Vì sao ‘tour 0 đồng’ dậy sóng vùng biên?
Theo Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng khách Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam đi du lịch tăng đột biến. Trong số này, chủ yếu là người cao tuổi, họ được đưa đến các cửa hàng đã định sẵn và không được rẽ ngang hành trình.
Ông Nguyễn Văn Tạo, một người chuyên kinh doanh trong lĩnh vực đón khách Trung Quốc, cho biết “tour 0 đồng” tại Quảng Ninh trỗi dậy do hệ sinh thái của thị trường này đã trở lại, đó chính là các cửa hàng mua sắm quanh Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã mở cửa trở lại sau một thời gian im tiếng.
Cũng theo ông Tạo, các ông chủ các cửa hàng đã có sự thỏa thuận “ngầm” với công ty lữ hành về việc đón khách nên tạo ra đợt sóng “tour 0 đồng” tại TP.Móng Cái thời gian qua. Chính nguồn thu của các cửa hàng là nơi để bù đắp chi phí tour du lịch tai tiếng này.
Ghi nhận của PV trong nhiều ngày qua tại khu vực cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho thấy, từ 8 giờ sáng, du khách thay vì được đưa đến các trung tâm văn hóa, di tích thắng cảnh thì được đưa vào các cửa hàng mua sắm được chỉ định sẵn.
Trong khi các trung tâm mua sắm hoành tránh, chợ thương mại vắng bóng người thì các cửa hàng chuyên phục vụ “tour 0 đồng” lại đón hàng nghìn người mỗi ngày.
Theo tìm hiểu của PV, dòng khách này vào Quảng Ninh không phải theo tour “thuần du lịch” nên hồi đầu tháng 3, gần 100 người Trung Quốc bị một công ty du lịch bỏ rơi và phải tự về nước.
Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã lập biên bản và hoàn tất hồ sơ để xử lý vụ việc.
Tấm thẻ “quyền lực” và thiết bị thuyết minh lạ
Trong những ngày tìm hiểu về dòng khách “tour 0 đồng” tại TP.Móng Cái, chúng tôi dễ dàng thấy các vị khách cao tuổi ai cũng đeo trên mình một tấm thẻ có dòng chữ bằng tiếng Trung Quốc, được dịch ra là “Thông quan nghỉ ngơi”. Ngoài ra, trên thẻ còn đánh số thứ tự để các công ty kiểm soát khách.
Trao đổi với PV, anh Dương Quốc Dũng – một hướng dẫn viên dẫn khách Trung Quốc cho biết, du khách bắt buộc phải đeo tấm thẻ này mới được vào bên trong các cửa các hàng để mua sắm.
“Các hướng dẫn viên sẽ nói với khách Trung Quốc rằng khi đeo tấm thẻ này thì trong phạm vi cửa khẩu, mình đang hưởng đặc quyền của người trong quá trình xuất nhập cảnh. Vì thế, du khách ai cũng vui vẻ đeo chiếc thẻ này để vào cửa hàng mua sắm”, anh Dũng nói.
Theo quan sát của PV, các hướng dẫn viên ai cũng cầm trên tay một bọc lớn thẻ có dây đeo để phát cho du khách trước khi sang Việt Nam.
Ngoài tấm thẻ nói trên, khách Trung Quốc còn đeo trên cổ một thiết bị thuyết minh. Các công ty lữ hành đã soạn sẵn nội dung để khi khách đi đến đâu, họ sẽ phát lời thuyết minh và âm thanh được truyền riêng đến tai du khách. Với cách làm này, lời thuyết minh của hướng dẫn viên sẽ không gây ồn và các cơ quan chức năng sẽ khó khăn trong việc kiểm soát nội dung.
Công khai bày bán sản phẩm có thông tin bịa đặt
Để lôi kéo được khách du lịch Trung Quốc theo “tour 0 đồng” vào mua sắm, các cửa hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm có thông tin bịa đặt.
Điển hình như cửa hàng mua sắm Hùng Cường tại P.Hải Hòa (TP.Móng Cái). Cơ sở này chuyên bán các mặt hàng liên quan đến dầu cá, sụn vi cá mập…
Phía ngoài sảnh, cửa hàng treo bảng thông tin về tuổi thọ người già sinh sống tại các tỉnh, thành ở Việt Nam. Theo bảng thông tin, do sử dụng dầu cá của cửa hàng nên những người này đều có tuổi thọ trên 100 tuổi; thậm chí có cụ ở tỉnh Điện Biên thọ tới…116 tuổi. Tuy nhiên, qua kiểm tra của đoàn liên ngành TP.Móng Cái, đây là thông tin không đúng sự thật.
Thực tế, mỗi khi các cơ quan chức năng của TP.Móng Cái tiến hành kiểm tra đều phát hiện những cửa hàng này bán các mặt hàng giả nhiều nhãn hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng như: Gucci, Louis Vuitton, Dior, Chanel… hay bày bán hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Gần đây nhất, chiều qua 28.3, chỉ trong vòng 1 giờ, đoàn liên ngành của TP.Móng Cái đã yêu cầu dừng hoạt động 2 cửa hàng chuyên phục vụ “tour 0 đồng” do vi phạm các điều kiện về kinh doanh.
Lý giải về “tour 0 đồng”, tiến sĩ Trần Nhuận Vinh, một người làm du lịch lâu năm tại Quảng Ninh, cho hay “tour 0 đồng” được hiểu là “Phí tham quan bằng không”, là loại dịch vụ du lịch do công ty du lịch cung cấp, trong đó công ty du lịch chỉ thu phí rất thấp hoặc miễn phí cho khách du lịch, thường bao gồm phí vận chuyển khứ hồi và phí vé tham quan. Các công ty du lịch có thể bù đắp cho việc thiếu hụt kinh phí bằng cách kiếm lợi nhuận từ việc mua sắm của khách du lịch và các hoạt động tự thanh toán khác tại điểm đến du lịch.
Tiến sĩ Trần Nhuận Vinh cho biết thêm, với mô hình này, hướng dẫn viên du lịch thường sử dụng nhiều phương thức khác nhau để khuyến khích khách du lịch mua sắm các mặt hàng đắt tiền, đặc biệt là đồ trang sức vàng bạc, đá quý, hàng xa xỉ, thực phẩm chăm sóc sức khoẻ, thiết bị công nghệ và các mặt hàng khác…
Hành vi này không chỉ bị coi là một hình thức “lừa đảo” mà còn tác động tiêu cực đến trải nghiệm của khách du lịch trong chuyến đi. Để điều tiết thị trường du lịch, nhiều quốc gia và khu vực đã bắt đầu chấn chỉnh hiện tượng “không phí tham quan du lịch” và yêu cầu các công ty du lịch cung cấp thông tin về giá tour minh bạch hơn với dịch vụ tốt hơn.