Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hồi phục và đà tăng trưởng kinh tế trong nước. Tuy nhiên, ngành tài chính đã chủ động, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, từ đó đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Doanh nghiệp đến thực hiện giao dịch tại Cục Thuế Tây Ninh. Ảnh: Minh Phú – TTXVN
Hoàn thiện thể chế và điều hành chính sách tài khóa linh hoạt
Để đảm bảo cân đối thu chi nhà nước, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ hệ thống các biện pháp thích hợp. Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, hoàn thiên về thể chế; qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, giúp cho quản lý tài chính – ngân sách nhà nước ngày càng minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 5 nghị quyết; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua một nghị quyết và đang xây dựng các luật về thuế; trình Chính phủ 33 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 63 thông tư.
Về điều hành ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đến hạn. Với tinh thần luôn đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu trình Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội ban hành đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách nhà nước khác. Từ đó, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ước tính các gói hỗ trợ về chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới 200 nghìn tỷ đồng.
Đây là một dấu ấn đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ vai trò tích cực, hiệu quả của chính sách tài khóa trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Thực thi các giải pháp thuế với phạm vi hỗ trợ rộng
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và sẽ áp dụng tại Việt Nam từ năm 2024. Điều này cho thấy sự chủ động của Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn của quốc tế; khẳng định quyền thu thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định quốc tế và pháp luật trong nước.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu thông qua việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu lớn để quản lý thu, quản trị rủi ro, chống gian lận trong sử dụng hóa đơn, hoàn thuế giá trị tăng, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu cho ngân sách nhà nước. Nhờ đó, ước thu ngân sách nhà nước năm 2023 vượt khoảng 5% so với dự toán; kể cả số thuế miễn giảm thì thu ngân sách năm nay vượt từ 9-10% so với dự toán Quốc hội giao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh Doãn Tấn – TTXVN
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2023, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và tài chính – ngân sách, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Có thể thấy, thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: “Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nhu cầu chi cho an sinh xã hội tạo ra thách thức lớn đối với cân đối ngân sách nhà nước thì việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân của Bộ Tài chính.
Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Từ đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế – xã hội”.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đến hạn, kết hợp với việc tiếp tục thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, kết quả thu ngân sách nhà nước cả năm như trên là rất tích cực và là dấu ấn quan trọng trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2023.
Quản lý chặt chẽ nguồn chi ngân sách
Về chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả.
Theo đó, trong năm 2023 đã cân đối, đảm bảo nguồn lực thực hiện nâng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 21%) từ ngày 01/7/2023. Việc này vô cùng ý nghĩa do 3 năm qua do tác động của dịch COVID-19, kinh tế tài chính ngân sách còn khó khăn lại phải dồn sức cho phòng chống dịch nên chưa thực hiện cải cách tiền lương được, vì vậy đời sống một bộ phận cán bộ công chức gặp khó khăn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để năm 2024 tiếp tục thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Thành công trong kiểm soát bội chi, quản lý nợ công cũng là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa thời gian qua, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế đánh giá là bền vững, có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng. Ước tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2023 dưới 4% so với mức 4,42% Quốc hội cho phép. Nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37%GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34%GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%; cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, nợ nước ngoài giảm dần.
Với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi, sau một thời gian Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ cơ cấu lại nợ công, Việt Nam có nhiều dư địa vay nợ công để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả kinh tế nhanh nhất và bền vững nhất. Các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch.
Bước sang năm 2024, nhiệm vụ ngành tài chính gánh trọng trách với dự toán thu ngân sách nhà nước là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi ngân sách nhà nước là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP./.
Kiều Trinh