Vàng trở nên lấp lánh hơn trong mắt nhà đầu tư khi là kênh trú ẩn an toàn
Giá vàng liên tục biến động mạnh thời gian gần đây. Trở lại tháng 3.2022, thời điểm bắt đầu xung đột Ukraina, giá vàng khi đó ở mức 2.069 USD/ounce trước khi bị bán tháo, giảm xuống gần 1.600 USD/ounce vào tháng 9.2022. Tới tháng 3.2023, giá vàng phục hồi mạnh mẽ sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon, vượt qua mốc 2.000 USD/ounce rồi lại tụt dốc. Vàng hiện đang phải đối mặt với nhiều yếu tố đẩy giá và cả những yếu tố gây áp lực giảm giá.
Hiện tại, căng thẳng địa chính trị đang diễn ra và lo ngại Hoa Kỳ có thể bước vào suy thoái kinh tế đã giúp hỗ trợ giá vàng trên mức 1.900 USD. Ngoài ra, nhu cầu dồn nén từ đợt COVID-19 ở một số thị trường lớn cũng là yếu tố đưa giá vàng lên cao.
Gần đây, lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu giảm dần. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng vì nó làm giảm kỳ vọng về lãi suất trong tương lai, khiến kim loại này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Những “cơn gió ngược”
Bất chấp những yếu tố hỗ trợ đã đề cập, giá vàng vẫn phải đối mặt với một số trở ngại. Sức mạnh của đồng USD đã giảm trở lại từ mức cao nhất được ghi nhận hồi nửa cuối năm 2022, nhưng vẫn duy trì được vị thế. Đồng đôla mạnh mẽ là tin xấu đối với vàng vì khiến chi phí nắm giữ kim loại này trở nên đắt đỏ hơn. Giá kim loại được tính bằng USD có thể ảnh hưởng đến nhu cầu từ nước ngoài. Kết quả, khi đồng đôla mạnh lên, giá vàng có xu hướng giảm.
Triển vọng của đồng đôla được cho là khó đoán biết và phần lớn phụ thuộc vào việc liệu nền kinh tế Mỹ có bước vào suy thoái hay không, lạm phát giảm nhanh ra sao và cả hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Lãi suất cũng là yếu tố có mối quan hệ nghịch đảo với giá vàng. Với việc lãi suất vẫn ở mức cao – thậm chí còn có thể tăng, trái phiếu và đầu tư thu nhập cố định là một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho vàng. Nếu chu kỳ tăng lãi suất chấm dứt, vàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Tuy nhiên, vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell bày tỏ lo ngại trước những yếu tố bất ổn trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch chống lạm phát của FED. Ông cũng để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới, bởi quyết định của Ủy ban Thị trường mở Liên bang còn tùy thuộc vào tình hình thực tế. Trường hợp FED tiếp tục thắt chặt chính sách, thị trường vàng sẽ gặp áp lực.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, 2022 là năm tiêu thụ vàng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ. Xu hướng này đã đảo ngược vào năm 2023, với nhu cầu về vàng trong quý I giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động mua liên tục của các ngân hàng trung ương trên thế giới không đủ bù đắp cho nhu cầu.
Nhìn về phía trước, triển vọng cho vàng vẫn được đánh giá khá cân bằng. Giá vàng đã tăng 5,4% trong nửa đầu năm nay. Việc FED chấm dứt chu kỳ thắt chặt lãi suất và đồng USD yếu hơn cũng là điều thuận lợi. Suy thoái kinh tế cũng sẽ đẩy giá vàng cao hơn do tác động. Song, nếu nền kinh tế Mỹ và cả thế giới nói chung tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi nhanh chóng, giá vàng có thể bị ảnh hưởng.
Giới phân tích dự báo giá vàng sẽ còn bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Thị trường cần chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ xảy ra.