Nhiều loại vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh, virus và giun sán có thể sống trên khăn tắm trong nhiều ngày, nhiều tuần nếu khăn đó ẩm và tối.
Đó là phát hiện được công bố trong báo cáo “Kiểm soát mùi và vệ sinh giặt là: Hiện trạng khoa học” năm 2021 của Hiệp hội vi sinh học Mỹ.
Stefan Bucur, người sáng lập và chủ sở hữu của dịch vụ tổ chức và dọn dẹp ở Mỹ cho biết, tần suất nên giặt khăn tắm tùy thuộc vào tần suất sử dụng, độ ẩm phòng tắm cũng như sở thích và thói quen của mỗi người. Bucur khuyên nên treo khăn tắm lên cho thoáng, thay vì cuộn thành đống trên sàn, tạo thành ổ phát triển nấm mốc và vi khuẩn.
Anna Brakefield, người đồng sáng lập, một công ty vải lanh ở Alabama, Mỹ cho rằng người giặt nên đặt ra quy tắc ba ngày cho khăn tắm. “Chúng tôi nói với khách hàng nên giặt khăn sau ba lần sử dụng. Đây là cách tốt nhất đảm bảo không còn vi khuẩn sót lại trên sợi vải”, Anna nói.
Nhiều nhà nghiên cứu đồng quan điểm khi cho rằng có thể thay khăn tắm ba ngày một lần hoặc sau ba ngày nếu lo ngại về sự tích tụ vi khuẩn.
Ảnh minh họa: iStock
Khi nào nên thay khăn tắm?
Andrii Gurskyi, đồng sáng lập một dịch vụ vệ sinh khu dân cư ở thành phố New York, cho rằng tuổi thọ của khăn tắm phụ thuộc vào chất lượng và tần suất sử dụng.
“Cứ khi nào khăn tắm có mùi hoặc chạm vào thấy thô ráp thì đã đến lúc cần thay”, Gurskyi nói. Theo Anna Brakefield, một chiếc khăn tắm “chất lượng tốt” có thể dùng vài năm nếu được sử dụng đúng cách.
Cô khuyên nên cho một cốc giấm trắng vào nước xả mỗi khi bạn giặt khăn tắm để giảm bớt sự tích tụ của vi khuẩn và chất tẩy rửa.
“Giấm nới lỏng muối kẽm hoặc nhôm clorua, có nghĩa bụi bẩn sẽ không dính vào quần áo. Hơn nữa, giấm có đặc tính kháng khuẩn”, Healthline, một trang web về sức khỏe cho hay.
Làm thế nào để giặt khăn tắm?
Tùy vào chất liệu làm ra khăn để có cách giặt khác nhau, vì vậy nên đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn khăn tắm và chai bột giặt.
Tuy nhiên, các chuyên gia làm sạch khuyên nên dùng các loại bột giặt chứa borax, một loại muối kết tinh không màu, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và kìm hãm sự phát triển của nấm mốc.
“Các chất tẩy rửa có chứa hàn the như Oxiclean và Clorox đặc biệt hiệu quả với khăn tắm. Chúng sẽ giữ được độ mềm mại cho khăn. Nếu thấy khăn không sạch khi giặt trong máy giặt, bạn thử giặt chúng với nước nóng, ít nhất là 60 độ C để tăng cơ hội tiêu diệt vi trùng”, Bucur nói.
Với các loại vải mềm, chẳng hạn lanh và lụa, nên giặt ở nhiệt độ thấp hơn.
Theo chuyên gia, vì khăn tắm tiềm ẩn nhiều vi khuẩn hơn các vật dụng khác nên chất tẩy rửa đậm đặc có thể làm sạch và loại bỏ mọi vi khuẩn tích tụ. Tuy nhiên, với khăn hoa văn hoặc màu, không nên dùng thuốc tẩy thường, vì chúng chứa nhiều chất lỏng natri hypochlorite pha loãng có thể làm mất màu nhuộm, gây vết ố và giảm khả năng thấm hút của khăn.
Không nên giặt chung khăn tắm với các loại khăn và quần áo khác, do có thể khác nhau về nhu cầu sử dụng chất tẩy rửa để loại bỏ vết bẩn và vi khuẩn.
Theo FoxNew/VNE