Ung thư tinh hoàn hiếm gặp hơn so với ung thư vú hay phổi. Tương tự như các loại ung thư khác, ung thư tinh hoàn có thể trị khỏi nếu được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Ung thư tinh hoàn là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 35. Bệnh hình thành khi tế bào ung thư phát triển trong các mô ở 1 hoặc cả 2 tinh hoàn, tuyến sinh dục sản sinh ra tinh trùng và hoóc môn testosterone.
Dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư tinh hoàn là một khối u không đau ở tinh hoàn. Tuy nhiên, đây không phải là triệu chứng duy nhất cần chú ý. Để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh cũng cần chú ý thêm các triệu chứng sau:
Sưng ở tinh hoàn.
Đau âm ỉ hoặc đau nhói ở tinh hoàn.
Cảm giác nặng nề ở bìu.
Khó chịu ở bụng dưới.
Tinh hoàn co lại và tình trạng này gọi là teo tinh hoàn.
Tiểu ra máu.
Các chuyên gia cho biết tiểu ra máu là một dấu hiệu khác của ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, mọi người cũng cần lưu ý là không nhất thiết cứ tiểu ra máu là do ung thư tinh hoàn. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tiểu ra máu.
Ngoài ra, tiểu ra máu không phải là triệu chứng đặc trưng phải có của ung thư tinh hoàn. Nhiều trường hợp dù mắc ung thư tinh hoàn như lại không có triệu chứng này. Thông thường, tiểu ra máu đặc trưng hơn ở ung thư tuyến tiền liệt và bàng quang.
Một trong những cách tốt nhất để phải hiện sớm ung thư tinh hoàn là đi kiểm tra định kỳ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Kiểm tra định kỳ sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm bất thường và can thiệp kịp thời, nhờ đó tăng khả năng khỏi bệnh.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn là tiền sử gia đình có người từng bị ung thư tinh hoàn, đặc biệt là cha hay anh em ruột. Mắc bệnh tinh hoàn ẩn cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Những người có tinh hoàn ẩn thường phải phẫu thuật. Nhưng ngay cả khi đã phẫu thuật thì họ vẫn có rủi ro mắc ung thư tinh hoàn cao hơn người bình thường, theo Verywell Health.