Nhiều trường đang trong giai đoạn tổ chức họp phụ huynh hoặc thông báo điểm kiểm tra học kỳ 1, kết quả học tập của học sinh. Kết quả học kỳ 1 có thể mang đến niềm vui và nỗi buồn cho học sinh lẫn phụ huynh.
Hãy động viên con thay vì la mắng
Những ngày này, cháu tôi (ở Quảng Ngãi) gọi điện thoại tâm sự với vẻ giọng buồn buồn. Hỏi thăm mới biết kết quả kiểm tra học kỳ 1, lớp 10 vừa rồi cháu không đạt được kết quả học tập như mong muốn. Trong khi đó, nhiều năm học qua, cháu luôn “dẫn đầu” lớp, trở thành niềm tự hào của cha mẹ.
Tất cả môn cháu thi đều trên “tám phẩy”, trong đó môn toán gần “mười phẩy”, riêng môn hóa học chỉ có “sáu phẩy tám”. Với điểm số môn hóa như thế, cháu bảo với tôi rằng sẽ không đạt được danh hiệu học sinh giỏi “xuất sắc toàn diện” của lớp.
Hỏi thăm nguyên nhân, tôi mới biết việc cháu thi môn hóa có điểm số thấp là do một phần chủ quan. Thêm vào đó là gần tới ngày ôn thi cháu phải chăm em nằm viện gần nửa tháng nên không có nhiều thời gian để ôn thi.
Với kết quả thi học kỳ 1 vừa qua, biết cháu buồn nên tôi cố gắng động viên tinh thần, an ủi nhiều hơn vì tôi biết cháu cũng đã nỗ lực, cố gắng hết mình.
Điều làm tôi ngạc nhiên hơn là cháu bảo với tôi rằng mẹ không buồn và không la mắng cháu như lúc còn học THCS, mỗi khi cháu thi học hoặc kết quả học tập bị tụt hạng. Mẹ đã động viên và an ủi cháu nhiều hơn và nói rằng: “Còn học kỳ 2 nữa, con cần cố gắng hơn để có kết quả tốt hơn”.
Qua trò chuyện, mẹ của cháu chia sẻ bản thân cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng và muốn để con phát triển một cách tự nhiên trong chuyện học hành. Còn kết quả học tập của con như thế nào đi nữa thì đó cũng là những thành tích, nỗ lực, cố gắng trừ phi con quá ham chơi và lơ là…
“Hãy cố gắng và nỗ lực hơn trong học kỳ 2, con nhé!”
Khi biết điểm số, kết quả học tập học kỳ 1 của con không như mong muốn, không ít phụ huynh “trừng phạt” như “cấm cửa” không được đi du lịch đây đó hoặc “cấm tiệt” con không được đi chơi quá nhiều (vì lo sợ con sao nhãng việc học hành) hoặc sẽ giảm bớt hoặc không mua quần áo tết cho con… Họ cho rằng cách “trừng phạt” như vậy giúp con cố gắng học tập tốt hơn trong học kỳ 2.
Các bậc phụ huynh nên thấu hiểu rằng dù kết quả học tập như thế nào thì đó cũng là những thành quả, nỗ lực của con em mình.
Hãy sẽ chia, động viên và an ủi con, để con nhận thấy được sự sẻ chia, thấu hiểu từ phía cha mẹ, để con thấy như được tiếp thêm tinh thần, động lực cho học kỳ tiếp theo.
Thay vì “hăm dọa” hay “cấm cửa”, phụ huynh hãy cho con được vui chơi, đi chơi đây đó, hãy mua cho con thêm bộ quần áo mới, cho con về quê thăm ông bà dịp tết…
Phụ huynh hãy dang rộng vòng tay yêu thương để con hiểu rằng, dù điểm số không như mong muốn nhưng cha mẹ vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Hãy nói với các con rằng cha mẹ sẽ không buồn lòng vì điểm số hay thứ hạng vì cha mẹ hiểu rằng con đã nỗ lực hết mình và cố gắng hơn trong học kỳ 2, con nhé!