Có một câu ngạn ngữ rất hay về Đà Lạt: Dat Aliis Laetitian Aliis Temperriem, nghĩa là: Mang tới người này niềm vui và mang cho người kia sự dịu mát. Và có chăng là sự tình cờ, các chữ cái đầu tiên của câu nói ấy đã ghép nên cái tên D.A.L.A.T.
Thành phố của ngàn hoa rực rỡ, của thông reo, của những người con thuần phác hiền hậu cùng những giá trị văn hóa sâu dày này còn có những con đèo ngoạn mục làm nên tên tuổi trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Trước tiên phải kể đến D’Ran, con đèo có cái tên “lạ” nhất toàn vùng, lấy theo tên của thị trấn D’Ran xinh đẹp ở lưng đèo thuộc huyện Đơn Dương. Chính con đường đèo này bác sĩ Yersin đã ưu ái đặt tên “Langbian thu nhỏ” trong lần thứ 3 chinh phục Langbiang năm 1893. Dài hơn 10km, đèo D’Ran nối liền Đơn Dương với Trạm Hành, kéo dài qua Cầu Đất, Xuân Trường, Xuân Thọ, Trại Máttrước khi dừng chân tại trung tâm Đà Lạt.
Uốn lượn độc đáo với những khúc cua tay áo chính là cung đường mời gọi đam mê cho những tay lái ưa cảm giác mạnh. Khách du lịch đã vinh danh D’Ran là “cung đường giọt lệ” như một lời tri ân tạo hóa đã dành nhiều ưu ái cho đèo D’Ran, vừa hiểm trở lại vừa huyền ảo, nên thơ.
Mùa xuân, D’Ran khoe sắc hoa đào quý phái giữa tiết trời se lạnh trong ngần. Tới cuối thu đầu đông, con đèo lại được điểm tô màu vàng rực rỡ của hoa dã quỳ hoang hoải. Ngoài không khí tươi mát và khung cảnh thiên nhiên xanh rì, D’Ran có nhiều điểm dừng nghỉ ven đường để du khách được trải nghiệm ẩm thực địa phương giữa rừng thông muôn tuổi đẹp đến nao lòng.
Trải qua trăm năm có lẻ, đèo D’Ran vẫn mãi là người bạn thủy chung, bền bỉ kết nối giữa một bên là dấu tích ngàn xưa của nền văn hóa Sa Huỳnh, vùng đất Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận với bên kia là trái tim trẻ trung hiện đại nhất của tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt.
Dài hơn D’Ran và cũng là một trong những con đèo dài nhất Việt Nam – đèo Khánh Lê đóng vai trò huyết mạch nối liền Đà Lạt tới Nha Trang, mà người ta ưu ái gọi là “con đường nối biển và hoa”. Đèo Khánh Lê dài 33km, nằm phía sườn đông của dãy Trường Sơn Nam, nối đoạn cuối tỉnh lộ 723 tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng với tỉnh lộ 652 tại huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa.
Đèo còn được gọi với nhiều tên khác như đèo Bi Đoup (theo tên đỉnh núi Bi Đoup mà đèo cắt ngang gần đó) hoặc đèo Hòn Giao (theo tên dãy núi Hòn Giao nằm ở phía bắc đèo) hay đèo Long Lanh. Khi di chuyển qua đèo Khánh Lê, người ta sẽ không khỏi trầm trồ trước cảnh sắc thiên nhiên với những dãy núi xanh và dòng suối trong vắt. Những khúc cua đầy cảm xúc và cả những màn sương mù đã trở thành “đặc sản” giữa nơi giao thoa đất trời này. So với “Tứ đại đỉnh đèo” lừng danh Tây Bắc, hay đèo Hải Vân hùng dũng vắt ngang Bạch Mã thì Khánh Lê mang đậm hơi thở của Tây Nguyên trữ tình, thi vị.
Tạp chí Heritage