Vịn tay tôi đi dọc hàng lang tối lạnh của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, bà Đỗ Hồng Phấn (sinh năm 1933), nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thủy lợi (nay là Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) xúc động hồi tưởng lại những ngày tháng sục sôi ý chí đấu tranh cách mạng của thanh niên Thủ đô.
Khi ấy, bà Phấn là nữ sinh Trường Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An (nay là Trường phổ thông trung học Chu Văn An) nhưng được Thành đoàn phân công làm Bí thư chi đoàn học sinh kháng chiến trường Trưng Vương (nay là Trường phổ thông trung học Trưng Vương) vì trường chỉ có cấp cơ sở, học sinh còn ít tuổi.
“Nhà nào ở Hà Nội cũng có ít nhất 1-2 thanh niên tham gia kháng chiến, không nam thì nữ, không cách này thì cách khác. Con gái Hà Nội thời đó chủ yếu là tiểu thư khuê các nhưng luôn sẵn sàng sát cánh cùng các bạn nam trên toàn mặt trận kháng chiến, bảo vệ từng tấc đất Thủ đô, sôi nổi, hào hùng nhưng cũng đầy gian khổ, hiểm nguy,” bà Phấn kể.
Nhớ về những ngày đầu tham gia phong trào cách mạng, từ cuối năm 1949, đầu năm 1950, bà bảo rằng đó là những ngày tháng sôi nổi nhất cuộc đời.
Mới tuổi 16-17, các thanh thiếu niên yêu nước đã tham gia khuấy động các phong trào học sinh, rải truyền đơn, bãi khóa, viết báo…
“Trong quá trình hoạt động, tôi được bồi dưỡng thêm kiến thức về Đảng, về phong trào của giai cấp vô sản… Đến đầu tháng 6/1950, tôi biết tin mình sẽ được kết nạp Đảng. Theo điều lệ thì chưa đủ tuổi, nhưng do hoàn cảnh đặc biệt ở địch hậu, mười sáu tuổi rưỡi vẫn được kết nạp,” bà Phấn nhớ lại.
Trong số những điều được cấp trên dặn dò, bà Phấn nhớ nhất câu nói: “Trong vùng địch hậu, rất có thể lúc nào đó bị địch bắt, tra tấn, nhưng đã là Đảng viên thì kiên quyết giữ vững khí tiết, phải sẵn sàng vượt qua mọi chông gai, thử thách.”
Lễ kết nạp được tổ chức trong kho hàng nhà chị Nguyễn Thị Dần, là cơ sở của phụ nữ kháng chiến ở chợ Đồng Xuân. Kho hàng chất đầy các tấm vải kiện, đủ kê một cái bàn nhỏ, vài cái ghế, trên tường có gắn một lá cờ búa liềm to bằng hai bàn tay và một tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khổ 4x6cm.
Lời dặn ấy đã theo sát bước đường hoạt động cách mạng của bà Phấn sau này.
Ngày đó, không chỉ những người bạn học đồng niên rủ nhau tham gia phong trào kháng chiến mà tinh thần cách mạng từ những người anh, người chị lớn cũng đã lan tỏa đến lớp đàn em.
Ông Nguyễn Đình Tân (sinh năm 1936) đã tham gia cách mạng theo gương người anh cả của mình là liệt sỹ Nguyễn Sỹ Vân.
“Đầu năm 1948, anh Vân vào Trường Chu Văn An học tiếp năm cuối cấp phổ thông cơ sở (lớp Đệ Tứ) để lấy bằng Thành chung còn tôi đang học Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, không hay biết rằng anh trai mình đã tham gia phong trào học sinh chống Pháp,” ông Tân kể.
Đêm 18/5/1948, để kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Sỹ Vân cùng hai người bạn của mình là Nguyễn Văn Khâm và Nguyễn Trọng Quang bơi ra Tháp Rùa treo cờ Tổ quốc. Đó là việc làm táo bạo vì họ sẽ phải tránh né con mắt theo dõi của địch từ bốt Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm) ở gần Bờ Hồ.
Sáng hôm sau, kẻ địch ở cả bốt Hàng Trống và Tòa Đốc lý (sau bị phá bỏ, hiện nay là vị trí của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) phát hiện lá cờ, chúng tức tốc ra giật xuống, nhưng nhân dân đã truyền tai nhau “Việt Minh treo cờ ở Tháp Rùa.”
“Hành động này đã gây tiếng vang lớn. Cờ đỏ sao vàng tung bay giữa Hồ Gươm, làm cho nhân dân nức lòng, phấn chấn, hướng về Chính phủ kháng chiến,” ông Tân kể.
Gia đình không ai biết việc làm đó của ông Vân cho đến ngày 25/5/1948, ôtô của Phòng Nhì (Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hải ngoại của Pháp) đến tận nhà bắt ông Vân đi.
Ban đầu, ông Vân và ông Khâm bị đưa về hầm đá Cửa Đông tra tấn, sau đó, họ bị đưa sang Nhà tù Hỏa Lò, lập án, rồi đày đi Khe Tù, Tiên Yên lao động khổ sai. Gia đình từ đó bặt vô âm tín.
