Nền kinh tế Việt Nam, hòa cùng xu thế chung toàn cầu, đang trải qua những chuyển đổi rất quan trọng, đó là tăng năng suất, tăng hiệu quả, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và hướng tới xã hội hài hòa, không ai bị bỏ lại phía sau.
Không tránh khỏi, để tồn tại và thành công, các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam phải tiến hành những chuyển đổi chiến lược sâu sắc để hướng tới các mục tiêu dài hạn hơn như tăng năng suất, tăng tính thích ứng và tăng khả năng phát triển bền vững. Nói cách khác, các doanh nghiệp thành công toàn cầu và Việt Nam đang phải chuyển đổi chiến lược kinh doanh từ mô hình tận thu giá trị (value extraction model) sang mô hình kiến tạo giá trị (value creation model), để mang lại các giá trị bền vững, dài hạn cho cho cổ đông, cho người lao động và cho xã hội.
Từ tối đa hoá lợi nhuận đến tạo ra giá trị toàn diện
Trong nhiều thập kỷ qua, đa số các công ty đã xây dựng và triển khai các chiến lược hướng tới việc tối đa hóa tổng lợi nhuận cho cổ đông (Total Shareholder Return – TSR). Theo quan điểm này, việc tập trung vào TSR được cho là sẽ tạo ra các công ty có hiệu suất hoạt động cao, sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu. Quan điểm này cho rằng những nỗ lực rõ ràng nhằm giải quyết các thách thức xã hội, bao gồm cả những thách thức phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp, nên được giao phó cho chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGOs).
Hiện nay, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang tái đánh giá vai trò của doanh nghiệp trong xã hội. Có nhiều xu hướng đang thúc đẩy sự thay đổi này. Thứ nhất, các bên liên quan, bao gồm người lao động, khách hàng, cổ đông và Chính phủ, đang cần các công ty phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết các thách thức quan trọng như phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu, tạo công ăn việc làm, môi trường làm việc bền vững, đổi mới sáng tạo thường xuyên, thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội doanh nghiệp…
Thứ hai, các nhà đầu tư và cổ đông ngày càng tập trung vào các thực tiễn xã hội và môi trường của các công ty, với thực tiễn cho thấy hiệu suất trong các lĩnh vực này có ảnh hưởng đến lợi nhuận dài hạn.
Thứ ba, các cam kết về các chủ đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang ngày càng trở nên sẵn có và đáng tin cậy hơn. Điều này tăng cường tính minh bạch và thu hút sự chú ý nhiều hơn từ các nhà đầu tư và các bên liên quan khác.
Khi các xu hướng này ngày càng phát triển, các công ty cần bổ sung một góc nhìn mới vào việc thiết lập chiến lược, đó là xem xét tổng tác động xã hội (Total Societal Impact – TSI). TSI là tổng lợi ích đối với xã hội từ các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động, năng lực cốt lõi và các hoạt động của công ty. Nếu được thực hiện tốt, cách tiếp cận này sẽ nâng cao tổng lợi nhuận cho cổ đông (TSR) trong dài hạn bằng cách giảm rủi ro của các sự kiện tiêu cực và mở ra các cơ hội mới. Cuối cùng, cách tiếp cận này cho phép hình thành các công ty tạo giá trị cho cổ đông, khách hàng, cộng đồng và xã hội (Value Creators). Đây là những doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai.
Các doanh nghiệp tạo giá trị là những công ty hoạt động với mục tiêu không chỉ tối đa hóa lợi nhuận tài chính mà còn đóng góp tích cực vào xã hội, môi trường và cộng đồng nơi họ hoạt động. Những doanh nghiệp này kết hợp các chiến lược kinh doanh bền vững và có trách nhiệm để tạo ra giá trị lâu dài và toàn diện cho tất cả các bên liên quan, bao gồm cổ đông, nhân viên, khách hàng, và cộng đồng.
Các doanh nghiệp tạo giá trị được đặc trưng bởi 4 yếu tố sau:
Các công ty tạo giá trị đóng một vai trò quan trọng và đa chiều trong xã hội hiện đại. Trước hết, họ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững bằng cách áp dụng các thực tiễn kinh doanh thân thiện với môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến hành tinh.
