Có những câu chuyện bên ngoài trang viết, không thể không kể để nhắc nhớ về những đóa hoa rừng Trường Sơn trong những tháng năm cả nước lên đường ra mặt trận. Họ đã làm nên những huyền thoại bất tử cho quê hương đất Quảng anh hùng. Đó là những nữ TNXP Tiểu đoàn vận tải 232 mà quân và dân đất Quảng và Khu 5 quen gọi với cái tên dung dị: Tiểu đoàn bà Thao.
1. Nhớ mãi lần đầu tiên và đến nay cũng là lần duy nhất, tôi cùng nguyên Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Quảng Nam Đỗ Tấn Hùng đưa 5 nữ cựu TNXP thời chống Mỹ về lại chiến trường xưa ở Nam Giang và Phước Sơn. Đây là cung đường mà ngày xưa các chị gắn bó nhiều nhất.
Đặc biệt, nghĩa trang liệt sĩ Khâm Đức là nơi có nhiều nữ TNXP nằm lại, trong đó có chị Trần Thị Lâu hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chiều ấy trời đang nắng bỗng cơn mưa rừng ở đâu đổ về tầm tã, làm đoàn chúng tôi chỉ kịp thắp hương tại đài tưởng niệm trung tâm nghĩa trang, còn việc tìm mộ và thắp hương, đặc biệt là cho chị Trần Thị Lâu đã không thực hiện được.
Lúc đó không hiểu sao tôi chợt nhận ra phía cách đài tưởng niệm không xa có bụi hoa nở những cánh đỏ tươi, sáng bừng lên trong màn mưa như trút nước. Và trong một cảnh ghi hình tại đó, tôi đã phát hiện ra ngôi mộ mang tên liệt sĩ Trần Thị Lâu…
Các chị lại quay quần bên mộ người đồng đội năm xưa với thật nhiều cảm xúc. Trời nhá nhem tối, những giọt lệ đã hòa chảy trong mưa. Không ai bảo ai nhưng trong linh tính mỗi người, chị Lâu đã hiện về đón chào đồng đội. Chị thật linh thiêng, ai bảo trước lúc ngã vào lòng đất chị vẫn còn là một bông hoa trinh nữ.
Câu chuyện về sự hy sinh chị Lâu đã được kể, được nghe khá nhiều lần nhưng sao vẫn dâng lên trong tôi niềm cảm xúc khó tả. Những vầng thơ trong bài “Nơi em nằm lại” đầy tiếc nuối, buồn thương như lại vọng vang.
“Nay tôi về nơi em nằm lại/ Theo con đường rừng năm tháng em qua… Mùa mưa năm bảy mươi/ mưa sạt đất sập trời/ Gùi hàng đi/ Em xanh gầy/ Thương lắm/Sắn luộc ngô hầm…/Muối không một hạt/ Cung đường đêm ngày vẫn thắm dấu chân em… Rồi: Nơi em nằm lại/ Rừng xòe tán chở che/ Đêm lấp lánh trăng sao/ Ngày bướm về họp nắng/ Phong lan thả những chùm sao sáng trắng/ Thơm dịu dàng trên lối cũ em qua… (Trích nơi em nằm lại – tặng chị Trần Thị Lâu của Tô Hoàn).
Theo lời kể của đồng đội, chị Trần Thị Lâu hy sinh vào năm 1972 trong một chuyến vận chuyển hàng qua sông Nước Chè. Hôm đó, giữa mùa lũ, nước sông chảy xiết, chị Lâu xung phong lội qua sông để buộc dây sang bờ bên kia cho đơn vị bám dây lội qua. Giữa sông, gặp cơn lũ mạnh, chị bị nước cuốn trôi. Đến khi nước rút, đồng đội mới tìm thấy thi thể chị bên một tảng đá, gùi hàng vẫn còn đeo trên vai.
Chị Trần Thị Lâu là một trong số 58 chị – những người con gái tuổi đời mười tám đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại dọc con đường Trường Sơn. Theo ông Hồ Văn Điều – nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn (một cán bộ địa bàn), ngày đó mộ chị Trần Thị Lâu nằm sát bên đường mòn vận chuyển, sau này Quân khu 5 mở đường cơ giới, ai qua nơi chị nằm lại cũng bỏ thêm viên đá hoặc bông hoa rừng và có cả những câu thơ mộc mạc cảm động.
