(Dân trí) – Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều có con đường tiềm năng để bước vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống sít sao nhất 75 năm qua.
Chỉ còn chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ứng viên Dân chủ Kamala Harris và ứng viên Cộng hòa Donald Trump đang dồn hết sức lực để tìm kiếm con đường khả thi nhất đến Nhà Trắng.
Cả hai ứng viên đang tập trung vào các bang chiến trường, nơi có thể quyết định kết quả bầu cử. Cuộc đua tại bảy bang này đang diễn ra vô cùng căng thẳng khi không ứng viên nào dẫn trước hơn 2 điểm.
Bà Harris giành lại “bức tường xanh”
Chiến thắng tại ba bang “bức tường xanh” của đảng Dân chủ gồm Pennsylvania, Michigan và Wisconsin là cơ hội tốt nhất để bà Harris bước vào Nhà Trắng. Các bang này từng ủng hộ ông Trump năm 2016 nhưng đã quay lại với đảng Dân chủ vào năm 2020.
Tuy vậy, đây cũng sẽ là con đường mang lại kết quả sít sao nhất trong các khả năng giành chiến thắng của Phó Tổng thống Harris.
Cụ thể trong trường hợp này, bà Harris thắng thế ở các bang kể trên, trong khi ông Trump thắng ở các bang phía Nam và Tây Nam là Nevada, Arizona, Georgia và North Carolina. Như vậy, bà Harris sẽ giành chiến thắng với số phiếu đại cử tri tối thiểu là 270, so với 268 của ông Trump.
Để chiến thắng này xảy ra, bà Harris cần giành được một phiếu đại cử tri từ Khu vực Nghị viện số 2 của Nebraska. Nebraska là một trong 2 tiểu bang phân phối phiếu bầu của mình theo kết quả của mỗi khu vực nghị viện và khu vực 2 dường như nghiêng về ứng viên đảng Dân chủ, mặc dù việc bỏ phiếu tại đây đã bị hạn chế đáng kể.
Đảng Dân chủ dường như có hy vọng nhất vào khả năng bà Harris giành chiến thắng ở các bang tương tự như Tổng thống Joe Biden vào 4 năm trước và thêm một bang nữa mà ông đã thất bại là North Carolina.
Các cuộc thăm dò dường như cho thấy trường hợp này khả thi bởi bà Harris hoặc dẫn trước hoặc bám đuổi sít sao ông Trump ở cả 7 bang chiến trường. Đó là một sự cải thiện đáng kể so với ông Biden vào cuối nhiệm kỳ tranh cử, ông đã bị tụt lại phía sau, đặc biệt là ở các bang phía Nam và Tây Nam.
Nếu giành chiến thắng ở cả 7 bang, bà Harris sẽ giành được 319 phiếu đại cử tri, nhiều nhất đối với một ứng cử viên tổng thống kể từ khi Tổng thống Barack Obama tái đắc cử năm 2012. Ông Trump sẽ kém bà 100 phiếu khi có 219 phiếu.
Nhiều dự đoán cho thấy ít nhất một bang chiến trường sẽ có kết quả khác so với cuộc bầu cử trước. Trong lịch sử, chưa từng có trường hợp nào mà tất cả bang chiến trường đều chọn một đảng trong 2 kỳ bầu cử liên tiếp. Mặc dù vậy, tình hình năm nay dường như làm cho trường hợp này khả thi hơn các năm khác.
Pennsylvania có lẽ là nơi cuộc đua diễn ra gay cấn nhất, đây là bang có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với cơ hội chiến thắng của các ứng viên.
Pennsylvania có tới 19 phiếu đại cử tri, nhiều hơn bất kỳ bang chiến trường nào khác và nhận được nhiều sự chú ý nhất từ cả 2 ứng viên. Theo công ty theo dõi quảng cáo AdImpact, các ứng viên sẽ chi quảng cáo ở Pennsylvania trong những tuần bầu cử cuối cùng nhiều hơn tại bất kỳ tiểu bang nào khác.
Chiến thắng tại Pennsylvania sẽ là cú huých lớn đối với bà Harris, đặc biệt là khi các cuộc thăm dò gần đây tại Michigan và Wisconsin đang cho thấy sự ủng hộ đảng Dân chủ mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, trong trường hợp thất bại ở Pennsylvania, bà Harris vẫn có một số lựa chọn khác. Cả North Carolina và Georgia đều có nhiều phiếu đại cử tri gần tương đương Pennsylvania, với 16 phiếu mỗi bang. Đảng Dân chủ coi North Carolina là cơ hội tốt nhất khi hy vọng có thể giành lại bang này từ đảng Cộng hòa.
