Cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn
Khi các công trình nước sinh hoạt được đầu tư, đưa nước về tận hộ đã giúp người dân miền núi, vùng cao, nhất là ở những địa bàn khó khăn đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư các công trình nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế so với nhu cầu của người dân. Chưa kể nhiều công trình trước đây do các xã đầu tư, vận hành với công suất nhỏ. Thiếu bộ máy quản lý, vận hành chuyên nghiệp, công trình không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, một số địa phương có liên kết với doanh nghiệp để vận hành đầu tư nhưng hoạt động một thời gian thì gặp nhiều khó khăn. Chính điều này đã khiến cho tỷ lệ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung ở nhiều địa phương đang còn thấp.
Để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các công trình nước sạch cho các xã miền núi. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa không thu hút được doanh nghiệp đầu tư, đề nghị tỉnh ưu tiên từ nguồn vốn ODA, vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư, nâng cấp các công trình bị hư hỏng, xuống cấp và đầu tư xây dựng mới. Qua đó, giúp người dân có nước sạch sử dụng, phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Nguyễn Thị Anh Nga
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
Hệ thống công trình cấp nước chưa đáp ứng được yêu cầu
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lang Chánh, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung rất thấp. Năm 2022 huyện không có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình đề ra bởi không đạt được tiêu chí nước sạch tập trung.
Để giải quyết được những khó khăn trong tiêu chí nước sạch thì phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước, còn nếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương để đầu tư hệ thống cấp nước tập trung là vượt quá khả năng. Mặt khác, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi các doanh nghiệp còn tính tới lợi nhuận nên chưa sẵn sàng đầu tư nhà máy xử lý nước sạch ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, bà con chưa sẵn sàng cho việc phải chi một khoản tiền cho nước sạch sinh hoạt hàng tháng.
Thực tế đến thời điểm hiện tại, việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện, nhất là các huyện miền núi như Lang Chánh, đối với chỉ tiêu nước sạch gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống công trình cấp nước trên địa bàn khu vực miền núi chủ yếu là công trình cấp nước tự chảy, công nghệ đơn giản, chưa đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, nguồn vốn của chương trình rất hạn chế, không có nguồn lực để đầu tư được nhiều công trình cấp nước.
Để chỉ tiêu cấp nước sạch tập trung không trở thành “rào cản” trong quá trình xây dựng nông thôn mới, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành có liên quan, nhất là trong việc bố trí nguồn vốn kịp thời để xây dựng, hoàn thiện các trạm cấp nước đạt tiêu chuẩn.
Lê Quang Tùng
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
UBND huyện Lang Chánh
Việc quản lý vận hành là khâu hết sức quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các công trình
Đối với các công trình hư hỏng ngừng hoạt động hoặc hiệu quả thấp, thì UBND các huyện tổ chức khảo sát, đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước của Nhân dân. Từ đó có giải pháp sửa chữa, nâng cấp theo hướng, công trình nào ngừng hoạt động không thể khắc phục được hoặc nếu khắc phục nhưng nguồn kinh phí lớn thì lập phương án thanh lý. Riêng đối với các công trình có nguồn nước ổn định, người dân thực sự có nhu cầu thì xem xét cho phép lập phương án nâng cấp, sửa chữa để sử dụng. Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá hiện trạng cấp nước của các nhà máy cấp nước sạch tập trung đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để có phương án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước; trong đó, tập trung nâng cấp công nghệ xử lý nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước cho các xã chưa được cung cấp nước sạch.
Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, việc quản lý vận hành là khâu hết sức quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các công trình nhằm đem lại hiệu quả cao cho mỗi công trình cấp nước. Vì vậy, cần thực hiện việc giao, nhận công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn theo hướng phân cấp cho các xã, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, tổ chức bộ máy quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tập trung theo đúng quy định. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý khai thác phù hợp với đặc điểm, quy mô của từng loại hình công trình bền vững, hiệu quả và tham mưu cơ chế hỗ trợ đối với công tác quản lý khai thác công trình.
Hiện Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa cũng thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân và cán bộ địa phương, tham mưu cho Sở Nông nghiệp trình UBND tỉnh về phương án cấp nước cho các huyện miền núi. Trung tâm cũng nghiên cứu và đề xuất một số mô hình cấp nước phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhất là tại các huyện miền núi.
Lê Văn Nghĩa
Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt
và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa
Giải pháp để người dân có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng
Nhiều năm nay, người dân thôn Chạc Ranh, xã Tân Phúc (Lang Chánh) chủ yếu sử dụng nước từ nguồn giếng khoan, từ các khe, suối. Nguồn nước này đều do người dân tự đào, dẫn nước, thấy nước không có mùi, màu hay vị lạ là yên tâm sử dụng.
Công trình nước sạch được đầu tư quy mô, nhưng hoạt động với thời gian ngắn đã bị bỏ hoang, trong khi người dân không có nước cho sinh hoạt hằng ngày. Sau khi có hệ thống nước tự chảy, gia đình cũng làm ống đấu nối từ bể về dùng, thế nhưng, lâu nay đã bị cạn kiệt, có những hôm phải đem can nhựa vào tận khe suối để lấy. Nhà có 6 nhân khẩu, để bảo đảm đủ nước để nấu ăn và giặt giũ, có ngày phải vào tận khe lấy 10 can, mỗi can 20 lít.
Đưa nước sạch về vùng nông thôn, nhất là khu vực miền núi để cải thiện cuộc sống cho bà con là một trong những tiêu chí góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm sức khỏe cho người dân. Người dân xã Tân Phúc mong rằng, các cấp, các ngành cần quan tâm để người dân có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng.
Hà Thị Chính
xã Tân Phúc (Lang Chánh)