Theo hãng tin Bloomberg, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang mất đà, sau đợt bùng nổ trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng hồi đầu năm nay.
Nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu cũng góp phần làm tăng thêm sự ảm đạm của Trung Quốc. (Nguồn: CNN) |
Dữ liệu chính thức do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 16/5 cho thấy, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư cố định tại nước này đang tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 4/2023.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng vọt
Cụ thể, sản xuất công nghiệp trong tháng 4 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với dự báo 10,9% của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Bloomberg. Doanh số bán lẻ tăng 18,4%, chủ yếu do số liệu năm ngoái thấp. Và tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định chậm lại, còn 4,7% trong 4 tháng đầu năm.
Một lo lắng lớn là tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng vọt lên mức cao kỷ lục 20,4% – một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi sau đại dịch không đủ mạnh để thu hút hàng triệu người mới tham gia thị trường lao động.
Bà Winnie Wu, chiến lược gia về chứng khoán của BofA Securities cho rằng: “Nhiều người trong đó có các nhà đầu tư coi đây là một chỉ báo hàng đầu. Nếu những người trẻ tuổi không thể kiếm được việc làm, không có thu nhập đảm bảo, thì sự tự tin ở đâu, phục hồi tiêu dùng đến từ đâu?”
Những chỉ số khác của nền kinh tế cũng đang xác nhận, sự phục hồi tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm. Thị trường bất động sản tại Trung Quốc vẫn còn yếu, bất chấp những dấu hiệu ban đầu về doanh số bán nhà ở tăng lên. Trong khi đó, lạm phát gần bằng 0 và người tiêu dùng không muốn vay mượn.
Cũng trong tháng 4/2023, đầu tư bất động sản giảm 16,2% so với một năm trước đó. Xây dựng nhà mới tiếp tục giảm.
Sản lượng của các mặt hàng chính được sử dụng trong xây dựng, như nhôm và thép, đã giảm trong tháng 4 so với tháng trước.
Các nhà kinh tế cho rằng, cần có nhiều hành động chính sách hơn để duy trì đà phục hồi. Chỉ riêng các bước của ngân hàng trung ương sẽ không đủ để thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Ông Haibin Zhu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại JPMorgan Chase & Co nhận định: “Hỗ trợ chính sách là bước đi quan trọng, nhưng câu hỏi đặt ra là kích thích chính sách nào là quan trọng nhất?
Chính sách công nghiệp có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn, sau đó là kích thích tài chính, đặc biệt là kích thích tiêu dùng. Chính sách tiền tệ có thể đóng một vai trò bổ sung, nhưng thành thật mà nói, việc cắt giảm lãi suất không phải là phản ứng khẩn cấp nhất”.
Ngày 15/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã ám chỉ rằng, họ sẽ duy trì chính sách hỗ trợ. Thông tin này khiến một số nhà kinh tế dự đoán, PBOC có thể có hành động mạnh mẽ hơn trong những tháng tới, bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc cắt giảm lãi suất.
Ông Michelle Lam, nhà kinh tế Trung Quốc Đại lục tại Societe Generale SA nhận định, mức tiêu thụ vẫn ổn định, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng đột biến lên mức cao kỷ lục đặt ra câu hỏi về mức độ bền vững của sự phục hồi đó.
Ông nhận thấy: “Dữ liệu kinh tế mới nhất ở Trung Quốc có thể mở ra cánh cửa cho việc cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất, có thể là vào tháng 6.”
Những năm gần đây, PBOC đã hạn chế cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, thay vào đó ưu tiên các biện pháp kích thích có mục tiêu.
“Cơn gió ngược” từ thế giới
Nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu cũng góp phần làm tăng thêm sự ảm đạm của Trung Quốc. Lạm phát cao và lãi suất tăng tại các thị trường lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất giảm nhanh.
Các nhà xuất khẩu tại hội chợ Canton Fair – hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc gần đây đã báo cáo sự sụt giảm đơn đặt hàng từ nước ngoài. Đồng thời, theo Bloomberg, các cuộc khảo sát về quản lý mua hàng cũng cho thấy, sự yếu kém trong lĩnh vực sản xuất.
NBS cũng nhấn mạnh những rủi ro toàn cầu và trong nước, khi cho hay: “Môi trường toàn cầu vẫn phức tạp và nhu cầu trong nước dường như vẫn chưa đủ. Ngoài ra, động lực phục hồi bên trong của nền kinh tế vẫn chưa mạnh mẽ”.
Ngoài ra, trong tháng 4, đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất – vốn giúp bù đắp sự sụt giảm trong đầu tư bất động sản – đều chậm lại so với tháng trước. Đây là dấu hiệu chứng minh chi tiêu của chính phủ yếu hơn và niềm tin kinh doanh yếu.
Tuy nhiên, vẫn có một số chuyên gia đặt niềm tin vào kinh tế Trung Quốc. Đơn cử như các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc. Họ đã hạ thấp những lo ngại về sự phục hồi đang bị chệch hướng, giữ nguyên dự báo tăng trưởng cả năm 2023 là 6%.
Các nhà kinh tế này khẳng định: “Chúng tôi không xem dữ liệu hoạt động tháng 4 là bước ngoặt cho tăng trưởng. Chúng tôi tin rằng sự phục hồi sau khi mở cửa trở lại do tiêu dùng dẫn đầu của Trung Quốc vẫn đang đi đúng hướng”.