Nếu bà Harris có thể giữ vững phong độ ở Michigan và Wisconsin trong khi 2 bên chia nhau kiểm soát North Carolina và Georgia, đảng Dân chủ sẽ chỉ cần một trong 2 tiểu bang là Arizona hoặc Nevada. Đây cũng là khu vực mà mô hình dự báo của Decision Desk HQ/The Hill cho thấy Phó Tổng thống có cơ hội tốt nhất.
Tham vọng trở lại Nhà Trắng của ông Trump
Nếu ông Trump giành chiến thắng ở bang Pennsylvania, ông ấy sẽ có nhiều con đường để đạt được 270 phiếu đại cử tri hơn so với bà Harris. Cách đơn giản nhất để làm điều này là giành chiến thắng ở Pennsylvania và 2 bang khác có giá trị bầu cử cao nhất là Georgia và North Carolina.
Tuy nhiên, ngay cả khi bà Harris có thể giành chiến thắng ở 1 trong 2 bang đó, bà vẫn cần phải thắng ít nhất 3 trong số 4 bang chiến trường còn lại để giành chiến thắng, trong khi ông Trump chỉ cần 2.
Phó Tổng thống có thể thắng Georgia và North Carolina, nhưng ở thời điểm hiện tại, mục tiêu này với bà Harris xa vời hơn so với Pennsylvania. Mô hình của báo The Hill và trang dự đoán bầu cử Decision Desk HQ cho thấy, cơ hội chiến thắng của ông Trump ở 2 bang này là 65%. Trong khi đó, cơ hội chiến thắng của ông Trump và bà Harris ở Pennsylvania là 50-50.
Theo mô hình dự đoán của FiveThirtyEight, nếu ông Trump thắng ở Pennsylvania, thì cơ hội tái đắc cử của ông lên tới 86%. Ngược lại, mất Pennsylvania sẽ là một đòn giáng mạnh với ông.
Nếu ông Trump giành chiến thắng ở 3 bang gồm North Carolina, Georgia và Arizona, ông sẽ cần phải chọn một trong các bang có “bức tường xanh” còn lại để vượt qua mốc 270 phiếu đại cử tri.
Nếu ông thắng ở North Carolina và Georgia cùng với bang có giá trị bầu cử cao nhất tiếp theo là Michigan, ông sẽ chỉ cần thắng thêm một bang nữa là Arizona, Wisconsin hoặc Nevada để có thể trở lại Nhà Trắng. Đây sẽ là một kịch bản tương đối khó xảy ra.
Một kịch bản dễ xảy ra hơn là ông Trump cố gắng tập hợp một nhóm các bang có số phiếu đại cử tri ở mức 2 con số để bù đắp cho việc mất 19 phiếu ở Pennsylvania.
Kịch bản khác tuy khó xảy ra hơn, nhưng không phải là không thể đó là ông Trump thắng ở tất cả bang chiến trường
Ở giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, khi kết quả thăm dò dư luận không mấy khả quan đối với ứng viên Dân chủ, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, ông Trump được dự đoán sẽ dễ dàng thắng ở toàn bộ 7 bang chiến trường. Hiện giờ, chiến dịch tranh cử của bà Harris có tín hiệu khả quan hơn so với của ông Biden, nhưng ông Trump vẫn có khả năng giành chiến thắng ở tất cả các bang chiến trường.
Nếu ông Trump thắng ở cả 7 bang này, ông sẽ giành được 312 phiếu đại cử tri so với 226 phiếu của Harris, một kỳ tích tốt hơn năm 2016 khi ông đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên.
Kịch bản này có thể đặc biệt dễ xảy ra hơn nếu ông Trump vượt trội hơn những gì cuộc thăm dò cho thấy, như ông đã làm ở một mức độ nhất định trong 2 cuộc bầu cử trước đó. Ông đã giành chiến thắng bất ngờ vào năm 2016 sau khi hầu hết các nhà phân tích dự đoán ứng viên Dân chủ Hillary Clinton sẽ thắng thế.
Ông chỉ cần vượt trội hơn một chút trong các cuộc thăm dò năm nay, điều đó có thể đủ để mang lại cho ông lợi thế ở các bang chiến trường.
Tuy nhiên, các tổ chức khảo sát cảnh báo, ông Trump sẽ vượt trội hơn trong các cuộc thăm dò năm nay bởi mỗi chu kỳ bầu cử là khác nhau và các tổ chức thăm dò cũng điều chỉnh phương pháp để khắc phục tốt hơn những sai sót trước kia.
“Bàn tay tỷ phú”
Một nét đặc trưng trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là sự tham gia tích cực của các nhóm lợi ích, trong đó phải kể đến giới tài phiệt, những nhà tài trợ mạnh tay cho chiến dịch tranh cử của các ứng viên. Nhà phân tích chính trị Jeremy Carl cho rằng các vấn đề chính trị hiện nay đối với một số tỷ phú thậm chí nhạy cảm hơn các cuộc bầu cử trước.
