Ô Quan Chưởng, cửa ô cuối cùng còn lại của Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Năm cửa ô:
Hình ảnh năm cửa ô đã trở thành biểu tượng trong ngày Giải phóng Thủ đô, khi nhạc sĩ Văn Cao viết trong bài “Tiến về Hà Nội”: “5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…”.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến từng chia sẻ: “Dự đoán của nhạc sĩ Văn Cao trùng khớp với 5 cánh quân tiến vào tiếp quản Hà Nội đầu tháng 10-1954. Từ ngày 7 đến 9/10/1954, các đơn vị bộ đội đã qua cửa ô Cầu Giấy, Cầu Dền, Yên Phụ, Hàng Đậu và Thụy Khuê vào Hà Nội.
Các đơn vị thuộc Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đội hình bộ binh hành tiến từ Mai Dịch, Ô Cầu Giấy, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, ra Bờ Hồ, Đồng Xuân, Cửa Bắc vào thành Hà Nội. Phía nam, đội hình bộ binh, cơ giới của Đại đoàn 308 hùng dũng diễu qua Bạch Mai, Phố Huế, Tràng Tiền … Đoàn quân đi đến đâu, tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy đến đó. Đường phố rực màu cờ hoa cùng những gương mặt, nụ cười, ánh mắt rạng ngời của người dân Hà Nội chào đón.
(Lời kể của cựu chiến sĩ “Cảm tử quân” Trung đoàn Thủ đô Bạch Văn Hạnh)
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng là người nghiên cứu sâu về Hà Nội cho biết, các tài liệu như “Bắc thành dư địa chí” do Tổng trấn Lê Chất tổ chức biên soạn dưới thời Minh Mạng, “Hà Nội địa dư” (Dương Bá Cung, 1851, soạn theo sắc chỉ của vua Tự Đức), “Phương Đình dư địa chí loại” (Nguyễn Văn Siêu và Bùi Ngọc Quỹ, in năm 1900), “Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ” (Đặng Xuân Khanh biên soạn, EFEO 1956) đều xác định Thăng Long – Hà Nội có 21 cửa ô. Nhưng cũng có các tài liệu sau này chép rằng Hà Nội có 15, 16 cửa ô. Theo thời gian, sau này kinh đô chuyển vào Huế, các cửa ô cũng dần thay đổi hoặc mất đi. Đến cuối thế kỷ 19, cửa ô chỉ còn là tên gọi. Duy nhất một cửa còn sót là cửa ô Quan Chưởng. Năm 1906, chính quyền thực dân Pháp định phá cửa ô này, nhưng may mắn được trường Viễn Đông Bác Cổ can thiệp nên giữ được nguyên vẹn.
Ô Quan Chưởng ngày nay. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Chính quyền cũng đã đổi tên nhiều cửa ô, nhưng dân chúng vẫn gọi theo tên nôm, như: Ô Phúc Lâm gọi là Ô Hàng Đậu, Ô Thịnh Yên gọi là Ô Cầu Dền, Ô Thanh Bảo gọi là ô Cầu Giấy… Những tên nôm đó vẫn được dùng cho đến hôm nay, nhưng cửa ô duy nhất còn lại là Ô Quan Chưởng. Những cửa ô còn lại đã trở thành các công trình công cộng, đường sá, cầu vượt hoặc nhà ở.
Di tích Ô Quan Chưởng ngày nay nằm trên phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đi từ xa đã có thể thấy đoạn tường và cổng cửa ô rêu phong cổ kính. Trên cổng còn ghi dòng chữ: “Đông Hà Môn” nghĩa là cửa Đông Hà, nhưng dân gian vẫn gọi đây là Ô Quan Chưởng.
Ô Chợ Dừa hiện nay là điểm giao cắt của 6 tuyến phố Xã Đàn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Đê La Thành, Ô Chợ Dừa.
Ô Cầu Dền chính là ngã tư lớn nối Phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt.
Ô Đống Mác nằm cuối phố Lò Đúc, ở đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu.
Ô Cầu Giấy được cho là nằm ở phố Thanh Bảo giao với phố Sơn Tây.
Cầu Long Biên
Những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Cầu Long Biên là chứng tích lịch sử quan trọng của ngày Giải phóng Thủ đô. Ngày 20/7/1954, theo các điều khoản Hiệp định Geneva, toàn bộ quân đội Pháp có 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội.
