Quán bán đồ ăn sáng ven đường hôm nào cũng đông khách, bởi món bánh cuốn nóng ăn kèm chả lụa, thịt heo và chén nước mắm chua ngọt khá hấp dẫn. Sáng hôm đó cũng vậy. Nhân viên quán hối hả bưng đồ ăn; thực khách ai nấy khẩn trương ăn xong bữa sáng để kịp giờ đến cơ quan hoặc bắt đầu công việc của một ngày. Ngồi ở bàn kê sát tường ngay chỗ ra vào là hai mẹ con người phụ nữ còn trẻ. Trong lúc người mẹ đã ăn xong thì cậu con trai tuổi tiểu học ngó chừng uể oải, chỉ mới ăn hết hơn 1/2 dĩa bánh. Mặc cho người mẹ chốc chốc giục “ăn nhanh đi con, để mẹ còn đi làm cho kịp giờ”, cậu bé vẫn chưa chịu “tăng tốc”.
Một người đàn ông tầm 65-70 tuổi, mặt đầy nếp nhăn khắc khổ, áo quần lam lũ, đạp chiếc xe đạp cà tàng, cũ kỹ, chở 4 bó rau muống lớn. Trên xe còn treo lủng lẳng chiếc đèn pin và chai đựng nước uống. Chú dừng lại trước quán, giọng rụt rè mời khách mua rau muống; không quên giới thiệu thêm về “nguồn gốc” mấy bó rau, là do nhà trồng được trong ao sau vườn, không phun thuốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vài người ngẩng nhìn ra, rồi lại tiếp tục bữa ăn, không hề tỏ ra có ý định sẽ mua. Có thể, giờ đến cơ quan, người ta ngại xách theo bó rau muống tòng teng.
Bỗng người phụ nữ trẻ ấy đứng lên, đến cạnh chú bán rau muống. Nét mừng rỡ trong ánh mắt, chú nhanh nhảu: “Rau muống ni của nhà tui, cô yên tâm nhé. Non và ngọt lắm, luộc rất mềm. Tui dậy từ hơn 3 giờ sáng, “thắp” đèn pin, lội xuống ao hái rau, bó rau. Vất vả lắm cô ạ. Nhưng phải hái sớm vậy rau mới tươi và ngọt. Sáng nay tui hái được 20 bó, đạp xe dọc theo các đường phố, bán 16 bó rồi. Cô mua giúp tui 1 bó nhé. Bó có 5 nghìn đồng thôi. Tui bán hết 20 bó rau muống, vị chi cũng được 100 nghìn đồng. Nhà chạy ăn từng bữa nên như vậy là mừng lắm luôn đó cô”.
Người phụ nữ nói: “Con mua ủng hộ chú hết cả 4 bó luôn để chú còn về cho sớm”. Chú bán rau muống ngạc nhiên: “4 bó rau to, cô mua vậy rồi sao ăn hết”. Người phụ nữ ấy giải thích: “Không sao cả chú cứ yên tâm, con sẽ tặng mấy chị trong cơ quan. Rồi cũng bằng giọng nói nhẹ nhàng hỏi han, khi biết chú bán rau muống chưa ăn sáng, người phụ nữ ân cần: “Ngoài tiền mua rau, con tặng thêm chú 30 nghìn để chú ăn bữa sáng. Chú nhớ ăn sáng cho chắc bụng rồi về nhé”.
Lần này, trong mắt chú bán rau muống rưng rưng nỗi xúc động: “Cảm ơn cô thật nhiều. Cô tốt bụng, tử tế quá”. Khi chú bán rau muống đã đạp xe rời đi, chị phụ nữ quay lại bàn. Lúc này, cậu con trai nhỏ không đợi mẹ thúc giục, nhanh nhẹn ăn hết sạch dĩa bánh. Cậu bé nói “nhìn thấy” câu chuyện của chú bán rau muống, cậu mới hiểu, có nhiều người rất cực khổ; người lớn kiếm được tiền thực sự rất vất vả, nên cậu không thể bỏ phí thức ăn. Nụ cười của người mẹ lấp lánh vui vì cậu con trai tuy còn nhỏ nhưng đã hiểu chuyện, biết cảm thông với sự nhọc nhằn…