- Những chuyến đò “3 không”
Những ngày tháng 3, thời tiết ở Quy Nhơn thất thường, lúc nắng, lúc mưa, thế nhưng những người lái đò ở bến Hàm Tử – Hải Minh vẫn miệt mài chờ khách. Chỉ một bến nhỏ nằm trong lòng cảng cá Quy Nhơn lại có đến hơn chục chiếc ghe, thuyền xếp hàng neo đậu chờ đến lượt “lên tài”, chở khách vượt biển vào làng.
Bán đảo Hải Minh một bên tựa núi, một bên nhìn ra biển, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn |
Trên chiếc thuyền mang số hiệu BĐ-0486H, ông Đỗ Ngọc Vũ (khu vực 9, phường Hải Cảng) một thành viên trong tổ thuyền ấy, bước ra với nước da đen sạm vì rám nắng sau những ngày lênh đênh trên biển. Ở cái tuổi đã qua nửa đời người, ông Vũ, không còn sức bon chen với những xô bồ cuộc sống. Mỗi ngày ông chỉ ngồi nơi bến thuyền chờ khách, kiếm thêm tiền lo cho gia đình. Theo người đàn ông này, ở mảnh đất Hải Minh, ông chẳng có thể làm gì ngoài nghề đi biển. “Sau lưng Hải Minh là núi, trước mặt là biển, quỹ đất không có, kinh tế eo hẹp nên giờ ngoài làm bạn với biển thì tôi cũng chẳng thể làm gì khác nữa”, ông chỉ tay về phía trước.
Mở bình ghi đông mang theo, ông Vũ nhấp ngụm trà đắng. Hít một hơi dài, ông kể, thời còn trai trẻ, ông theo những thanh niên trong làng lênh đênh trên biển làm nghề đánh bắt cá gần bờ để sinh sống. Trải qua thời gian, nguồn hải sản gần bờ dần cạn kiệt. Từ số tiền tiết kiệm bao năm đánh cá, ông đã hỏi mua lại một chiếc thuyền cũ của người dân rồi chuyển đổi từ nghề đánh bắt hải sản thành nghề lái thuyền vượt biển. Mỗi ngày, ông đợi chờ ở bến này để đưa đón trẻ em đi học, đưa người dân qua lại trung tâm thành phố thông thương để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ngót nghét, ông đã bám theo nghề lái đò vượt biển này 15 năm rồi.
“Ở đây đa số là người trong làng, ngoài ra thì chỉ có một ít khách họ đến thăm viếng tượng đài Trần Hưng Đạo chứ du lịch thì chưa có gì phát triển. Anh em chúng tôi ở đây xếp hàng, cứ có khách thì thay phiên nhau hoạt động. Hôm nào đông thì chở 5-6 lượt, ngày vắng khách chỉ được 1-2 lượt. Người lớn thì 3 ngàn, học sinh 1 ngàn, ai bao thuyền thì 50 ngàn đồng. Nếu may mắn thì có người thuê vận chuyển hàng hóa thì đỡ hơn, không thì cứ vậy”, ông Vũ chia sẻ.
Dù khó khăn là vậy như ông Vũ vẫn phải cố gắng, chỉ mong kiếm thêm thu nhập đỡ đần cho gia đình. Tuy nhiên, khó khăn không dừng lại ở đấy, việc đăng ký, đăng kiểm đối với ông Vũ và những bạn thuyền là cả quá trình gian nan. “Con thuyền này tôi mua qua tay, giờ cũng không đủ các điều kiện để đăng ký, đăng kiểm. Hơn nữa, con thuyền này tôi mua 15 triệu thì tiền đăng ký, đăng kiểm đã hết chừng đấy tiền. Ngày chở khách có kiếm được bao nhiêu tiền đâu. Nếu chính quyền bắt nghỉ thì phải chấp nhận chứ làm sao giờ”, ông Vũ thở dài.
Mảnh đất Hải Minh có 458 hộ dân, 1.860 nhân khẩu thì có tới 48 người hành nghề lái đò vượt biển. Ông Trần Văn Tiên, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Khu vực 9, phường Hải cảng cho biết, địa hình khu vực Hải Minh bị ngăn cách bởi biển, lại trải dọc trên mảnh đất nhỏ sát chân núi. Ngoài số ít người đi làm công nhân bên ngoài thì phần lớn người dân theo nghề khai thác nhỏ lẻ dọc biển, đánh bắt gần bờ, nuôi trồng thủy sản và lái đò chở khách. Hiện, các tàu chở khách hoạt động theo 6 tổ do các cá nhân tự làm.