2. Chị Nguyễn Thị Huấn – nguyên Chính trị viên phó Đại đội 2 là người lập chiến công phi thường, được nhiều người biết đến ngay giai đoạn chiến tranh. Đặc biệt, trong trận đánh sân bay Chu Lai năm 1970, một mình chị băng đèo, vượt dốc cõng 2 quả đạn ĐKB, 1 đầu đạn nặng 25kg, tổng trọng lượng xấp xỉ 110kg, trong khi chị cao 1,55m, nặng 42kg.
Đầu năm 1972, đơn vị lại nhận nhiệm vụ vận chuyển nhiều vũ khí, trong đó có khẩu cối 120ly. Suốt đêm thức trắng chị nghĩ cách buộc gùi khẩu cối, nhưng làm thế nào chị cũng đứng dậy không nổi vì đế súng nặng hơn 1 tạ, chân đế lại thò ra ngoài vướng víu. Thế rồi bằng sáng kiến của mình, chị chèn thêm gỗ vào, dù có nặng hơn nhưng không bị vướng nên mới cõng được.
Lần đó chị đã cõng khẩu cối vượt khe Chín Khúc băng đồi Thanh Sơn đến vị trí giao hàng đúng thời gian. Thành tích đó quả đáng tự hào, như lời thơ một đồng đội nam trên chiến trường lúc đó đã viết: “Việc em làm em không ước mơ/ Sau chiến dịch sẽ thành dũng sĩ/ Anh kể về em một thời đánh Mỹ/ Cái phi thường của nữ giải phóng quân…”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao – nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 232 tâm sự, một thời vai mang đầy gạo nhưng chẳng ai đụng đến một hạt, đói thì sắn khoai, rau rừng. Khó khăn thời chiến thì không kể xiết, có đợt cả tuần không tìm ra nước sinh hoạt, đợi mưa xuống chị em múc nước từ hố bom để gội đầu thì bị nhiễm độc rụng hết tóc.
Áo quần thì vá chằng vá đụp, mùa mưa lũ nước thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, toàn thân ướt sũng… Đến bây giờ nghĩ lại vẫn chẳng hiểu tại sao chị em chúng tôi đều có thể vượt qua.
Cũng theo Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao, “mỗi việc làm của chị em chúng tôi đều luôn đặt suy nghĩ là không để bộ đội ở chiến trường đói rét, thiếu vũ khí, thiếu lương thực và súng đạn. Chị em luôn nhắc nhở nhau, không chuyển được hàng ra mặt trận là có lỗi với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Nào những dốc Lò Xo, dốc Cọp, dốc Ông Dậy, dốc Xuân Mãi, eo Gió, sông Tranh, đèo Le… trở thành địa danh quen thuộc với các nữ chiến sĩ Tiểu đoàn 232. Bà Thao kể:
“Trong một lần chuyển hàng đến Quế Sơn đã có 6 đồng chí hy sinh và 9 đồng chí bị thương. Chuyến hàng ấy, tôi cùng 15 chị em mang thuốc men, dụng cụ y tế từ trạm trung chuyển Đại Lộc xuống vùng ranh Quế Sơn, dọc đường khi trở về thì bị địch pháo kích trúng đội hình, 15 đồng đội hy sinh và bị thương. Duy nhất mình tôi còn lành lặn. Chờ cho máy bay của Mỹ rút, chúng tôi vội khiêng xác đồng đội ra ngoài và chôn trên ngọn đồi gần đó. Sau hòa bình, trở lại để tìm hài cốt nhưng thời gian quá lâu, khu vực chôn cất bị cày xới nhiều lần nên chỉ tìm thấy được 2 đồng đội”.
Thời gian có là lớp bụi dần phủ mờ ký ức nhưng những đóa hoa rừng Trường Sơn năm nào mỗi khi nhắc nhớ vẫn ngát lên niềm kiêu hãnh, vẻ đẹp dung dị của những người con gái quê hương từng một thời vào sinh ra tử, biết sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.