Hướng dẫn phân loại tài sản cố định của cơ quan Nhà nước
Đây là nội dung tại Thông tư 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, phân loại tài sản cố định của cơ quan Nhà nước như sau:
Phân loại theo tính chất, đặc điểm tài sản gồm: Tài sản cố định hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất, có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định; Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động; Tài sản cố định đặc thù là những tài sản không xác định được chi phí hình thành hoặc không đánh giá được giá trị thực nhưng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ về hiện vật (như: cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử được xếp hạng, tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm…), tài sản cố định là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Phân loại theo nguồn gốc hình thành tài sản: Tài sản cố định hình thành do mua sắm; Tài sản cố định hình thành do đầu tư xây dựng; Tài sản cố định được giao, nhận điều chuyển; Tài sản cố định được tặng cho, khuyến mại (bao gồm cả trường hợp nhà cung cấp đổi tài sản cũ bằng tài sản mới sau một thời gian sử dụng theo chính sách của nhà sản xuất/nhà cung cấp); Tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa (chưa được theo dõi trên sổ kế toán); Tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP; Tài sản cố định được hình thành từ nguồn khác.
Thông tư 23/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/6/2023 và thay thế Thông tư 45/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018.
Sửa đổi hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực
Ngày 21/4/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 10/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư 21/2020/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực, có hiệu lực từ ngày 9/6/2023.
Theo đó, hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực bao gồm:
Trường hợp thay đổi tên hoặc địa chỉ trụ sở của đơn vị theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 21/2020/TT-BCT, hồ sơ bao gồm các nội dung sau: Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 21/2020/TT-BCT; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận thành lập (đối với các tổ chức không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
Trường hợp tổ chức đề nghị cấp giấy phép nhận chuyển giao tài sản hoặc giảm bớt một phần phạm vi hoạt động từ đơn vị đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hồ sơ đề nghị sửa đổi giấy phép hoạt động điện lực bao gồm: Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 21/2020/TT-BCT; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận thành lập (đối với các tổ chức không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của tổ chức đề nghị cấp giấy phép; Tài liệu chứng minh việc chuyển giao tài sản; tài liệu chứng minh việc chuyển giao nhân sự hoặc tài liệu về đội ngũ trực tiếp quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, chuyên gia tư vấn theo các quy định tương ứng tại khoản 3 Điều 6, khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 9 Thông tư 21/2020/TT-BCT trong trường hợp có sự thay đổi nhân sự.
Hướng dẫn quy trình công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945
Đây là nội dung tại Thông tư 14/2023/TT-BCA hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.
Quy trình công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 như sau:
Cá nhân viết bản khai theo Mẫu số 01 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại Điều 5 Nghị định 131/2021/NĐ-CP .
Sau khi nhận đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định 131/2021/NĐ-CP do Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Ban Thường Vụ Đảng ủy Công an Trung ương giao Cục Tổ chức cán bộ chủ trì thẩm định, báo cáo.
Cục Tổ chức cán bộ trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm phối hợp với Công an đơn vị, địa phương liên quan xác minh, hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương xem xét, ban hành quyết định công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 theo Mẫu số 49 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP; chuyển hồ sơ kèm theo quyết định công nhận đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người hưởng trợ cấp thường trú để thực hiện chế độ ưu đãi.
Thông tư 14/2023/TT-BCA có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/6/2023 và thay thế Thông tư 61/2013/TT-BCA .
Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng
Đây là nội dung tại Thông tư 05/2022/TT-BXD về QCVN 03:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng.
Theo đó, ban hành QCVN 03:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng.
Quy chuẩn này quy định về việc phân cấp công trình theo các tiêu chí sau: Hậu quả do kết cấu công trình bị hư hỏng hoặc phá hủy (sau đây gọi là cấp hậu quả); Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình; Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình (hoặc các phần của công trình, sau đây gọi chung là công trình), bao gồm: bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng.