Ở Hải Minh hiện nay chỉ có 1 trường tiểu học, 2 điểm trường mẫu giáo, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đều phải qua trung tâm thành phố để đi học. “Mùa sóng gió các thuyền đi lại rất khó khăn, khâu an toàn không được đảm bảo. Tuy nhiên, nếu không đi bằng những phương tiện này thì người dân không còn con đường nào khác để ra ngoài, học sinh không thể nào đến trường. Địa phương đề nghị thành lập một chuyến đò luân chuyển nhưng nhiều năm trôi qua vẫn chưa thực hiện được. Chúng tôi rất lo về an toàn nhưng ngoài công tác tuyên truyền thì không có biện pháp, biện tài nào hết”, ông Tiên cho hay.
Theo lãnh đạo UBND phường Hải Cảng, tuyến đò Hàm Tử – Hải Minh là do người dân tự phát lập nên, tồn tại vì nhu cầu thực tế của người dân sinh sống và đi lại hằng ngày. Tuyến đò này hiện tại được gọi là bến có “3 không” bởi: bến đò không được cấp phép xây dựng; ghe, thuyền không có đăng ký, đăng kiểm; người lái đò không có bằng, chứng chỉ chuyên môn.
Ông Đinh Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Cảng chia sẻ, địa phương đã nhìn thấy những bất cập này từ lâu, kiến nghị nhiều cơ quan cùng tìm giải pháp tháo gỡ nhưng còn nhiều vướng mắc. Thứ nhất là bến, nếu muốn thành lập bến phải có đất, bên Hải Minh thì có nhưng bên phía trung tâm thì không, vì khu vực này đã giao cho cảng cá Quy Nhơn. Thứ hai là các phương tiện thuyền chở khách ở khu vực này đều cải hoán từ tàu cá, người dân mua bán bằng giấy viết tay, không có hồ sơ thiết kế nên không thể đăng ký, đăng kiểm.
Vừa qua, các ngành tìm biện pháp, Cục Đăng kiểm tạo điều kiện tạo mẫu thiết kế chung cho người dân đăng ký nhưng chi phí khá cao so với người dân. Vì người dân thu nhập từ lái đò không cao, mỗi người thu chỉ từ 1-3 ngàn đồng. Về người điều khiển thì UBND tỉnh phối hợp hỗ trợ 70% kinh phí để người dân đi học chứng chỉ nhưng do trình độ dân trí thấp, đến nay chỉ có một số lái đò có chứng chỉ. Khu vực này cũng không thể xây dựng cầu bởi đây là khu vực cửa biển.
“Bây giờ nếu không cho những tàu này hoạt động thì người dân không có bất kỳ phương tiện nào để di chuyển ra ngoài. Trước mắt, địa phương thường xuyên phối hợp cùng các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng CSGT đường thủy tổ chức tuần tra, kiểm soát, thường xuyên nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Về lâu về dài, mong các ngành chức năng nhanh chóng có biện pháp tháo dỡ những khó khăn tại khu vực này”, ông Tuấn bày tỏ.
Đồng hành cùng người dân
Ngày cuối tuần, bỏ qua cả thời gian nghỉ ngơi, các cán bộ, chiến sĩ phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định tất bật cùng đơn vị đồng hành – Công ty cổ phần Tân Cảng Miền Trung và UBND phường Hải Cảng mang cờ Tổ quốc, phao, quà vượt biển đến với bà con bán đảo Hải Minh. Chiếc ca nô vừa xuất bến, ở phía bên kia bờ, người dân Hải Minh đã tập trung chờ đợi.
Đưa khách vượt biển sang trung tâm thành phố |
Tại nhà sinh hoạt cộng đồng, gần một trăm phụ nữ, trẻ em và những người lái đò đã tập trung để nghe lực lượng CSGT tuyên truyền pháp luật về giao thông đường thủy. Trung tá Nguyễn Thành Sơn, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy. Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định đã chia sẻ những khó khăn, bất cập với người dân Hải Minh và chính quyền phường Hải Cảng; đồng thời, nhắc nhở người dân dù làm gì cũng phải trong khuôn khổ của luật pháp, phải tuân thủ chấp hành đúng nội quy, quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Trung tá Nguyễn Thành Sơn cũng đã tuyên truyền cho người dân những lợi ích của việc chấp hành đúng những quy định, trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, những quy định pháp luật khi rủi ro xảy ra. Và nhấn mạnh quan điểm kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi dẫn đến hậu quả khi xảy ra tai nạn giao thông.
