Thầy cô giáo đừng kiệm lời khen học sinh
Để học trò kính trọng, yêu thương, quý mến thì giáo viên phải có trách nhiệm, tâm huyết, yêu nghề, thương trò. Điều này thể hiện trước hết qua từng trang giáo án được chuẩn bị công phu, chỉn chu, tâm huyết.
Cần nhớ, trong thời đại công nghiệp 4.0, của trí tuệ nhân tạo thì thầy cô không còn là “duy nhất” trên hành trình phát triển của học sinh. Do đó, để dạy tốt, thầy cô phải dành nhiều công sức soạn bài vừa bám truyền thống vừa ứng dụng công nghệ để mãi là “giáo viên hạng một”, không bị robot hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được. Nhận thấy tâm huyết, tình yêu nghề của thầy cô, học trò sẽ tin yêu, thích học, siêng hợp tác nên sự kết nối với thầy cô, bạn bè càng bền chặt.
Khi đánh giá học sinh, giáo viên phải cân nhắc từng câu hỏi, từng bài kiểm tra sao cho công bằng, trung thực, thấy được sự cố gắng của từng em, phù hợp với năng lực mỗi học sinh. Dù dạy nhiều lớp, nhiều học sinh, thầy cô chớ “bỏ quên” em nào. Học sinh luôn nhớ, có khi nhớ mãi mỗi con điểm, lời phê của thầy cô. Vì vậy, thầy cô đừng kiệm lời khen học sinh; ngược lại, phải thận trọng từng câu từ khi chê.
Đây chính là những “chất liệu” đầu tiên tạo nên ứng xử văn minh trong học đường.
Hiệu trưởng đừng chạy theo thành tích
Hiệu trưởng hãy là người truyền cảm hứng, hỗ trợ để thầy cô có ứng xử chuẩn mực với học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp.
Hiệu trưởng chính là “tổng công trình sư” để rèn ứng xử văn minh trong học đường. Để làm được điều này, hiệu trưởng phải chịu đọc, chịu học, sâu sát trường lớp, coi trường là nhà, coi đồng nghiệp là bằng hữu, coi học trò là con, là em. Hiệu trưởng đừng coi giáo viên, phụ huynh, học sinh là “hàng hóa” để chạy theo các khoản gọi là “hoa hồng”.
Với thi đua, hiệu trưởng đừng chạy theo thành tích mà khiến quan hệ giữa giáo viên-học sinh, phụ huynh-giáo viên trở nên tệ đi như thời gian qua. Hiệu trưởng hãy dựa trên cơ sở “học thật, thi thật, kết quả thật”. Học thật, thi thật tuy thách thức nhưng khi hình thành thói quen sẽ mang lại cho trường sự an vui. Đây là nền tảng ứng xử văn minh trong học đường.
Cần những điều chỉnh từ các cấp quản lý giáo dục
Không phủ nhận cố gắng của ngành giáo dục trong nhiều năm qua nhưng nhìn lại chương trình giáo dục phổ thông thì thấy càng đổi mới có vẻ càng tăng “tải”; chưa đào tạo kịp giáo viên phù hợp với chương trình mới; trang thiết bị dạy học nơi có, nơi không…
Thầy trò vẫn xoay tít dạy thêm-học thêm. Giáo viên, học sinh căng thẳng, áp lực với việc học hành, thi cử, điểm số dẫn đến tâm lý bất ổn, tiềm ẩn nguy cơ “nổi loạn” bất cứ lúc nào.
Vì vậy, để giáo viên và học sinh hạnh phúc mỗi ngày đến trường, các cấp quản lý giáo dục cần có những điều chỉnh căn bản.
Chẳng hạn, thiết kế chương trình dạy học ở 2 ngưỡng tối thiểu và tối đa để dành quỹ thời gian cho học sinh rèn luyện kỹ năng sống, chơi thể thao, hoạt động thiện nguyện… Tăng cường giáo dục lễ phép, ứng xử chuẩn mực giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy cô, giữa học sinh với cộng đồng, gia đình.
Cần sắp xếp lại các trường phổ thông, tăng tỷ lệ trường ngoài công lập phát triển loại hình trường vừa học vừa làm thay cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên hiện nay. Phân luồng học sinh sau THCS, sau THPT góp phần quan trọng để học thật, thi thật. Tính toán lại các trường chuyên, không chạy theo số lượng… Điều này nhằm tái lập kỷ cương học đường, con đường căn bản để rèn ứng xử văn minh trong trường học.
Triệt tiêu lạm thu trường học; dạy thêm, học thêm tràn lan; thực hiện công khai minh bạch trong quản lý giáo dục; chăm lo đời sống thầy cô giáo… Khi những nội dung này cải tiến mới thỏa điều kiện cần và đủ của quá trình trui rèn ứng xử văn minh trong học đường.