Những chuyến xe… rau
Những ngày tháng 9 năm 2024 là những ngày không thể nào quên khi bão số 3 (Yagi) đi qua các tỉnh phía Bắc nước ta đã gây thiệt hại rất nặng nề cho nhiều địa phương. Nhiều khu vực chìm sâu trong nước, bị cô lập; nhiều thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cùng những nỗi đau không thể đong đếm…
Nhưng cũng chính trong những tháng ngày khó khăn đó, có những “đốm lửa” đã sưởi ấm hàng triệu con tim Việt Nam. Một trong số đó là những chuyến xe đặc biệt – những chuyến xe chở nặng nghĩa tình.
Ấy là khi cơn bão vừa đi qua miền Bắc, khi những vựa rau, vườn quả đang độ non xanh, những trang trại lợn, trại gà sắp đến kỳ xuất trại bất ngờ bị bão quật, gió đánh chìm sâu trong nước lũ. Đó cũng là lúc ở các khu chợ, giá rau, giá thịt không ngừng gia tăng. Người dân nhiều vùng bão vừa chưa hết bàng hoàng bởi mưa gió, lại tiếp tục bị cơn “bão giá” quật qua. Ngay lúc đó, hệ thống bán lẻ đã lập tức vào cuộc.
Theo đó, ngày 8/9, chỉ hơn 1 ngày sau khi bão số 3 quật qua, gần 100 tấn rau củ thiết yếu đã được vận chuyển từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc mỗi ngày. Đây là nỗ lực của WinEco nhằm đảm bảo nguồn cung cấp rau củ cho người dân, đồng thời bù đắp sự thiếu hụt do thiệt hại của các nông trường miền Bắc sau bão Yagi, nhất là các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu bí, mướp đắng, và nhiều mặt hàng khác.
Ngoài ra, để đảm bảo duy trì ổn định nguồn hàng của miền Bắc đến cuối tháng, WinEco đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại các nông trường ở Lâm Đồng và miền Nam để duy trì ổn định sản lượng cung cấp cho thị trường miền Bắc và bình ổn giá cho người tiêu dùng sau ảnh hưởng từ bão Yagi.
Đáng nói là thời điểm đó, hoạt động vận chuyển không hề dễ dàng vì các chuyến xe gặp rất nhiều trở ngại do tình trạng ngập lụt và sạt lở tại các tỉnh miền Bắc. Song ngay lập tức, “ông lớn” ngành bán lẻ Việt Nam đã triển khai giải pháp kịp thời là cố gắng vận chuyển và bằng mọi cách đảm bảo hàng không đứt gãy tại các kho trung tâm, từ đó sẵn sàng phân phối đến các siêu thị/cửa hàng. Bên cạnh đó, lựa chọn các siêu thị và cửa hàng có diện tích lớn và dễ dàng giao nhận hàng hóa để quy hoạch thành các điểm nhận hộ. Nhân viên vận hành tại các siêu thị/cửa hàng này sẽ tiếp nhận hàng hóa và mang hàng đến các siêu thị/cửa hàng mà xe hàng không thể tiếp cận được.
Cố gắng đưa từng bó rau đến người tiêu dùng với tất cả sự nỗ lực, song giá bán vẫn được chuỗi bán lẻ của Tập đoàn Masan giữ ổn định. Đây được đánh giá là nỗ lực vô cùng lớn của Tập đoàn Masan bởi thời điểm đó, 4 nông trại WinEco tại miền Bắc bao gồm Hà Nam, Quảng Ninh, Tam Đảo và Hải Phòng đã bị tàn phá hoàn toàn, đồng ruộng bị ngập úng, các nhà vườn đều bị sập, tróc mái và gần như mất trắng sản lượng; cụm nhà máy của Masan MEATLife tại Hà Nam và trại gà Bắc Giang bị cô lập.
Những chuyến xe của MM Mega Market tập kết tại Đà Lạt (Lâm Đồng) để chở rau ra phía Bắc (Ảnh: MM Mega Market) |
Một doanh nghiệp bán lẻ khác là MM Mega Market Việt Nam cũng ngay lập tức vận chuyển rau quả từ Bình Dương và Lâm Đồng ra phía Bắc cùng thời điểm với WinEco với lượng tăng 3 lần so với bình thường để cung ứng kịp thời cho người tiêu dùng phía Bắc. Việc tập trung mạnh vào xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và được củng cố mạnh mẽ bởi các 5 trạm thu mua – cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, cùng 6 Kho giao hàng B2B (Depot). Ví dụ như kho Depot từ ở miền Trung trở ra Bắc như Phan Thiết, Đồng Hới, Thanh Hóa, Sapa… đã giúp kênh bán lẻ này có trữ lượng hàng hóa có khả năng cung ứng lên đến 1 tháng cho miền Bắc, kịp thời tận dụng ngay trong dịp này để giải “cơn sốt giá” rau củ quả cho miền Bắc. Bên cạnh đó, đơn vị còn có hệ thống xe tải nhỏ giao hàng tại các Depot có khả năng vận chuyển hàng hóa đến các khu vực lân cận.
