(Tổ Quốc) – Hàng trăm năm qua, người dân làng Bàu Trúc vẫn gìn giữ nghề làm gốm truyền thống với bí quyết nặn thủ công bằng tay, đi giật lùi độc đáo.
Nghề gốm Chăm xuất hiện ở làng Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) từ cuối thế kỷ 12, đến nay tồn tại hơn 800 năm nhờ “mẹ truyền con nối”.
Bà Trượng Thị Gạch, 80 tuổi, một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất ở Bàu Trúc, người đã dành cả cuộc đời để làm gốm Chăm, góp phần gìn giữ nghề làm gốm lâu đời nhất Đông Nam Á tồn tại đến ngày nay.
Thường ngày, bà thức dậy từ sáng sớm để bắt đầu “đi giật lùi” cạnh bên bàn xoay gốm cả ngày dài. Đôi tay chai sạn nhưng thoăn thoắt, khéo léo xoa nặn khối đất để tạo hình sản phẩm. Cứ vài phút đi lùi, bà dừng lại để ngắm nghía, tỉ mỉ tô điểm hoa văn, họa tiết cho sản phẩm gốm thêm đẹp mắt.
“Nghề làm gốm Chăm còn giữ được đến hôm nay nhờ mẹ truyền con”, bà nói, kể rằng được mẹ truyền dạy “sự sáng tạo của phụ nữ Chăm” từ năm 15 tuổi. Để làm gốm, người phụ nữ sẽ đi lùi xung quanh trụ hình tròn, cần đòi hỏi sức khỏe và và độ bền vì phải đi lùi nhiều kilômét mỗi ngày.
“Gốm Chăm đặc biệt bởi được làm thủ công, không dùng bàn xoay mà nhờ đôi tay khéo léo của người phụ nữ”, bà Gạch chia sẻ, đây cũng là nét độc đáo thể hiện sự tinh tế, chịu khó của phụ nữ Chăm. Hơn 65 năm gắn bó với nghề đã giúp bà quen với bàn xoay, mùi đất và sức nóng phừng phực từ lò nung.
Sau khi tạo dáng, cụ bà 80 tuổi lau vội những giọt mồ hôi trên gương mặt, rồi nhẹ nhàng đưa sản phẩm gốm thô đi phơi nắng, thời gian này kéo dài từ 4-6 giờ trước khi được làm láng bằng mảnh sành.
Từ 3 đến 5 ngày, sau khi gom đủ số lượng gốm mộc, các gia đình ở Bàu Trúc cùng đưa thành phẩm đi nung lộ thiên trong 4-12 giờ phụ thuộc vào kích cỡ, xếp đan xen giữa từng lớp rơm, củi khô và vỏ dừa. Sản phẩm gốm ra lò có sắc đỏ tươi nguyên của màu đất được tôi luyện qua lửa, mang bán ra thị trường.
Hiện, làng gốm Bàu Trúc có trên 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, chiếm khoảng 70% số hộ đồng bào Chăm sinh sống ở địa phương; có 1 hợp tác xã và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm. Mỗi năm đưa ra thị trường hơn 12 nghìn sản phẩm các loại.
Gốm Bàu Trúc nổi tiếng với các sản phẩm đời thường như ấm đất, lu đựng nước, nồi đất, lò đun than củi,… đến gốm mỹ nghệ như tượng nữ thần Apsara, tháp Chăm, phù điêu trang trí nội thất,…
Danh tiếng của làng gốm được truyền đi khắp nơi, nhờ đó thu hút nhiều du khách ghé thăm, trải nghiệm. Nghề làm gốm đang trở thành một kế sinh nhai cho rất nhiều hộ gia đình. Hồn cốt, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Chăm vẫn được lưu dấu đậm nét trên từng sản phẩm.
Ông Phú Hữu Minh Thuần – Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc cho biết, để phát triển du lịch, làng gốm đã thành lập Ban phát triển du lịch cộng đồng với trên 60 thành viên.
Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và đồng lòng của người dân địa phương, làng gốm đang dần trở thành điểm đến yêu thích của du khách, góp phần lan tỏa nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm cũng như đảm bảo cuộc sống cho người dân nơi đây.
Năm 2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư về cơ sở vật chất tại làng gốm Bàu Trúc gắn với phát triển du lịch cộng đồng để phát huy giá trị di sản này.
Hiện nay, chính quyền địa phương đang triển khai những kế hoạch, trong đó tập trung công tác truyền đạt, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, thành lập hội, nhóm trình diễn, phục vụ khách du lịch khi đến địa phương. Ngoài ra, đầu tư hạ tầng thiết chế tại làng nghề này để phục vụ trong thời gian đến.
Với hướng đi mới cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, làng gốm Bàu Trúc sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, tiếp tục thu hút khách du lịch để trở thành một trong những tour, tuyến hấp dẫn trong hành trình khám phá du lịch tại tỉnh Ninh Thuận./.
Nguồn: https://toquoc.vn/nhung-doi-ban-tay-kheo-leo-gin-giu-nghe-gom-hon-800-nam-tuoi-20241204134123017.htm