Đối với cổ đông, các công ty này không chỉ đảm bảo lợi nhuận bền vững và dài hạn mà còn duy trì quản trị minh bạch và trách nhiệm, giúp cổ đông đưa ra các quyết định đầu tư thông minh. Khách hàng cũng được hưởng lợi từ các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, an toàn và được cải tiến liên tục, kèm theo dịch vụ hỗ trợ khách hàng tận tâm và chuyên nghiệp. Hơn nữa, các công ty tạo giá trị còn đóng góp tích cực vào cộng đồng bằng cách tạo ra việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, và tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân. Như vậy, bằng việc thực hiện các chiến lược kinh doanh có trách nhiệm và bền vững, các công ty không chỉ đảm bảo sự phát triển của mình mà còn góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn xã hội.
Một số công ty tạo giá trị nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như: Tesla, một ví dụ điển hình về việc thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững thông qua công nghệ. Công ty này không chỉ sản xuất xe điện mà còn phát triển các giải pháp năng lượng tái tạo như pin lưu trữ năng lượng và các sản phẩm năng lượng mặt trời. Tesla đang góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon.
Microsoft đã cam kết đạt được mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2030 và bù đắp tất cả lượng khí thải mà công ty đã thải ra kể từ khi thành lập vào năm 1975. Công ty này cũng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, cũng như cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng thông qua các chương trình từ thiện và phát triển công nghệ. Google (Alphabet Inc.) đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án năng lượng tái tạo và cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho các trung tâm dữ liệu và văn phòng của mình. Ngoài ra, Google cũng có nhiều sáng kiến về trách nhiệm xã hội, bao gồm các chương trình giáo dục và phát triển kỹ năng cho cộng đồng toàn cầu. Hay Unilever đã triển khai Kế hoạch Sống Bền vững Unilever (Unilever Sustainable Living Plan), cam kết giảm một nửa tác động môi trường của sản phẩm và cải thiện sức khỏe và phúc lợi cho hơn một tỷ người trên thế giới. Công ty này cũng tập trung vào việc nâng cao điều kiện sống và làm việc cho hàng triệu nông dân và lao động trong chuỗi cung ứng của mình.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy các công ty tạo giá trị thường được định giá cao hơn từ 3 đến tận 19% trong điều kiện tất cả các yếu tố khác đều như nhau. Ngoài ra các công ty này có biên lợi nhuận cao hơn tới 12,4 điểm phần trăm, tất cả các yếu tố khác đều bằng nhau.
Value500 – Công nhận các doanh nghiệp tạo giá trị tại Việt Nam
Lần đầu tiên tại Việt Nam, Chương trình nghiên cứu toàn quốc về Top 500 Doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam 2024 – Value 500 được nghiên cứu và công bố bởi Viet Research và Báo Đầu tư để xác định và công bố các doanh nghiệp tạo giá trị trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, dựa trên việc nghiên cứu, đánh giá 15 chỉ tiêu đối với từng doanh nghiệp. Đây là cộng đồng doanh nghiệp lớn có tầm ảnh hưởng, đã đạt được những thành công trong phát triển, không chỉ là những người dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận, đóng góp ngân sách, mà còn là những người tiên phong trong việc định hình xu hướng phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực cho xã hội, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đem lại giá trị cho cổ đông, các bên liên quan và toàn xã hội.
Việc nghiên cứu, đánh giá và vinh danh các công ty này không chỉ là một sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực của doanh nghiệp mà còn là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp khác cùng hướng tới mục tiêu phát triển dài hạn, bền vững và tạo dựng giá trị cho xã hội.
Được vinh danh trong Value500 chứng tỏ doanh nghiệp không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn chú trọng đến việc tạo ra giá trị lâu dài cho cổ đông, khách hàng, nhân viên và cộng đồng. Giá trị này bao gồm cả các yếu tố tài chính và phi tài chính như sự hài lòng của khách hàng, phúc lợi nhân viên, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Những giá trị này giúp tạo nên một thương hiệu uy tín và bền vững, thu hút được lòng tin và sự ủng hộ từ nhiều phía.
Nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-tao-ra-gia-tri-nhung-cot-tru-cua-nen-kinh-te-d220619.html