Trong danh sách, Sở LĐ-TB&XH TPHCM giới thiệu 5 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, trong đó có 4 cơ sở cấp thành phố quản lý và 1 cơ sở cấp huyện quản lý.
Ngoài những cơ sở bảo trợ xã hội công lập, 5 cơ sở trên là những cơ sở trợ giúp xã hội có điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự, hệ thống quản lý tốt mà Sở LĐ-TB&XH TPHCM giới thiệu để những bà mẹ rơi vào trường hợp bất khả kháng có thể đưa trẻ sơ sinh đến đây nuôi dưỡng.
Việc này sẽ hạn chế nguy cơ người dân có thể gửi con nhầm nơi không được quản lý tốt, để xảy ra những vụ việc đau lòng như ở Mái ấm Hoa Hồng vừa qua.
Sau sự việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng bị phát hiện, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã kiểm tra và phát hiện Mái ấm Chúc Từ chưa đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng trẻ nên cũng tạm dừng hoạt động 3 cơ sở của Mái ấm này.
Sau đó, các trẻ em Mái ấm Hoa Hồng và Mái ấm Chúc Từ đã được đưa về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TPHCM để nuôi dưỡng, chăm sóc. Tính đến ngày 9/9, tổng cộng số trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng và Mái ấm Chúc Từ mà 4 cơ sở bảo trợ xã hội công lập đã tiếp nhận là 131 trẻ.
Hiện Sở LĐ-TB&XH TPHCM đang quản lý 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập; 1 cơ sở giáo dục (trường Hermann Gmeiner với 1.183 học sinh) và 1 cơ sở đào tạo nghề (Trung tâm Bảo trợ Dạy nghề và Tạo việc làm Thành phố với 492 em); thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.505 đối tượng bảo trợ xã hội.
Số liệu tính đến ngày 9/8, các cơ sở bảo trợ xã hội công lập thuộc Sở LĐ-TB&XH TPHCM đang chăm sóc nuôi dưỡng 885 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.792 người cao tuổi, 4.131 người khuyết tật đặc biệt nặng (trong đó có 2.506 người bệnh tâm thần).
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/nhung-co-so-tro-giup-xa-hoi-nhan-nuoi-tre-em-uy-tin-o-tphcm-20240912125433415.htm