Trong cuộc đua tổng thống căng thẳng, sít sao nhất trong 75 năm qua giữa ông Trump và bà Harris, các tỷ phú càng thẳng thắn hơn trong việc tài trợ cho các ứng viên và bày tỏ quan điểm liên quan đến các vấn đề như nhập cư, thuế…
Ông Trump dường như đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới tỷ phú hơn. Theo thống kê của trang tin Slate, hơn 60 tỷ phú đã mở hầu bao để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông.
Những người ủng hộ ông Trump thường là những nhà tài phiệt, doanh nhân giàu có được hưởng lợi từ các chính sách miễn giảm thuế, hay cam kết của ông về việc khuyến khích tiền điện tử, chấm dứt các biện pháp quản lý nghiêm ngặt đối với ngành này. Ngược lại, đảng Dân chủ có xu hướng theo đuổi chính sách đánh thuế với người giàu hay kiểm soát các thương vụ mua bán, sáp nhập để ngăn chặn tình trạng độc quyền.
Những người nghiêng về ông Trump cũng có thể là một bộ phận bày tỏ sự bất bình trên mạng, lo lắng về tình trạng nhập cư và cuộc chiến ở Ukraine trong khi hoài nghi về các thành tựu của chính quyền Biden – Harris.
Nhiều lãnh đạo đến từ Thung lũng Silicon đang lên tiếng ủng hộ ông Trump, dù trước đây họ nghiêng về phía chủ nghĩa tự do xã hội và là nguồn ủng hộ cho các chính trị gia Dân chủ như cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Ngay cả Giám đốc điều hành Tesla và Space X, tỷ phú Elon Musk, từng tuyên bố sẽ không quyên góp tiền cho bất kỳ ứng viên tổng thống nào, nhưng gần đây ông bắt đầu ủng hộ mạnh mẽ cho ông Trump. Ông cũng tán thành thuyết âm mưu rằng chính quyền của ông Biden đang cho phép nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ để có được những lá phiếu cho đảng Dân chủ.
Ông chủ Tesla và SpaceX được cho là đã chi ít nhất 132 triệu USD để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Ông thậm chí tuyên bố sẽ thưởng 1 triệu USD mỗi ngày cho cử tri ngẫu nhiên ký vào bản kiến nghị trực tuyến ủng hộ quyền tự do ngôn luận và sở hữu vũ khí được công bố hồi đầu tháng bởi siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ ứng viên Donald Trump. Ông cũng trực tiếp đứng trên sân khấu vận động tranh cử cùng ông Trump.
Động lực thực sự đằng sau tất cả những hành động này của người giàu nhất thế giới vẫn là câu hỏi để ngỏ, song dường như gắn chặt với mong muốn nới lỏng các chính sách của chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Ngoài ra, chính sách giảm thuế của một chính quyền Donald Trump tiềm năng cũng có thể là một trong những động lực.
Theo một báo cáo của Rolling Stone, ông Musk có khả năng hưởng một trong những khoản giảm thuế cá nhân lớn nhất trong lịch sử Mỹ nếu ông Trump thắng cử và bổ nhiệm ông chủ Tesla vào đảm nhận một vị trí trong chính phủ.
Ứng viên Dân chủ Harris cũng nhận được sự ủng hộ từ một số tài phiệt có ảnh hưởng, trong đó tỷ phú Bill Gates đã quyên góp 50 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của bà. Tuy nhiên, bà không thoải mái với sự bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ cũng như sức mạnh kinh tế và chính trị to lớn của giới siêu giàu.
Không giống ông Trump, bà Harris muốn áp thuế cao hơn đối với giới siêu giàu, bao gồm “thuế tối thiểu dành cho tỷ phú” và thậm chí thuế đối với lợi nhuận đầu tư chưa thực hiện của họ.
Một bộ phận không nhỏ người giàu ủng hộ bà Harris là những người lo ngại về mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử. Họ bao gồm cả những lãnh đạo ở Thung lũng Silicon hay người có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng như nữ ca sĩ Taylor Swift.
Mặc dù ông Trump dường như đang chiếm ưu thế hơn về sự ủng hộ của giới giàu có, song Allan Lichtman, một nhà sử học đã dự đoán chính xác kết quả của mọi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kể từ năm 1982 bằng phương pháp “13 chìa khóa”, vẫn tin vào khả năng đắc cử của bà Harris.
Theo ông Lichtman, các tỷ phú có thể thẳng thắn hơn trong cuộc bầu cử này nhưng sự ủng hộ của họ khó có thể đóng vai trò quyết định kết quả.
Theo Financial Review, Slate, Hill, Fortune
Nguồn:https://dantri.com.vn/the-gioi/nhung-con-duong-toi-ghe-tong-thong-cua-ong-trump-va-ba-harris-20241027221603609.htm