Công trình trọng điểm có mức đầu tư nghìn tỷ đồng đang “chạy nước rút” để kịp tiến độ với việc giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 30/10, Chủ tịch UBND TP.HCM, Phan Văn Mãi phát động chiến dịch 60 ngày giải ngân đầu tư công. Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư. Theo kế hoạch đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ cố gắng phấn đấu đạt 95% giải ngân đầu tư công. (Ảnh: Lương Ý)
Ngày 24/11, PV VTC News có mặt tại một số công trình trọng điểm ở TP.HCM đang trong quá trình “chạy nước rút” giải ngân đầu tư công. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, từ đây cho đến hết tháng 12/2023 đơn vị sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. (Ảnh: Lương Ý)
Ghi nhận tại nút giao thông An Phú, các chủ đầu tư thi công các gói thầu nút giao thông An Phú cũng đẩy nhanh tiến độ. Dự án nút giao thông An Phú có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 248 tỷ đồng, chi phí xây lắp 2.317 tỷ đồng), dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4/2025. Nút giao này đang xây dựng hầm chui kết nối đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn). Hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống. (Ảnh: Lương Ý)
Ngoài ra, dự án sẽ có thêm 2 cầu vượt gồm 1 cầu vượt dạng chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và đường Lương Định Của với đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Cùng với đó là 1 cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vào đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội). (Ảnh: Lương Ý)
Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng thuộc dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM” qua quận 5 và quận 6 là trọng điểm giải ngân đầu tư công của TP.HCM. Theo Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, trong những ngày cuối năm 2023 thành phố sẽ phối hợp với các sở ban ngành đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Cũng theo vị lãnh đạo này, số tiền giải phóng mặt bằng cho kênh Hàng Bàng khoảng 550 tỷ đồng. (Ảnh: Lương Ý)
Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng có kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2020 song đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Dự án gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đã hoàn thành vào năm 2017, kênh được khôi phục ở hai đầu, kinh phí 300 tỷ đồng. Đối với 2 giai đoạn còn lại đang trong quá trình thực hiện. (Ảnh: Lương Ý)
Là một trong những công trình trọng điểm của TP Thủ Đức (TP.HCM), cầu Tăng Long mang ý nghĩa lớn đối với vận tải hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế và chỉnh trang đô thị. Trước đó, ngày 28/10, UBND TP Thủ Đức phối hợp với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM tổ chức bàn giao mặt bằng và thi công cầu Tăng Long.
Dự án cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu nằm trên tuyến đường Lã Xuân Oai, TP Thủ Đức có tổng quy mô 2,62ha, tổng mức đầu tư hơn 741 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 688 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 53 tỷ đồng.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa dài hơn 4km được TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2016, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng nhưng chưa triển khai. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án tăng lên hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp khoảng 1.500 tỷ đồng, còn lại là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây là tuyến đường được xây dựng mới, điểm đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại nơi giao giữa các đường C12 – Cộng Hoà – Trường Chinh. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Dự án có tuyến chính rộng 25-48 m với 6 làn xe, cùng hai đoạn đường nhánh kết nối, một cầu cạn dài gần một km, 4 làn xe; hai hầm chui ở nút giao Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn và Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý. Công trình dự kiến hoàn thành tháng 8/2024, ngoài mở thêm hướng kết nối mới cho sân bay sẽ giúp giảm ùn tắc các đường hiện hữu như Trường Sơn, Cộng Hoà, Trường Chinh, nút giao Lăng Cha Cả… (Ảnh: Hoàng Thọ)
Ghi nhận của PV VTC News trong sáng 24/11, phía trong những hàng rào tôn cao hơn 2m tại công trình hầm chui nút giao Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, không khí thi công tất bật, khẩn trương. Các kỹ sư, công nhân hối hả tháo dựng cốt thép, lắp khuôn đổ bê tông cho đoạn hầm hở. Trên công trường hiện có hơn chục loại máy móc, thiết bị phục vụ thi công được huy động. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Sau 3 tháng khởi công, gói thầu XL-08 thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua huyện Hóc Môn đang dần hình thành. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Gói thầu XL-08 đoạn qua huyện Hóc Môn khởi công từ ngày 26/7, dự kiến thi công trong 1.080 ngày bao gồm có một cầu cạn vượt đường Nguyễn Văn Bứa, hai cầu vượt qua kênh và phần đường cao tốc dài hơn 7 km, với tổng giá trị gói thầu là 1.417 tỷ đồng. Hiện công việc chủ yếu tại đây là thi công móng cọc cho phần cầu và phát quang dọn dẹp mặt bằng, đào bóc hữu cơ phần đường. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Tương tự, tại gói thầu XL-03 (từ Km17+500 đến Km20+550) thuộc địa phận TP Thủ Đức, các công nhân cũng tất bật thi công. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Dự án Đường Vành đai 3 là dự án có quy mô lớn, cả về độ dài lẫn nguồn vốn và tác động tới toàn miền ở nhiều khía cạnh khác nhau.Tổng chiều dài đường Vành đai 3 TP.HCM là 92 km (nếu trừ đi 15,3km trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn đã hình thành thì chiều dài toàn tuyến là 76,34km). Dự án đi qua các địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Đường Vành đai 3 TP.HCM là đường vành đai cao tốc đô thị, lòng đường bao gồm 4 làn xe cơ giới cùng với hai làn hỗn hợp hai bên, với vận tốc tối đa cho phép là 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Về tiến độ, dự án đã được khởi công trong tháng 6/2023, tiến tới thông xe vào năm 2025 và hoàn thiện toàn bộ vào năm 2026. (Ảnh: Hoàng Thọ)