(CLO) Cuộc nội chiến kéo dài 13 năm ở Syria một lần nữa thu hút sự chú ý quốc tế khi quân nổi dậy bất ngờ tấn công thành phố chiến lược Aleppo. Cuộc chiến đang bùng phát trở lại này cho thấy tình hình tại Trung Đông sẽ còn nóng và phức tạp hơn.
Cuộc nội chiến được kích hoạt trở lại sau 8 năm “đóng băng”
Ngày 29/11, các phe đối lập Syria và nhóm phiến quân Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã tiến quân nhanh chóng vào các quận của thành phố Aleppo trong một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào lực lượng chính quyền, buộc họ phải rút lui và mất các vị trí chiến lược, bao gồm phần lớn đường cao tốc M5.
Lực lượng phiến quân đã giành quyền kiểm soát các khu vực rộng lớn ở phía tây Aleppo và phía đông Idlib. Để đáp trả, chính quyền Syria và máy bay chiến đấu của Nga đã nhắm mục tiêu vào tỉnh Idlib, nơi có ít nhất 23 cuộc không kích nhằm vào thủ phủ của tỉnh và một số thành phố ở vùng nông thôn xung quanh vào ngày 29/11.
Đây là cuộc tấn công đầu tiên của phe đối lập vào thành phố Aleppo kể từ năm 2016, khi chiến dịch không kích của máy bay chiến đấu Nga đã hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar Assad tái chiếm thành phố phía tây bắc này. Sự hỗ trợ của Nga, Iran và một số quốc gia Ả Rập trong khu vực đã giúp ông Assad duy trì được sự ổn định, với khoảng 70% lãnh thổ Syria nằm trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, vụ tấn công bất ngờ này cho thấy cuộc chiến từng được “đóng băng” này đang bị kích hoạt trở lại, dấy lên viễn cảnh về một mặt trận bạo lực khác sẽ tái diễn ở Trung Đông, bên cạnh các cuộc chiến của Israel ở Gaza và Lebanon, cũng như nhiều điểm nóng khác như ở Bờ Tây bị chiếm đóng, Yemen, Biển Đỏ hay Iraq.
Vì sao Syria chìm trong nội chiến?
Cuộc nội chiến Syria với dấu mốc bắt đầu là ngày 15/3/2011, khi các cuộc biểu tình phản đối chính quyền, như một phần của phong trào “Mùa Xuân Ả Rập” trong khu vực rộng lớn hơn tại Bắc Phi và Trung Đông, đồng loạt diễn ra trên toàn quốc.
Tình hình sau đó leo thang thành xung đột vũ trang khi khi một lực lượng phiến quân được thành lập, được gọi là Quân đội Syria Tự do với sự ủng hộ của phương Tây và một số quốc gia Ả Rập, để chống lại chính quyền ông Assad.
Nội chiến đã khiến Syria bất ổn nghiêm trọng và gần như không có lối thoát, đất nước bị “chia năm xẻ bảy”. Ả Rập Xê Út, Iran, Mỹ, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ đều đang tham gia ủng hộ mỗi bên khác nhau trong cuộc chiến, khiến các nhà quan sát mô tả đây là “cuộc hỗn chiến ủy nhiệm”. Ngay cả nhóm khủng bố IS cũng có thể giành được chỗ đứng trong sự bất ổn và loạn lạc ở nước này.
Tổng thống Assad đã chiến đấu với các lực lượng đối lập tìm cách lật đổ ông trong suốt 13 năm qua, một cuộc xung đột đã giết chết khoảng nửa triệu người. Khoảng 6,8 triệu người Syria đã chạy trốn khỏi đất nước, tạo ra dòng người tị nạn đã góp phần thay đổi bản đồ chính trị ở châu Âu bằng các phong trào cực hữu chống người nhập cư.
Khoảng 30% đất nước không nằm dưới sự kiểm soát của ông Assad được kiểm soát bởi một loạt các lực lượng đối lập và quân đội nước ngoài. Mỹ có khoảng 900 quân ở đông bắc Syria, cách xa Aleppo, để chống lại sự trỗi dậy trở lại của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cả Mỹ và Israel đều thỉnh thoảng tiến hành các cuộc không kích ở Syria chống lại các lực lượng dân quân đồng minh với Iran. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lực lượng ở Syria và có ảnh hưởng với liên minh rộng lớn của các lực lượng đối lập đang tấn công Aleppo.
Theo các nhà phân tích, sau nhiều năm có ít thay đổi đáng kể về lãnh thổ giữa các bên tham chiến ở Syria, cuộc giao tranh lần này “có khả năng thay đổi cục diện”.
Nhóm nào chỉ huy cuộc tấn công vào Aleppo?
Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhóm được Liên hợp quốc và một số quốc gi, là tổ chức khủng bố, đã được xác nhận là lượng đối lập chính dẫn đầu cuộc tấn công bất ngờ vào Aleppo vừa rồi. Nhóm này được cho rằng do thủ lĩnh Abu Mohammed al-Golani dẫn đầu.
Trong những tháng đầu của cuộc chiến tranh Syria vào năm 2011, Abu Mohammed al-Golani đã nổi lên như thủ lĩnh chi nhánh Syria của al-Qaeda. Golani và nhóm của ông ta ngay từ đầu đã nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom chết người và từng tiến hành các cuộc chiến chống lại Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, đến năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đó thừa nhận rằng Mỹ không còn nhắm trực tiếp vào Golani nữa.
Nằm ở ngã tư của các tuyến đường thương mại và đế chế trong hàng nghìn năm, Aleppo là một trong những trung tâm thương mại và văn hóa ở Trung Đông.
Aleppo là nơi sinh sống của 2,3 triệu người trước chiến tranh. Quân nổi dậy đã chiếm giữ phía đông của thành phố vào năm 2012 và nơi này trở thành biểu tượng đáng tự hào nhất cho sự tiến bộ của các phe phái đối lập có vũ trang.
Năm 2016, lực lượng chính phủ được Nga hỗ trợ đã bao vây và tấn công mạnh mẽ vào các nhóm nổi dậy tại thành phố này. Bị đói và bị bao vây, quân nổi dậy đã đầu hàng tại Aleppo vào năm đó.
Sự tham gia của quân đội Nga là bước ngoặt của cuộc chiến, cho phép chính quyền Tổng thống Assad duy trì được sự ổn định cơ bản cho Syria trong nhiều năm kể từ đó cho đến trước khi quân nổi dậy bất ngờ tấn công trở lại, khiến tình hình chiến sự tại Trung Đông có nguy cơ lan rộng và trở nên phức tạp hơn.
Ngọc Ánh (theo TASS, AP, AJ)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhung-dau-hoi-phia-sau-cuoc-noi-chien-keo-dai-13-nam-o-syria-post323612.html