Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu)
Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu giai đoạn 1973 – 1975 (còn gọi là Khu Căn cứ Cái Chanh), thuộc ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm tỉnh lỵ Bạc Liêu khoảng 60km về hướng Tây Bắc.
Ngày 31/12/2020, Di tích lịch sử Căn cứ Cái Chanh được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2280/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, cùng 6 di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh khác.
Không gian bên trong khu căn cứ với hơn 200 hình ảnh, hiện vật
Từ trung tâm tỉnh lỵ Bạc Liêu theo QL1 về hướng Cà Mau khoảng 6km, qua cầu Dần Xây rẽ phải, theo lộ Cầu Sập đi Ngan Dừa khoảng 40km, đến trung tâm huyện Hồng Dân, theo đường giao thông nông thôn liên xã Lộc Ninh, Ninh Thạnh Lợi (khoảng 18km) là đến khu di tích.
Khu căn cứ Cái Chanh là nơi chịu nhiều mưa bom, đạn pháo của kẻ thù. Dù chịu nhiều hy sinh mất mát, nhưng người dân nơi đây vẫn kiên trung bám trụ, nuôi chứa cán bộ, một lòng theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ cứu non sông, đất nước.
Năm 1973, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta sắp đến hồi kết thúc. Lúc này, cục diện chiến tranh đã thay đổi theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Nhà Hội trường của Tỉnh ủy và hầm chữ L
Những thắng lợi to lớn trên chiến trường đã tiếp thêm động lực để quân và dân ta chuẩn bị bước vào trận đánh lớn – trận đánh cuối cùng để giành thắng lợi hoàn toàn khi thời cơ đến.
Nhận định thời cơ chín muồi, Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu. Khi ấy việc tính toán chọn địa điểm đặt Khu căn cứ Tỉnh ủy đã được đặt ra.
Sau nhiều lần họp bàn, quyết định cuối cùng được đưa ra là Cái Chanh sẽ được làm nơi đặt căn cứ của Tỉnh ủy. Tại đây, ngày 20/11/1973, đã diễn ra Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu. Chủ trì hội nghị là đồng chí Vũ Đình Liệu, Bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ.
Lối đi nội bộ bên trong khu căn cứ Cái Chanh
Hội nghị đã công bố quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu lần thứ I, chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 11 ủy viên do đồng chí Nguyễn Văn Đáng, Khu ủy viên giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Tại khu căn cứ này, ngày 13/1/1975, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã họp thông qua Quyết định giải phóng Bạc Liêu; quyết định dời căn cứ Tỉnh ủy về ấp Lái Viết, xã Ninh Quới để thuận lợi trong việc chỉ đạo điểm tấn công thị xã Bạc Liêu.
Hội trường của Tỉnh ủy
Từ những giá trị lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, giành độc lập dân tộc, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 321, xếp hạng Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu giai đoạn 1973 – 1975 là di tích lịch sử Quốc gia.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định tái hiện và tôn tạo di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu trên diện tích gần 40.000m2.
Công trình được khánh thành vào thời điểm chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2015).
Công trình được phục dựng, tái hiện như: nhà bia giới thiệu di tích; nhà trưng bày về quá trình trú đóng và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ, Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Nhà ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ năm 1949
Ngoài ra còn có các công trình được phục dựng và lưu giữ như: Nhà ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ; nhà Hội trường của Tỉnh ủy và hầm chữ L; nhà ở và làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; bếp ăn tập thể; nhà ở và làm việc của bộ phận Y tế và Văn thư; nhà ở và làm việc của bộ phận Thông tin (điện đài); nhà ở và làm việc của cán bộ Cơ yếu; nhà Trung đội phòng thủ;… Ngoài ra, còn một số hạng mục công trình khác.
Trong các công trình phục dựng tại di tích, đáng chú ý nhất là nhà ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Ngôi nhà được tái hiện lại theo nguyên gốc của một gia đình người dân nuôi giấu, đùm bọc đồng chí Lê Duẩn từ 1949 – 1951 tại Cái Chanh, xã Ninh Thạnh Lợi.
“
Chiều 29/4/2021, tại khu di tích Căn cứ Cái Chanh, tỉnh Bạc Liêu tổ chức kỷ niệm 46 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh.
”
Nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật có liên quan đến khu căn cứ, về bố cục nội dung được chia ra làm 3 chủ đề chính: “Phong trào đấu tranh tự phát của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927”; “Căn cứ Xứ ủy Nam bộ (1949 – 1952)” và “Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (1973-1975), với hơn 200 hình ảnh hoạt động và 3 tượng bán thân bằng đồng của các đồng chí lãnh đạo tại khu căn cứ như: đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Võ Văn Kiệt.
Di tích lịch sử Căn cứ Cái Chanh ngày nay đón hàng ngàn lượt đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về tham quan, học tập
Trong thời gian trú đóng và hoạt động từ cuối năm 1949 đến 1951 tại căn cứ Cái Chanh và một vài địa điểm khác của đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn và các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thượng Vũ, Nguyễn Văn Nguyễn, Võ Văn Kiệt… đã cổ vũ lớn lao về tinh thần đối với Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu.
Từ đây, vùng giải phóng Bạc Liêu tiếp tục được mở rộng. Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu được các cơ quan Nam bộ mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn chỉ đạo, giúp đỡ trực tiếp phát triển trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục.
Tượng chiến sĩ canh gác bảo vệ mục tiêu khu căn cứ
Từ khi di tích được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia và được tỉnh quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục công trình nhằm phục dựng, tái hiện lại quá trình trú đóng và hoạt động của Xứ ủy Nam bộ và Tỉnh ủy Bạc Liêu, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ”, điểm tham quan về nguồn, giáo dục truyền thống đầy ý nghĩa của Đảng bộ và nhân dân trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu.
Di tích lịch sử Căn cứ Cái Chanh ngày nay đón hàng ngàn lượt đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về tham quan, học tập.