Sau cú sốc lớn vào đầu năm 2022 do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, năm 2023, thị trường dầu mỏ thế giới đã trở nên ổn định hơn. Kể từ giữa tháng 4/2023 đến nay, giá “vàng đen” có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo xu hướng này có thể sẽ nhanh chóng chấm dứt nếu xảy ra một cú sốc mới về nguồn cung trên thị trường dầu mỏ.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Vẫn tiềm ẩn những cú sốc
Trong báo cáo công bố hồi cuối tháng 11/2023, Nhóm Chiến lược Đầu tư (ISG) của ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể dao động trong khoảng từ 70 đến 100 USD/thùng trong hầu hết năm 2024. Tuy nhiên, ISG cảnh báo cuộc chiến Israel-Hamas có thể khiến giá dầu biến động mạnh. Nếu chiến tranh leo thang, giá dầu giao ngay có thể tăng mạnh.
Kể từ năm 2000, các đợt bùng phát bạo lực lớn giữa Israel và Palestine tác động không nhiều tới giá dầu nói chung. Mặc dù giá dầu tăng hơn 5% ngay sau vụ tấn công gần đây của Hamas nhưng cho đến nay, chiến dịch quân sự của Israel ở dải Gaza vẫn chưa có tác động nào khác đến nguồn cung dầu mỏ.
Theo ISG, một nguy cơ tiềm ẩn từ cuộc chiến Israel-Hamas là khả năng phương Tây sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, khiến Tehran trả đũa bằng cách cố gắng chặn eo biển Hormuz – một tuyến đường vận chuyển chiếm khoảng 20% nguồn cung dầu toàn cầu. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn giá dầu thế giới sẽ bật tăng mạnh trở lại.
Tác động khôn lường
Nếu một cú sốc mới xảy ra đối với nguồn cung dầu mỏ, điều này có thể tạo ra các tác động khôn lường đối với kinh tế toàn cầu, nhất là khi đà phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn còn chưa vững chắc và rủi ro lạm phát vẫn còn hiện hữu
Mua bán xăng tại một điểm kinh doanh xăng, dầu của Petrolimex ở Hà Nội. Ảnh: Trần Việt – TTXVN
Trong báo cáo công bố hồi giữa tháng 11, Fitch Ratings nhận định nếu xung đột lan rộng ở Trung Đông khiến nguồn cung dầu mỏ bị gián đoạn, giá dầu bình quân trong năm 2024 có thể lên tới 120 USD/thùng.
Đánh giá về tác động của một cú sốc như vậy, Fitch Ratings cho rằng việc giá dầu tăng trong kịch bản xung đột quân sự ở Trung Đông làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm và lạm phát cao hơn. Fitch Ratings dự báo khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,4 điểm phần trăm trong năm 2024 và giảm 0,1 điểm phần trăm trong năm 2025.
Đáng chú ý, Fitch Ratings cảnh báo giá dầu cao hơn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế trong danh sách ‘Fitch 20’ cho dù các tác động như vậy sẽ suy giảm đáng kể trong năm 2025.
Fitch Ratings cho rằng các nền kinh tế mới nổi chịu tác động lớn nhất của một cú sốc như vậy là Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ (tăng trưởng giảm 0,7 điểm phần trăm). Ở chiều ngược lại, Nga và ở mức độ thấp hơn nhiều là Brazil sẽ chứng kiến tác động tích cực từ cú sốc này do vai trò quan trọng của sản xuất dầu đối với các nền kinh tế đó.
Giá dầu tăng sẽ dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao hơn dự kiến vào năm 2024, sau đó sẽ có sự điều chỉnh trong năm 2025. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chứng kiến lạm phát tăng cao nhất. Tiếp theo là Ấn Độ và Ba Lan. Trong số các nền kinh tế phát triển, Hoa Kỳ sẽ chịu ít tác động hơn khi chứng kiến lạm phát tăng thêm khoảng 2 điểm phần trăm so với dự báo ban đầu cho năm 2024. Lạm phát của các nền kinh tế phát triển khác sẽ tăng thêm trung bình 1,4 điểm phần trăm.
Mặc dù vậy, Fitch Ratings nhận định tác động đối với lạm phát sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và được bù đắp một phần nhờ tỷ lệ lạm phát thấp hơn dự báo trong năm 2025. Brazil và Mexico là những trường hợp ngoại lệ, có lạm phát cao hơn vào năm 2025.
Trong kịch bản trên, Fitch Ratings cho rằng chính sách tiền tệ sẽ không có nhiều thay đổi vì cú sốc từ phía cung sẽ làm tăng áp lực giá thông qua giá xăng và chi phí cao hơn, nhưng lại làm giảm nhu cầu từ các doanh nghiệp và hộ gia đình. Các ngân hàng trung ương sẽ tìm cách tăng lãi suất chính sách để giải quyết vấn đề lạm phát tăng, nhưng nới lỏng chính sách để đối phó với sự thiếu hụt nhu cầu. Các tác động này nhìn chung triệt tiêu lẫn nhau. Tuy nhiên, sau cú sốc lạm phát toàn cầu nghiêm trọng trong hai năm qua, mức tăng mới sẽ thách thức đáng kể nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu và có thể thúc đẩy kỳ vọng lạm phát.
Hơn thế nữa, Fitch Ratings nhận định cú sốc giá dầu liên quan đến xung đột ở Trung Đông có thể đi kèm với điều kiện tài chính thắt chặt hơn, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng thấp hơn cũng như sự điều chỉnh trên thị trường tài chính./.
Mai Hương