cả các sản phẩm đã đưa vào tiêu thụ trong các siêu thị, cửa hàng… vẫn thường xuyên bị kiểm tra chất lượng đột xuất.
Ngoài ra, nhu cầu thị trường đối với một số hàng nông thủy sản của Việt Nam như hạt điều, hạt tiêu, cá tra…. có dấu hiệu chững lại hoặc tăng trưởng chậm trong những năm gần đây. Hàng hóa Việt Nam cũng phải chịu sự cạnh tranh ngày càng mạnh từ các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực và các nước đã có FTA với Thụy Sỹ và khối EFTA”.
Hiện có khoảng hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động ở Việt Nam. Trong số các tập đoàn lớn của Thụy Sỹ đầu tư tại Việt Nam, có thể kể đến Nestlé (thực phẩm, đồ uống), Novatis/Ciba – Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), Holcim (xi măng), ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thế), Sulzer (cơ khí, thiết bị điện), Zuellig Pharma (dược phẩm, thiết bị y tế)…
Một số hàng nông thủy sản và thực phẩm của Việt Nam đã có thị phần và chỗ đứng khá tốt tại thị trường Thụy Sỹ như cá tra đông lạnh, tôm đông lạnh và chế biến, hạt điều, cá ngừ chế biến…
Giọng anh Đức Thương càng nói càng vui vẻ: “Đến năm 2030, với triển vọng FTA giữa Việt Nam và EFTA (trong đó có Thụy Sỹ) được ký kết và có hiệu lực, cùng với những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, tham gia trực tiếp các hệ thống phân phối, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, kịp thời nắm bắt và đáp ứng các xu thế mới trong tiêu dùng… kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản và thực phẩm của Việt Nam sang Thụy Sỹ có thể duy trì mức tăng trưởng bình quân 8-10%/năm và đạt khoảng 300-350 triệu USD vào năm 2030”.
Câu chuyện về thị trường, thị phần cuốn chúng tôi đi, cho đến tận con phố rải sỏi, đó chính là Quảng trường Martigny – nơi có những gian hàng giới thiệu sản phẩm độc đáo của những người thợ vùng Sursee, tiếp theo đó là khu ẩm thực.
Với người Thụy Sỹ, kết thúc là phải thoải mái. Vì vậy, không gian cuối của phiên chợ thường bố trí chuỗi cửa hàng ăn. Chọn quán Määrt-Beiz chuỗi đồ uống và đồ ăn nhẹ ở Sursee ngay trên quảng trường, đối diện ngôi trường St. Georg, chúng tôi vừa dùng bữa, vừa có thể xem các nghệ sĩ biểu diễn.
Theo chị Nguyễn Hà Phương, người Thụy Sỹ yêu cầu cao về sản phẩm, khi đạt tiêu chí chất lượng rồi thì các việc khác đều thoải mái. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Sỹ đều không bị áp dụng hạn ngạch bởi phía bạn vẫn dành cho Việt Nam chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP.
Những sản phẩm có cơ hội vào thị trường Thụy Sỹ trong thời gian tới là thực phẩm chế biến, gạo (đặc biệt là gạo thơm, gạo đặc sản), thủy sản, rau củ, trái cây nhiệt đới… cũng như các sản phẩm hữu cơ. Đó sẽ là những “đốm hoa vàng” của Việt Nam trên thị trường Thụy Sỹ.
Sau chuyến rảo bộ trên quãng đường không quá dài nhưng thú vị và đầy phấn khích, chúng tôi thư thả ngắm nhìn bầu trời xanh trong vắt. Anh Han-Petter bảo: “Hôm nay là ngày nắng đầu tiên ở đây, sau sáu tháng trời. Còn phiên chợ Marktmeile Sursee sẽ kết thúc vào nửa đêm và dự kiến thu hút đến 30.000 lượt khách từ khắp nơi đổ về”.