Thông tin được chia sẻ trong tọa đàm quốc tế “Việc làm trong ASEAN: Cơ hội và thách thức” do Trung tâm Khởi nghiệp và giới thiệu việc làm cùng Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày 26.11.
Tham gia chương trình học bổng, thực tập
Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM đang tuyển nhân sự cho vị trí “thư ký văn phòng (bộ phận lãnh sự)”, bên cạnh triển khai chương trình thực tập. Đây là thông tin được bà Wiraka Mudhitaporn, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM, chia sẻ.
Bà Wiraka Mudhitaporn cho biết thêm: “Cách đây vài tháng, chỉ có một sinh viên chuyên ngành về Thái Lan trở thành thực tập sinh. Tôi hy vọng các sinh viên có thể cân nhắc tham gia chương trình thực tập này, hoặc ứng tuyển vị trí chính thức tại Tổng lãnh sự quán Thái Lan”.
Ngoài cơ hội làm việc hay thực tập tại Tổng lãnh sự quán Thái Lan, sinh viên còn có thể chinh phục việc làm tại các công ty Thái nhờ vào năng lực ngoại ngữ và chuyên môn. Bà Wiraka Mudhitaporn trình bày: “Hơn 30 năm đầu tư ở Việt Nam, hiện nhiều thương nhân Thái Lan có thể nói tiếng Việt. Họ đang chú trọng tìm kiếm những cử nhân thông thạo tiếng Thái, được đào tạo trong các ngành như kế toán, kỹ sư, công nghệ thông tin…”.
Còn ở Singapore, ông Pang Te Cheng, Tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM, cho hay sinh viên tốt nghiệp từ hệ thống giáo dục của Singapore có nhiều cơ hội việc làm nhờ vào “khoảng 7.000 tập đoàn đa quốc gia và khoảng 4.500 công ty khởi nghiệp”.
Ngoài cơ hội làm việc rộng cửa tại Singapore, sinh viên có thêm cơ hội trao đổi làm việc thông qua chương trình Singapore-Vietnam Innovation Talent Exchange. Theo ông Pang Te Cheng, chương trình sẽ được triển khai vào năm 2025, cho phép 300 tài năng trẻ từ mỗi quốc gia đến nước bạn làm việc trong những lĩnh vực liên quan, với thời hạn tối đa 2 năm.
Trong khi đó, Indonesia triển khai các chương trình học bổng khác nhau. Ông Agustaviano Sofjan, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM, nhận định số lượng ứng viên tham gia chương trình học bổng về ngôn ngữ và văn hóa Darmasiswa tăng. “Năm 2023, có 25 sinh viên Việt Nam được lựa chọn, phần lớn đến từ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Số lượng ứng viên tăng lên 50 người trong năm 2024 và phần lớn là sinh viên trường này”, ông Agustaviano Sofjan thông tin.
Ông Agustaviano Sofjan cũng gợi ý sinh viên đăng ký học bổng hợp tác giáo dục Kemitraan Negara Berkembang. Ứng viên từ các quốc gia đang phát triển được học tập tại một trong 30 trường ĐH hàng đầu Indonesia. Tuy nhiên, ứng viên phải trải qua một năm học tiếng Bahasa trước khi bắt đầu học tập chính thức.
Tay nghề cao, ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa: Yếu tố tăng cơ hội việc làm
Hiện nay, trong cộng đồng ASEAN đang phát triển loại hình đô thị thông minh, với nhiều cơ hội việc làm trên các lĩnh vực như công nghệ và kỹ thuật, thiết kế và quy hoạch đô thị, giáo dục và đào tạo, khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, trong bối cảnh trên, lực lượng lao động tại Việt Nam vẫn còn đối mặt thách thức khác nhau.
Tại tọa đàm, ông Angus Liew Bing Fooi, Chủ tịch Malaysia Business Charmber Vietnam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gamuda Land, nhận định hai thách thức bao gồm lực lượng lao động tay nghề thấp và sự thay thế bởi công nghệ, rào cản ngôn ngữ và thiếu đầu tư trong giáo dục.
Theo vị chủ tịch, dù có lực lượng lao động lớn nhưng lao động Việt Nam thiếu kỹ năng chuyên môn cao. Lao động Việt Nam còn phải đối mặt nguy cơ bị thay thế trong một số công việc trước những tiến bộ công nghệ nhanh chóng như AI. Ông cũng cho rằng, “tỷ lệ thông thạo tiếng Anh của Việt Nam thấp so với các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan”.
Ngoài tiếng Anh, sinh viên cần học thêm cả ngôn ngữ của các nước ASEAN. Lý giải cho điều này, PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM, nêu: “Mọi người thường nói sinh viên Việt Nam tiến bộ rất nhanh nhưng chúng ta không thể chỉ ‘loay hoay trong lũy tre làng’ mà cần phải hướng ra bên ngoài. Nên học ngoại ngữ là một điều quan trọng, không chỉ tiếng Anh mà còn ngôn ngữ các nước Đông Nam Á”.
Bên cạnh đó, PGS Xuân cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hiểu biết văn hóa. “Cùng với kiến thức chuyên môn, kỹ năng thì hiểu biết văn hóa cũng quan trọng. Có như vậy, không ai có thể làm thay công việc của ta. Khi mình biết rõ câu chuyện văn hóa, mình tự tin bước ra bên ngoài thế giới, thấy được cái của ta và thấy được cái của người”, PGS Xuân trình bày.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, PGS Xuân đề xuất sinh viên phát triển thái độ “làm việc một cách đáng khen thay vì để nhận lời khen”, tinh thần nghị lực tự thân, đoàn kết, phục vụ cộng đồng, cũng như phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tang-co-hoi-viec-lam-tai-dong-nam-a-nhung-dieu-sinh-vien-can-nho-185241126223004109.htm