Ngoại giao văn hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm qua. Thông qua kết nối kinh tế văn hóa, đẩy mạnh truyền thông văn hóa và tăng cường hợp tác giáo dục văn hóa góp phần gia tăng chiều sâu mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia láng giềng.
Giao lưu sân khấu truyền thống Việt Nam-Trung Quốc năm 2018. Ảnh: TTXVN
Những “động lực” tăng trưởng ngoại giao văn hóa
Sự gần gũi về mặt địa lý – lịch sử tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hai quốc gia láng giềng trong vấn đề thúc đẩy ngoại giao văn hóa, tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước.
Việt Nam, Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải nên tự hình thành mối quan hệ an ninh, kinh tế giữa nhân dân hai nước, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, tạo môi trường thuận lợi để hai bên giao lưu, hợp tác cùng phát triển. Khi trao đổi kinh tế và thương mại hai quốc gia tiếp tục đi vào chiều sâu dẫn tới giao lưu văn hóa giữa hai bên cũng đang được nâng cấp, không ngừng tăng cường học hỏi lẫn nhau.
Trên phương diện lịch sử, giữa Trung Quốc với Việt Nam đã tồn tại mối quan hệ bang giao trên nhiều lĩnh vực, nhân dân hai nước có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Nền văn hóa hai bên có nhiều điểm tương đồng, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Phật giáo, Khổng giáo… Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Việt Nam và Trung Quốc hợp tác, phát huy “sức mạnh mềm” ngoại giao văn hóa.
Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, trong nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam, văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện hai mục tiêu: phục vụ đường lối đối ngoại và phát triển văn hóa.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt nhiệm vụ “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”. Do đó, Chính phủ Việt Nam chủ động tham gia, thúc đẩy mạnh mẽ ngoại giao văn hóa với các nước trong khu vực trong đó có Trung Quốc là động lực tăng cường hơn nữa sự lan tỏa, ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam.
Vững bước tiến lên
Ngoại giao văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều điểm sáng trong những năm qua. Hai quốc gia đã có nhiều hoạt động hợp tác văn hóa, trao đổi nghệ thuật, tôn vinh di sản văn hóa và quảng bá du lịch cho nhân dân hai nước.
Một trong những điểm sáng đáng chú ý là Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp, tổ chức thành công sự kiện “Năm Hữu nghị Việt – Trung” vào năm 2010, kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Cả hai quốc gia coi đó là cơ hội để Việt Nam và Trung Quốc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật và du lịch để củng cố tình hữu nghị, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau.
Các chương trình trao đổi nghệ thuật cũng được tổ chức thường xuyên, như Triển lãm mỹ thuật đương đại Việt Nam tại Trung Quốc năm 2017 với 38 tác phẩm của 18 họa sĩ Việt Nam góp mặt tại triển lãm nghệ thuật quốc tế mang tên “Đồng hành 2017” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc – China Art Museum; hay triển lãm Nghệ thuật Việt Nam – Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội vào năm 2018. Những cuộc triển lãm này đã thu hút hàng nghìn người dân hai nước đến tham quan, thưởng ngoạn. Cung Hữu nghị Việt – Trung đã trở thành một nền tảng quan trọng, địa điểm thường xuyên tổ chức cho giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Nhờ mối liên hệ chặt chẽ giữa Chính phủ hai nước mà nhiều học bổng giữa hai bên đã dành cho nhiều thanh niên Việt Nam, Trung Quốc tham gia các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng như các chương trình trao đổi và đào tạo ngắn hạn. Từ đó, tăng cường thúc đẩy, giao lưu văn hóa, học thuật giữa giới trẻ hai nước.
Ngoài ra, việc tôn vinh di sản văn hóa cũng là một trong những điểm sáng của ngoại giao văn hóa giữa hai quốc gia. Việt Nam đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc cũng là một trong những điểm đến được du khách Việt Nam lựa chọn. Các bộ, ngành, công ty du lịch của hai quốc gia cũng đã hợp tác để phát triển các tour du lịch mới và hấp dẫn cho nhân dân hai nước, từ đó giúp nhau lan tỏa các giá trị văn hóa.
Ngoại giao văn hóa đã thực sự trở thành công cụ vun đắp hình ảnh mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc bước vào một thời kỳ mới. Hợp tác trong lĩnh vực này là cách để kết nối mối quan hệ hai bên hết sức sâu sắc, từ đó thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Trung Quốc ngày càng phát triển.
Laodong.vn