Mãi sau này, ông Tân mới biết anh trai mình vượt ngục nhưng bị địch bắt lại, tra tấn đến chết ở trại giam Khe Tù, Tiên Yên năm 1948.
Tấm gương của người anh trai kiên trung khiến ông Tân tích cực tham gia các hoạt động của phong trào học sinh-sinh viên Thủ đô. Ông cùng các bạn của mình ở Trường Trung học phổ thông Chu Văn An tham gia biểu diễn văn nghệ, rải truyền đơn, tuyên truyền, bãi khóa để ủng hộ cách mạng, phản đối bắt học sinh đi lính.
Hoạt động đấu tranh trong lòng địch của học sinh, sinh viên kháng chiến như những đợt sóng ngầm… càng khó khăn thì chúng tôi càng nỗ lực, lớp trước bị đàn áp, bắt giam thì lớp sau lại bãi khóa, kêu gọi thả tự do cho học sinh.
Ông Nguyễn Đình Tân
“Hoạt động đấu tranh trong lòng địch của học sinh, sinh viên kháng chiến như những đợt sóng ngầm, khiến Hà Nội thời tạm chiếm luôn biến động, kẻ thù luôn nhức nhối và tìm mọi cách dập tắt phong trào song càng khó khăn thì chúng tôi càng nỗ lực, lớp trước bị đàn áp, bắt giam thì lớp sau lại bãi khóa, kêu gọi thả tự do cho học sinh,” ông Tân nói.
Với bà Nguyễn Hạc Đạm Thư (sinh năm 1935), nguyên Phó Trưởng ban Quốc tế Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà cũng sớm giác ngộ cách mạng, nhờ noi gương những người thân trong gia đình, trong đó có người chị họ là bà Đỗ Hồng Phấn.
Bà Thư trở thành một trong những học sinh tham gia viết báo Nhựa sống (sau này là báo Tiền Phong) – một trong những công cụ đắc lực tuyên truyền tổ chức thanh niên, học sinh có những hoạt động thiết thực, ủng hộ kháng chiến, hướng về cách mạng, về Bác Hồ.
Thời kỳ đầu, báo Nhựa sống in bằng phương pháp thủ công: Báo được viết bằng tay, in thạch với mầu mực tím mờ nhạt. Từ năm 1951-1952, báo Nhựa sống được in bằng công nghệ mới Ronéo trên giấy trắng, bên ngoài đóng bìa mềm, trông chẳng khác gì một quyển vở học sinh, rất dễ cất giấu trong cặp.
Làm báo, in báo bí mật vốn đã nhiều khó khăn nhưng việc phát hành báo Nhựa sống còn gian nan gấp bội.
Với khổ giấy bé như quyển sách, quyển vở học sinh, sau khi in xong thì báo được bỏ vào cặp mang đến trường. Ngoài việc phát hành theo các tổ chức đoàn, nhiều người tranh thủ giờ ra chơi lén đút tờ báo vào ngăn bàn, có người thì đưa cho một số bạn đọc rồi chú ý theo dõi thái độ của các bạn, nếu ai lẳng lặng giấu tờ báo vào cặp mang về nhà đọc thì đó là những người có cảm tình với kháng chiến.
Dần dần, báo Nhựa sống đã giúp Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến lôi cuốn được nhiều bạn trẻ cảm tình vào hoạt động với tổ chức. Đúng như tên gọi, Nhựa sống là tờ báo mang tinh thần của những học sinh, sinh viên thời kỳ kháng chiến. Đó là sức trẻ, sự nhiệt huyết tràn đầy nhựa sống của lứa tuổi đôi mươi.
Nhớ về những ngày làm báo, bà Thư tâm sự: “Nhiều người nghĩ rằng, sống ở Hà Nội thời đó chúng tôi chỉ là những học trò tiểu thư ‘ăn trắng mặc trơn’. Thực tế, chúng tôi đã phải chắt chiu tiết kiệm từng đồng, chi tiêu thật dè sẻn, để góp phần nuôi tờ báo. Và chính Nhựa sống lại nuôi dưỡng niềm tin, nghị lực cho chúng tôi vượt mọi khó khăn, thử thách thời Hà Nội bị địch tạm chiếm.”
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Thư cho biết chính vì tầm ảnh hưởng của tờ báo nên rất nhiều học sinh, sinh viên kháng chiến ở Thủ đô đã bị địch bắt, tra tấn dã man rồi giam vào Nhà tù Hỏa Lò; trong đó có các ông Lê Tám, Dương Linh, Lê Văn Ba, Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm, Trần Khắc Cần, bà Đỗ Hồng Phấn…
Nhóm này bị bắt giam thì nhóm khác ở ngoài vẫn tiếp tục gây dựng lại phong trào, để Nhựa sống vẫn không ngừng chảy trong trái tim lớp thanh niên nhiệt huyết với cách mạng, nuôi khát vọng đến ngày Thủ đô được giải phóng./.
Vietnamplus.vn
Nguồn:https://mega.vietnamplus.vn/bai-1-nhung-chang-trai-co-gai-ha-noi-dep-nhu-hoa-hong-cung-hon-sat-thep-6624.html#lg=1&slide=13