Đổi mới TAND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử
Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 quy định: Tổ chức TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện (ví dụ: TAND phúc thẩm Hà Nội, TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm…) để thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Các chuyên gia cho rằng, quy định như vậy phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án. Thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho TAND sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. TAND phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Theo PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương: Hiện nay mô hình Toà án đang tổ chức theo mô hình 4 cấp gồm: TANDTC, TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đây là mô hình tổ chức có sự kết hợp giữa mô hình tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ và mô hình tổ chức theo cấp xét xử.
Về ưu điểm, có thể nói là dễ triển khai. Bởi, mô hình hiện nay mang tính truyền thống và gắn với sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương; gắn sự bảo đảm hoạt động tổ chức với chính quyền địa phương, với cơ quan đại diện Hội đồng nhân dân và các cơ quan hành pháp, hành chính và UBND cấp tỉnh, cấp huyện,
Tuy nhiên, tổ chức như vậy dẫn đến một hạn chế lớn đó chính là Tòa án chưa được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử, không đảm bảo được nguyên tắc độc lập xét xử, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính, khi một bên trong vụ án là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
Trước đây, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đã có định hướng xây dựng mô hình Tòa án theo cấp xét xử.
Hiến pháp năm 2013 cũng quy định, TAND gồm có TANDTC và các Tòa khác do luật định, tức là việc thành lập Tòa án tỉnh hay là Tòa phúc thẩm; Tòa sơ thẩm hay là Tòa cấp huyện do Luật Tổ chức TAND quy định. Tuy nhiên, khi xây dựng Luật Tổ chức TAND (2014), mô hình Tòa án vẫn chưa vượt qua được mô hình truyền thống.
Đề xuất thành lập các Tòa án chuyên biệt
Dự thảo Luật bổ sung quy định trong hệ thống Tòa án có các TAND sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù.
Theo Ban soạn thảo, quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “xây dựng Tòa án chuyên nghiệp”. Nhiều Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH gần đây đã đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết hiệu quả các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù.
Việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt sẽ do UBTVQH quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án TANDTC, tùy thuộc vào tình hình thực tế. Các TAND sơ thẩm chuyên biệt được thành lập sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các loại việc này.
PGS.TS. Trần Văn Độ cho rằng, đây là một đề xuất tốt, phù hợp với tình hình hiện nay, bởi vì thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong hoạt động của Tòa án.
Tuy nhiên, để đạt được mục đích cần làm rõ hơn về định hướng, giải pháp và lộ trình thực hiện. Đổi mới mô hình Tòa án đòi hỏi phải đổi mới về thực chất trong cách tổ chức và chất lượng hoạt động.
Chẳng hạn như về thẩm quyền xét xử đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng hiện nay thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh và do Thẩm phán từ trung cấp trở lên xét xử. Sau này, khi thành lập Tòa án sơ thẩm sẽ giao về cho Tòa sơ thẩm xét xử…
Đề xuất này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ, Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới đề cập đến việc, nâng cao tính chuyên nghiệp Tòa án, do đó thành lập các Tòa chuyên biệt là một hình thức thể hiện tính chuyên nghiệp đó. Hiện nay, Tòa án tại các địa phương cũng đã có các Tòa án chuyên trách về hình sự, kinh tế, lao động…
Tuy nhiên, việc sắp xếp này mới chỉ giải quyết tính hợp lý của bộ máy. Cán bộ, Thẩm phán chưa được chuyên nghiệp hóa, chuyên môn chưa sâu dẫn đến việc giải quyết bị kéo dài, chất lượng giải quyết không được bảo đảm. Các Thẩm phán vẫn được luân chuyển làm Thẩm phán các Tòa chuyên trách khác nhau hoặc được phân bổ xét xử nhiều loại án.
Sự khác biệt giữa các Tòa chuyên trách hiện nay với các Tòa chuyên biệt đó chính là sự tách biệt giữa các Tòa chuyên biệt với với Tòa án chung. Việc thành lập các Tòa án chuyên biệt có ý nghĩa quan trọng trong cải cách tư pháp, đặc biệt đối với ngành Tòa án là đảm bảo sự chuyên nghiệp; đảm bảo công tác xét xử các vụ án, công tác đào tạo cán bộ… sát với yêu cầu nhiệm vụ.
Khi thành lập các Tòa chuyên biệt cũng đòi hỏi những người làm Thẩm phán, cán bộ Tòa án phải thực sự chuyên nghiệp từng lĩnh vực cụ thể nào đó. Điều này đặt ra yêu cầu đối với công tác tổ chức, công tác đào tạo cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực phải chuyên môn hoá cao; việc luân chuyển cán bộ Thẩm phán cũng chỉ được luân chuyển trong phạm vi chuyên biệt…
Ví dụ như Tòa án quân sự hiện nay là chuyên biệt, chuyên biệt ở chỗ, họ là những người được đào tạo đủ các tiêu chuẩn về pháp lý nhưng họ phải là những người đào tạo trong quân đội, nắm vững được điều kiện trong quân đội để xét xử.
Theo Congly.vn