Dù không tránh khỏi những khó khăn do điều kiện đường xá bị chia cắt do chịu ảnh hưởng của lũ và mưa ở khu vực Trung Bắc Bộ, song MM Mega Market vẫn duy trì tăng cường số lượng gấp 3 lần để kịp thời cung ứng cho phía Bắc. Đặc biệt, trên những chuyến xe ngược lên các địa phương miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai… bên cạnh rau củ quả phục vụ các điểm bán, còn có mỳ tôm, bánh ngọt, đồ ăn sẵn… mà cán bộ công nhân viên chuỗi siêu thị này gửi lên những vùng đang bị cô lập để phần nào chia sẻ khó khăn với đồng bào vẫn đang gồng mình với bão, lũ.
Ngoài 2 kênh bán lẻ trên, các siêu thị khác như Saigon Coop, Go, Big C cũng nỗ lực cung ứng ra thị trường nhanh nhất, đầy đủ nhất hàng hoá thiết yếu, không những với cam kết giá không đổi mà còn đi kèm nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá. Sự nỗ lực của các kênh bán lẻ này đã giúp người tiêu dùng có thêm một kênh mua sắm hàng hoá được bảo lãnh cả về chất lượng và giá cả, động viên người tiêu dùng kịp thời trong cơn bão giá.
Xe thư chở nặng nghĩa tình
Cũng trong cơn bão lớn, một thông tin được chú ý là tất cả hàng hoá cứu trợ các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 sẽ được vận chuyển hoàn toàn miễn phí qua hệ thống của Bưu điện Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 11/9, Bưu điện Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức chương trình hỗ trợ vận chuyển miễn phí hàng hoá cứu trợ đến các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3, bao gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang.
Bưu điện Việt Nam vận chuyển hàng hoá cứu trợ miễn phí (Ảnh: Bưu điện Việt Nam) |
Theo cập nhật mới nhất của Bưu điện Việt Nam, tính đến ngày 13/9, Bưu điện Việt Nam đã vận chuyển miễn phí hơn 8.800 bưu kiện hàng cứu trợ với khối lượng tương đương hơn 95,1 tấn. Hàng hoá được vận chuyển từ khắp cả nước đến các địa phương ảnh hưởng bởi bão, lũ, trong đó những địa phương gửi nhiều hàng cứu trợ nhất là Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Bình Phước, Bình Dương…
Với hệ thống xe bưu chính chuyên dụng, việc “ông lớn” trong ngành logistics tham gia vào việc vận chuyển hàng hoá cứu trợ không chỉ giúp hàng hoá nhanh chóng đến với các địa phương vùng bão lũ mà còn góp phần đảm bảo hàng hoá đến nơi an toàn và tuyệt đối tin cậy.
Còn nhớ vào năm 2019, trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, Bưu điện Việt Nam cũng chính là 1 trong 2 doanh nghiệp bưu chính tham gia tích cực vào việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu đến các điểm cách ly do dịch. Hệ thống bưu cục trải dài 63 tỉnh thành cũng trở thành điểm bán hàng hoá thiết yếu, phục vụ kịp thời cho người dân trong “bão dịch”. Hiện nay, khi bão số 3 hoành hành, những chuyến xe mang logo vàng của Bưu điện Việt Nam tiếp tục chạy vào “tâm bão”, kịp thời gửi gắm hàng hoá thiết yếu, gửi gắm cả tình yêu thương, tình đồng bào đến với những người dân còn oằn mình trong lũ.
Cơn bão số 3 ập đến, để lại những dư chấn, mất mát, đau thương về người, tài sản cho đất nước ta nhưng đọng lại trong đó cũng là những câu chuyện cảm động về sự đoàn kết, lòng nhân ái, tương trợ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Trong cơn bão dữ, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tình yêu thương đồng bào lại càng sáng lên. Người Việt Nam, dù ở ngành nghề nào, công việc nào cũng đều đang hướng về miền Bắc với sự yêu thương và sẻ chia nhiều nhất. Bão lũ rồi sẽ đi qua, đau thương mất mát sẽ dần vơi, nhưng tấm lòng, sự sẻ chia, tình đoàn kết sẽ là những hình ảnh còn lưu giữ mãi. Trong đó, chắc chắn sẽ có hình ảnh những chuyến xe rau, những chuyến xe thư mang nặng nghĩa tình…
Nguồn: https://congthuong.vn/nhung-chuyen-xe-cho-nang-nghia-tinh-346051.html