Cầu Long Biên ngày nay. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Đến 16 giờ ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên sang phía Gia Lâm, để từ đó rút về Hải Phòng. Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô tiến lên đầu cầu Long Biên giữa tiếng reo hò, hoan hô của nhân dân đứng đón dọc các phố Hàng Đậu, Trần Nhật Duật.
Cột Cờ Hà Nội
Lễ chào cờ tại sân Cột Cờ Hà Nội. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III)
Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, trong không khí tưng bừng của đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, có một buổi lễ đặc biệt diễn ra ngay sân Đoan Môn – Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ), đó chính là lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng.
Các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối nghiêm chỉnh, đứng đầu là Trung đoàn Thủ đô. Tiếp theo đội hình bộ binh là cơ giới, pháo binh hàng ngữ thẳng tắp, trang nghiêm. Chung quanh sân vận động, quần chúng nhân dân chen chân đứng kín các trục đường, háo hức tham dự lễ chào cờ lịch sử.
Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và hàng vạn đồng bào. Đoàn quân nhạc cử Quốc ca. Còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh Cột Cờ, phấp phới tung bay.
Tại lễ chào cờ lịch sử này, người dân Hà Nội lắng nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc) gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể… Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta”.
Nhà hát Lớn
Sau ngày Giải phóng Thủ đô, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi tổ chức kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa I, kỳ họp đầu tiên trong hòa bình của thủ đô Hà Nội (ngày 20 đến 26/3/1955). Đây cũng là nơi người dân Hà Nội treo ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, băng-rôn biểu ngữ và cờ đỏ sao vàng đón chào đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô.
Phố Hàng Đào
Phố Hàng Đào là nơi các tầng lớp nhân dân Hà Nội tề tựu đón đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.
Trung đoàn Thủ đô về đến phố Hàng Gai. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III)
Phố Hàng Đào cũng là nơi đón đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào vào trung tâm thành phố.
Phố Hàng Đào ngày nay. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Trung đoàn Thủ đô, các đoàn cơ giới và pháo binh cũng tiến vào thành phố qua cung đường này.
Chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân ngày nay.
Chợ Đồng Xuân là nơi đã diễn ra những trận chiến đấu anh dũng trong 60 ngày đêm Hà Nội rực lửa chống thực dân Pháp xâm lược cuối năm 1946, đầu năm 1947. Nổi bật nhất trong đó là trận đánh chợ Đồng Xuân ngày 14/2/1947. Những trận chiến này góp phần bảo vệ cho cơ quan Trung ương rút lui an toàn, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, và Thủ đô được giải phóng hoàn toàn vào ngày 10/10/1954.
Chiều 8/10/1954, Pháp làm lễ cuốn cờ tại Thành Hà Nội. Sáng 9/10, bộ đội ta từ đê La Thành chia làm hai mũi tiến vào tổ chức tiếp thu các khu vực quân sự như Quần Ngựa, Bạch Mai, Đồn Thủy, Thành Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, ta tiến đến đấy, tổ chức tiếp thu theo lối “cuốn chiếu”…
Ở ngoại thành, địch rút khỏi quận lỵ Văn Điển từ ngày 6/10. Sáng 9/10, các đội công tác ngoại thành cùng bộ đội vào tiếp quản Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và đến trưa tiếp quản Đại lý Hoàn Long (Hà Đông ngày nay).
16 giờ ngày 9/10, những tên lính Pháp cuối cùng rút hết sang phía đông cầu Long Biên để rời khỏi Hà Nội.
Đến 16 giờ 30 phút, Quân đội Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố, tiếp quản toàn bộ thành phố Hà Nội gọn gàng và trật tự.
Đêm 9/10, đêm hòa bình đầu tiên thành phố rực rỡ trong rừng cờ và niềm vui khôn xiết của nhân dân Thủ đô.
(Đảng bộ thành phố Hà Nội 90 năm xây dựng và phát triển)
———
(Tham khảo từ các nguồn: Đảng bộ thành phố Hà Nội 90 năm xây dựng và phát triển – NXB Hà Nội; Lịch sử Nhà hát Lớn Hà Nội; Lịch sử Hà Nội – Philippe Papin; Trang web Sở Nội vụ Hà Nội; Triệu dấu chân qua những cửa ô – Nguyễn Trương Quý)
Nhandan.vn
Nguồn: https://nhandan.vn/nhung-di-tich-lich-su-gan-voi-cuoc-chien-bao-ve-va-giai-phong-thu-do-post718938.html