Năm 2021 ghi những dấu ấn tích cực của lĩnh vực khảo cổ, khi hàng loạt điểm khai quật đem lại những kết quả tích cực, như tìm được phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, hé lộ dần hình hài cung điện trong kinh thành Thăng Long xưa, tìm thấy những dấu tích cung điện thời Lý, Trần, Hồ, Lê… ở Ninh Bình, Thanh Hóa.
Vườn Chuối đã có “nhà”
Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối có diện tích khoảng 19-20 nghìn m2, nằm tại địa phận xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, có niên đại tới 3.500 năm. Di tích này được khai quật khảo cổ lần đầu vào năm 1969. Tính đến nay, Vườn Chuối đã có khoảng 10 cuộc khảo cổ với diện tích khoảng 2000 m2.
Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối có giá trị vô cùng độc đáo bởi đây chính là nơi người Việt cổ từng sinh sống trước kia, qua suốt một quãng thời gian 3.500 năm với các dấu ấn các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn. Hiếm có di chỉ nào hội tụ được nhiều tầng văn hóa như vậy.
Toàn bộ khu vực Vườn Chuối bao gồm sáu gò Chùa Gio, Đình Lỗ, Chiềng Vậy, nay đã trở thành một phần của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, cùng với ba gò còn lại chính là khu vực khai quật, nghiên cứu nói trên. Ba gò Mỏ Phượng (hay còn gọi là Mả Phượng), gò Dền Rắn và gò Vườn Chuối đều thuộc phạm vi dự án xây dựng khu đô thị mới của Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng, cảnh quan đã hoàn toàn bị thay đổi do san lấp mặt bằng. Thêm vào đó, một phần của di chỉ lại được đưa vào dự án xây dựng đường nối quốc lộ 32 đến đại lộ Thăng Long (đường vành đai 3,5).
Trong nhiều năm qua, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã nhiều lần bị vi phạm, xâm hại. Từ những cuộc đào trộm cổ vật, dân làng phải chia nhau ra trông nom khu vực di chỉ, cho đến những phần của di chỉ lần lượt nằm dưới gầu múc, lưỡi ủi của máy xúc, máy đào để mở rộng mặt bằng phục vụ các công trình xây dựng. Di chỉ khảo cổ này, trong một thời gian dài, không được xếp hạng, cho nên không có cơ chế bảo vệ.
Hiếm có một thủ đô nào trên thế giới còn lưu giữ được những dấu tích của những nền văn hóa cách ngày nay từ 2.500-3.000 năm như vậy.
Trong các năm 2019 đến 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định khai quật nhiều khu vực khác nhau tại di chỉ khảo cổ này, đơn vị thực hiện là Viện Khảo cổ học và các nhà khảo cổ thuộc Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Trong hai năm 2020 – 2021, các hố khai quật trên diện tích 150m2 đã cung cấp 613 hiện vật, hơn 106 nghìn mảnh gốm cổ và 19 mộ táng Ðông Sơn. Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khai quật cho biết, Vườn Chuối có đặc trưng nổi bật là khu di chỉ cư trú. Các cuộc khai quật từ trước đến nay đã phát hiện nhiều di tích liên quan đến sinh hoạt hằng ngày của con người thời Tiền Đông Sơn – Đông Sơn. Nhiều loại hình di tích sinh hoạt cư trú như các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc… thuộc nhiều giai đoạn văn hóa khác nhau từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn đã được phát hiện ở đây.
Những di vật, di tích được phát hiện ở đây cho thấy các cư dân cổ nơi này đã nắm vững và phát huy đến trình độ rất cao các nghề thủ công như chế tác đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải… Những dấu tích vỏ trấu in trên một số mảnh gốm, mảnh đất nung cho thấy thông tin về nghề trồng lúa nước. Những mảnh xương trâu bò, lợn… cho biết về nghề chăn nuôi trên nền tảng nông nghiệp lúa nước của cư dân Vườn Chuối. Nghề chài lưới, bắt cá được phản ánh qua những viên chì lưới bằng đất nung và những lưỡi câu đồng… Việc khai thác lâm thổ sản được thể hiện qua những mảnh tre, gỗ… được chế tác thành công cụ, còn giữ lại được cho nên nay nhờ lớp đất bùn đáy ao.
Tại Vườn Chuối, đặc biệt còn phát hiện một số mộ táng Đông Sơn vẫn còn di cốt, cung cấp nhiều thông tin về cuộc sống cũng như những phong tục của cư dân thời kỳ này.
Sự đa dạng phong phú của những hiện vật được tìm thấy (gốm, đá, đồng, di cốt) cũng cho phép các nhà khoa học mở rộng và nghiên cứu sâu hơn nhiều khía cạnh về cuộc sống sinh hoạt, phong tục và phương pháp mai táng, kỹ thuật chế tác công cụ, đồ trang sức và cả hình thể của những chủ nhân đã ở đây cách ngày nay hàng nghìn năm.
Từ những kết quả nghiên cứu này, Cục Di sản văn hóa đã có phương án bảo tồn khu di chỉ Vườn Chuối vào tháng 8/2021. Theo đó, Cục Di sản Văn hóa thống nhất nghiên cứu bảo tồn khu vực phía đông di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, đồng thời, khai quật di dời di tích, di vật ở khu vực phía tây di chỉ khảo cổ này. Cụ thể, Cục thống nhất phương án mà Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đưa ra, là bảo tồn khu vực phía đông di chỉ (diện tích khoảng 6.000m2), xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, xếp hạng, phát huy giá trị di tích. Khu vực phía tây (khoảng 6.000m2) sẽ khai quật, di dời di tích, di vật rồi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình.
Sau rất nhiều thăng trầm, cuối cùng những người yêu mến và dày công bảo vệ di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã có thể yên tâm phần nào.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhung-diem-sang-cua-khao-co-post680856.html