Quy chuẩn này áp dụng để xác định các giải pháp kinh tế – kỹ thuật khi thiết kế các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật và các công trình dạng nhà khác.
Quy chuẩn này áp dụng khi thiết kế xây dựng mới các công trình quy định tại 1.1.2 của quy chuẩn này, và khuyến khích áp dụng khi thiết kế cải tạo các công trình hiện hữu.
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng tại Việt Nam.
Thông tư 05/2022/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2023 và thay thế Thông tư 12/2012/TT-BXD ngày 28/12/2012.
Thay đổi cách tính giá điện cho người thuê nhà
Người thuê nhà là sinh viên, người lao động thuê nhà sẽ được áp dụng cách tính tiền điện mới theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 09/2023/TT-BCT. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/6/2023.
Với hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên, đăng ký tạm trú, thường trú: Chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện/đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện trong đó có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà;
Với hợp đồng thuê nhà dưới 12 tháng, chủ nhà không kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện: Áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 từ 101 – 200 kWh cho toàn bộ các số điện tại công tơ.
Hợp đồng thuê nhà dưới 12 tháng, chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện, cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện. Theo đó, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức như sau:
Một người được tính là 1/4 định mức; 2 người được tính là 1/2 định mức; 3 người được tính là 3/4 định mức; 4 người được tính là 1 định mức.
Khi thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê thông báo để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Ban hành 9 danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BKHĐT ngày 14/4/2023 về Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 9/6/2023.
Theo đó, Thông tư liệt kê 9 danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được.
Về nguyên tắc xác định, đối chiếu thông tin, Thông tư nêu rõ, việc xác định hàng hóa trong nước đã sản xuất được phải căn cứ vào “Tên mặt hàng” và “Ký hiệu quy cách, đặc tính kỹ thuật.” Đối với “Mã số theo biểu thuế nhập khẩu” chỉ để tra cứu, việc xác định mã số đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Các danh mục hàng hóa quy định nêu trên là căn cứ xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được và không bao gồm hết các hàng hóa khác trong nước đã sản xuất được nhưng chưa được quy định tại thông tư này.
Sửa nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu
Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023 sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BXD hướng dẫn thực hiện nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Cụ thể, Thông tư 03/2023/TT-BXD sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 về nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/6/2023.
5 trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp
Những trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp được nêu tại khoản 23 Điều 1 Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 20/6/2023. Đó là, những người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam được cấp gắn với doanh nghiệp mà người đó tham gia bán hàng đa cấp trừ trường hợp được miễn (Quy định cũ chỉ quy định là người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam trừ trường hợp được miễn).
Các đối tượng còn lại vẫn giữ nguyên như quy định cũ tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Thứ nhất, người đang chấp hành hình phạt tù/có tiền án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ tài sản trái phép…
Thứ hai, người bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt mà chưa hết hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính tại khoản 2, 3, 4 Điều 5.
Thứ ba, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và nghị định này.
Thứ tư, cán bộ, công chức.
Sửa nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu
Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023 sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BXD hướng dẫn thực hiện nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Cụ thể, Thông tư 03/2023/TT-BXD sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 về nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/6/2023.
Chính sách mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Từ ngày 15/6, Thông tư 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc quản lý và mẫu chứng chỉ chương trình bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước; tiêu chuẩn giảng viên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chính thức có hiệu lực.
Những nội dung hướng dẫn quản lý, mẫu chứng chỉ chương trình bồi dưỡng và đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được nêu tại Thông tư này áp dụng đối với các khóa bồi dưỡng (bao gồm giảng dạy trực tiếp trên lớp hoặc từ xa).
Chương trình bồi dưỡng được cấp cho học viên tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng. Có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án phải đạt từ 50% số điểm trở lên theo thang điểm quy định của chương trình.
Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quy chế, nội quy học tập của Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp 1 lần cho học viên hoàn thành khóa học, trong ngày bế giảng khóa học.
Chính sách mới về cung cấp bản điện tử cho kết quả thủ tục hành chính
Quyết định số 13/QĐ-BCĐCCHC của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo), tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2023. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính.
