DeepSeek đã gây chú ý trên toàn cầu bằng loạt mô hình AI giá rẻ, hiệu suất cao của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số nhiều cái tên tiềm năng khác của Trung Quốc.
Trước sự xuất hiện của DeepSeek, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là “lời cảnh tỉnh” cho các doanh nghiệp công nghệ Mỹ. Khoảng cách giữa AI Mỹ và Trung Quốc đang dần được thu hẹp.
DeepSeek không phải công ty duy nhất đạt tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này. Các hãng công nghệ Trung Quốc khác cũng đang chạy đua ra mắt mô hình AI mới nhất, mà họ tuyên bố không thua kém của DeepSeek hay OpenAI.
Alibaba Cloud
Ngày 29/1 – đúng vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ, Alibaba Cloud của Alibaba ra mắt phiên bản cập nhật của mô hình Qwen 2.5 mang tên Qwen 2.5-Max. Theo công ty, Qwen 2.5-Max đánh bại DeepSeek V3 và Meta Llama 3.1 trên 11 phép đo hiệu chuẩn.
Giới phân tích cho rằng việc Alibaba Cloud công bố Qwen 2.5-Max đúng vào Tết cho thấy áp lực mà DeepSeek gây ra cho thị trường nội địa. Ngoài ra, cũng có thể hãng muốn “tranh thủ” sự chú ý mà DeepSeeek mang lại đối với các mô hình Trung Quốc.
Zhipu
Zhipu là startup tại Bắc Kinh được Alibaba hậu thuẫn. Được biết đến như một trong số “mãnh hổ AI” của Trung Quốc, startup được chú ý không chỉ vì các thành tựu về AI mà còn vì bị Mỹ cho vào danh sách đen.
Ngày 15/1, Zhipu nằm trong số hơn 20 thực thể Trung Quốc bị thêm vào danh sách cấm vận thương mại của Mỹ với cáo buộc hỗ trợ quân đội bằng công nghệ AI. Zhipu lên án quyết định này, nói rằng thiếu cơ sở thực tế.
Không thể phủ nhận những tiến bộ nhanh chóng của startup trong lĩnh vực AI. Sản phẩm gần đây của họ là AutoGLM, trợ lý AI ra mắt hồi tháng 10/2024, giúp người dùng điều khiển smartphone bằng các lệnh giọng nói phức tạp.
Moonshot AI
Cùng ngày DeepSeek giới thiệu R1, một startup Trung Quốc khác đã công bố mô hình ngôn ngữ lớn có thể thách thức OpenAI o1 về toán học và suy luận. Moonshot AI cũng được Alibaba hậu thuẫn, có trụ sở tại Bắc Kinh và được định giá 3,3 tỷ USD. Startup ra đời cùng năm 2023 với DeepSeek.
Sản phẩm Kimi k1.5 là phiên bản nâng cấp của Kimi - trợ lý AI đầu tiên có thể xử lý 200.000 ký tự tiếng Trung trong một lời nhắc (prompt) duy nhất. Theo Moonshoot AI, Kimi được nâng cấp để xử lý tới 2 triệu ký tự.
ByteDance
Một sản phẩm AI khác ra đời đúng dịp Tết Ất Tỵ đến từ ByteDance, công ty mẹ TikTok. Ngày 29/1, ByteDance công bố Doubao-1.5-pro, tuyên bố đánh bại OpenAI o1 trong một số phép đo.
Ngoài cạnh tranh về hiệu suất, công ty còn thách thức các đối thủ về chi phí. Phiên bản mạnh nhất của Doubao tính phí 9 NDT/1 triệu token, bằng nửa giá của DeepSeek-R1. Trong khi đó, chi phí của OpenAI o1 là 438 NDT/1 triệu token.
Tencent
Nổi tiếng nhất với game và siêu ứng dụng WeChat, Tencent cũng là cái tên đáng gờm trong làng AI Trung Quốc. Mô hình hàng đầu của Tencent là Hunyuan, có khả năng tạo video từ văn bản, hoạt động không thua kém Meta Llama 3.1. Một số nhà phân tích ước tính Hunyuan chỉ cần 1/10 năng lực tính toán mà Meta dùng để đào tạo Llama.
(Theo The Guardian)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nhung-cong-ty-ai-trung-quoc-dang-chu-y-khong-kem-deepseek-2371957.html
Bình luận (0)