Sau khi nghe cán bộ phòng CSGT tuyên truyền và ký cam kết, ông Diệp Văn Tạo (58 tuổi, trú khu vực 9, phường Hải Cảng), người hoạt động lái đò tuyến Hàm Tử – Hải Minh đã nắm rõ các quy định của pháp luật, đồng thời hứa nghiêm túc chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. “Tôi hứa sẽ đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, trang bị áo phao đầy đủ cho khách mặc và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật”, ông Tạo chia sẻ.
Đồng hành với người dân bảo vệ biển đảo quê hương, động viên ngư dân giữ vững quyết tâm vươn khơi bám biển góp phần phát triển kinh tế biển, đồng thời giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Phòng CSGT cùng đơn vị đồng hành đã dành tặng 50 lá cờ Tổ quốc cho đại diện các gia đình ngư dân sinh sống tại địa phương. Đồng thời, tặng 50 chiếc áo phao cho 50 em học sinh trên địa bàn nhằm giúp cho các em học sinh an toàn hơn mỗi ngày đến trường; Dành tặng 10 suất quà, mỗi suất trị giá 1,2 triệu đồng cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Thượng tá Nguyễn Hồng Vang, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định cho biết, trên đường thủy nhiều năm qua và năm 2022, không có tai nạn giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT đường thủy như hệ thống phao tiêu, bến bãi, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn. Cơ quan công an và chính quyền địa phương đều nhận thấy những khó khăn, bất cập trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa tuyến Hàm Tử – Hải Minh đã tồn tại từ rất lâu.
Nhằm đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ nội địa tuyến Hàm Tử – Hải Minh, không để những tai nạn đường thuỷ đáng tiếc xảy ra, lực lượng CSGT thường xuyên phối hợp, trao đổi với các lực lượng chức năng như Thanh tra sở GTVT, lực lượng biên phòng và đặc biệt là UBND phường Hải Cảng bàn biện pháp. Trước tiên, đề xuất, kiến nghị UBND TP. Quy Nhơn, Sở GTVT, Chi cục đăng kiểm 4 và UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng có giải pháp hỗ trợ các chủ phương tiện để đóng mới các phương tiện đủ điều kiện hoạt động đảm bảo an toàn không để xảy ra tai nạn giao thông trên đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức cho các chủ phương tiện đò chở khách ký cam kết chấp hành luật giao thông đường thủy nội địa. Các chủ đò cam kết chấp hành nghiêm những quy định của luật giao thông đường thủy nội địa.
“Chúng tôi đã đưa ra nhiều cảnh báo, tìm phương án xử lý, kiến nghị với các ngành, các cấp nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết. Trong thời gian chờ các biện pháp, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, lực lượng CSGT sẽ thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hỗ trợ cho người dân qua lại trên tuyến Hàm Tử – Hải Minh được an toàn. Bên cạnh nhắc nhở các phương tiện về các lỗi hành vi về đăng ký, đăng kiểm thì kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi dễ dẫn đến hậu quả khi xảy ra tai nạn giao thông như không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, không để hành khách mặc áo phao”, Thượng tá Nguyễn Hồng Vang cho hay.
Trong năm 2022, phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định đã bố trí 763 ca, 2.881 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Qua đó, phát hiện, lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 57 trường hợp, phạt tiền trên 100 triệu đồng; lập biên bản, đình chỉ hoạt động 4 bến đò hoạt động không phép, 15 trường hợp ca nô chở khách hoạt động sai vùng, 50 phương tiện mô tô nước không đảm bảo hoạt động theo quy định.
“Hiện tại, tuyến Hàm Tử – Hải Minh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân hằng ngày nhưng tất cả các phương tiện đang hoạt động không đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để đăng ký, đăng kiểm. Trong khi nguồn thu từ hoạt động vận tải thấp, không đủ chi phí, người dân không đủ khả năng mua mới phương tiện đủ điều kiện hoạt động theo quy định; đề xuất phương án mua phương tiện mới và tổ chức mô hình quản lý, hoạt động phù hợp để hoạt động dân sinh”, văn bản nêu rõ.