Từ 1/6, thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa cấp xã (trừ các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo); 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quyết định cũng nêu rõ việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành, địa phương. Định kỳ hàng tháng công khai danh sách, tổ chức, cá nhân chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trên Cổng Thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương.
Chính sách mới về thay đổi hồ sơ khám sức khỏe
Cũng có hiệu lực từ ngày 20/6, nội dung khám sức khoẻ trong đó có hồ sơ khám sức khỏe của người khám sức khỏe định kỳ sẽ được sửa đổi, bổ sung theo quy định mới theo Thông tư số 09/2023/TT-BYT.
Cụ thể, mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ tại Thông tư 14/2013/TT-BYT cũ đã được thay thế bằng mẫu sổ khám sức khoẻ định kỳ mới tại phụ lục 3a ban hành kèm theo Thông tư số 09/2023/TT-BYT.
Bên cạnh đó, nội dung khám sức khoẻ định kỳ gồm: Nội khoa (tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận – tiết niệu, nội tiết, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần); mắt; tai mũi họng; răng hàm mặt; da liễu; phụ sản…
Thông tư 09 bổ sung thêm nội dung: Lao động nữ sẽ được khám chuyên khoa phụ sản khi khám sức khỏe định kỳ: Khám phụ khoa; sàng lọc ung thư cổ tử cung; sàng lọc ung thư vú; siêu âm tử cung, phần phụ.
Hướng dẫn quy trình công nhận bệnh binh
Quy trình công nhận bệnh binh được hướng dẫn tại Thông tư 14/2023/TT-BCA hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.
Cụ thể, cá nhân làm đơn đề nghị và kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều 48 Nghị định 131/2021/NĐ-CP gửi đến Công an đơn vị, địa phương nơi cán bộ, chiến sĩ công tác trước khi xuất ngũ, thôi việc.
Công an đơn vị, địa phương trong thời gian 12 ngày, kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, có trách nhiệm kiểm tra, xác lập, hoàn thiện các giấy tờ theo quy định tại Điều 48 Nghị định 131/2021/NĐ-CP; đối với trường hợp đủ điều kiện thì cấp giấy chứng nhận bị bệnh theo Mẫu số 36 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP và cấp giấy giới thiệu theo Mẫu số 38 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP kèm theo bản sao hồ sơ gửi đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật.
Trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày tiếp nhận biên bản giám định y khoa; Công an đơn vị, địa phương có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị công nhận bệnh binh gửi đến Cục Tổ chức cán bộ. Văn bản đề nghị của Công an đơn vị, địa phương nêu chi tiết về trường hợp bị bệnh, kèm theo 02 ảnh chân dung (nền xanh, kích cỡ 2x3cm) của người bị bệnh.
Cục Tổ chức cán bộ trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm thẩm định, ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 63 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP; cấp giấy chứng nhận bệnh binh theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP và chuyển hồ sơ kèm theo quyết định, giấy chứng nhận về Công an đơn vị, địa phương nơi lập hồ sơ đề nghị để di chuyển hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi bệnh binh thường trú.
Nghị định 131/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/6/2023.
Danh mục phế liệu được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
Đây là nội dung tại Quyết định 13/2023/QĐ-TTg về Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Theo đó, Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất gồm 5 nhóm phế liệu sau đây:
Nhóm 1: Phế liệu sắt, thép, gang.
Nhóm 2: Phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic).
Nhóm 3: Phế liệu giấy.
Nhóm 4: Phế liệu thủy tinh.
Nhóm 5: Phế liệu kim loại màu.
Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa.
Kể từ ngày 1/6/2023, việc nhập khẩu xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép (có mã HS 2618 00 00) làm nguyên liệu sản xuất xi măng được thực hiện theo quy định của pháp luật sản phẩm, hàng hóa về vật liệu xây dựng.
Quyết định 13/2023/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 1/6/2023.
Tuệ Minh