CCB Huỳnh Văn Bé (bên trái) đang chia sẻ về mô hình kinh tế của gia đình với lãnh đạo Hội CCB xã Nhị Long.
CCB Huỳnh Văn Bé
Nhân chuyến công tác tại xã Nhị Long, huyện Càng Long, chúng tôi có dịp gặp gỡ CCB Huỳnh Văn Bé (sinh năm 1951) vừa là Chi hội phó Chi hội CCB ấp Rạch Đập vừa là CCB tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Tham gia cách mạng từ năm 1967 với nhiều nhiệm vụ khác nhau: thành viên đoàn dân công, quân y, đặc công, Đội trưởng Đội chiếu bóng tỉnh Cửu Long… Đến năm 1992, do tuổi cao, sức yếu lại mang trong người thương tật tỷ lệ hơn 41% (thương binh hạng 3/4) ông Bé xin nghỉ công tác về lại địa phương. Tuy vậy, ông vẫn tham gia các hoạt động của Hội CCB xã Nhị Long với vai trò Chi hội Trưởng Chi hội CCB ấp Rạch Đập.
Thực hiện phong trào “CCB gương mẫu”, ông đã tích cực, mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ số vốn vay ban đầu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông đã mua một máy tuốt lúa để phục vụ thu hoạch nông sản cho người dân địa phương. Sau đó, ông tiếp tục mua thêm một máy xới để phục vụ sản xuất nông nghiệp của gia đình và phục vụ người dân. Sau nhiều năm tích cóp, CCB Huỳnh Văn Bé mua thêm 09 công đất và thực hiện mô hình trang trại heo nái sinh sản và duy trì cho đến nay.
CCB Huỳnh Văn Bé chia sẻ: những năm trước khi mà chưa có dịch bệnh trên đàn gia súc, trang trại heo của gia đình luôn duy trì khoảng 20 heo nái, mỗi tháng đều có heo con bán, từ sau khi xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi, gia đình chỉ nuôi 05 heo nái sinh sản, heo con sinh ra thì bán hoặc chừa lại số ít để nuôi heo thịt. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 200 – 220 triệu đồng từ các mô hình.
Hiện tại là Chi hội phó Chi hội CCB ấp Rạch Đập, CCB Huỳnh Văn Bé đã tham mưu cho cấp ủy chi bộ bám sát nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động hội viên, người dân tích cực xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn hóa văn minh trong việc cưới, việc tang; tuyên truyền cho hội viên về phát triển kinh tế, xóa nghèo… Trong XDNTM, CCB Huỳnh Văn Bé còn vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân ủng hộ tiền và vật tư xây dựng một cây cầu nông thôn trị giá 15 triệu đồng, 06 trụ đèn năng lượng mặt trời thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê”…
CCB Nguyễn Văn Du
CCB Nguyễn Văn Du đang chia sẻ về mô hình trồng quýt đường với đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Chủ tịch Hội CCB xã Nhị Long.
Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, CCB Nguyễn Văn Du (sinh năm 1955), hội viên Chi hội CCB ấp Cầu Đúc, xã Nhị Long đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên và trở thành tấm gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
Năm 1970, khi mới 15 tuổi ông Nguyễn Văn Du đã tham gia hoạt động du kích ở địa phương. Ông Du kể lại: sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh, tận mắt chứng kiến sự tàn bạo của quân giặc đối với Nhân dân ta nên dù chỉ mới 15-16 tuổi ông đã theo các anh, các chú đi làm du kích, do còn nhỏ tuổi nên ông đảm nhận những việc như giao liên, gài lôi, tải thương, đào hầm… sau đó được đưa đi đào tạo về văn hóa, chuyên môn tại Trường Sĩ quan Lục quân 2.
Năm 1980, khi chưa hoàn thành việc học, do hoàn cảnh gia đình nên ông Du xin phục viên về địa phương. Năm 1986, ông được Đảng ủy xã Nhị Long và Nhân dân tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư Chi bộ ấp Cầu Đúc. Bằng ý chí, nghị lực của người lính và khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông đã mạnh dạn cải tạo 01ha đất vườn kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn trái. Đầu tiên, ông trồng cây quýt đường, nhưng cây quýt một năm chỉ thu hoạch một lần, nên ông Du trồng xen thêm 100 gốc mít Thái, 1.200 cây cau trong vườn quýt. Sau thời gian chăm sóc thì cả cây quýt lẫn cây mít, cây cau đều cho thu hoạch.
Hiện tại, mỗi tháng gia đình ông thu nhập trên 10 triệu đồng từ cây mít và cây cau. Riêng cây quýt đường cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn trồng 02ha cam sành tại ấp Rạch Đập cùng xã Nhị Long đang cho thu hoạch năm đầu.
CCB Nguyễn Văn Du chia sẻ: để mô hình đạt hiệu quả, cần kiên trì, chịu khó trước những khó khăn trong sản xuất; nghiên cứu nắm bắt thị trường, các mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng để chọn cây trồng phù hợp; mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Chủ tịch Hội CCB xã Nhị Long cho biết: không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Huỳnh Văn Bé và Nguyễn Văn Du còn là người luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương; dù đã lớn tuổi nhưng các CCB vẫn luôn gương mẫu nêu cao tinh thần trách nhiệm phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực đóng góp ý kiến vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương đặc biệt là thực hiện các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, NTM nâng cao của địa phương. Xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu để các hội viên trong xã học tập và noi theo.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG