Tuổi 18 nhưng đá U.21 rất hay
Vòng bảng giải U.21 quốc gia thi đấu ở Thanh Hóa và Nghệ An thiếu một số cầu thủ đang tập trung đội Olympic dự ASIAD. Nhưng không vì thế mà thiếu những cái tên nổi lên đầy hứa hẹn.
Bên cạnh những gương mặt ít nhiều đã khẳng định ở sân chơi các giải trẻ thì một vài cầu thủ trẻ tiềm năng cũng bước đầu khẳng định mình và đặc biệt gây thích thú cho giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Đó là những gương mặt tuổi 18 nhưng đã định hình được phong cách thi đấu cùng một lối đá năng nổ không thua kém gì đàn anh ở lứa tuổi 21.
Đáng chú ý đầu tiên chính là Nguyễn Gia Bảo của PVF-CAND. Cầu thủ sinh năm 2005 này chơi rất chững chạc, anh có thể đá tiền đạo mũi nhọn cũng như chơi tốt ở vai trò tiền vệ tấn công. Dù là vị trí nào Gia Bảo cũng cho thấy một lối đá tích cực, kỹ thuật khéo léo và chịu khó di chuyển, phối hợp ban bật nhanh với đồng đội. Cú đúp bàn thắng vào lưới Viettel giúp PVF-CAND gỡ hòa sau khi bị dẫn 2-0 cho thấy nhãn quan chiến thuật và khả năng ghi bàn nhạy bén của Gia Bảo. Một cú thoát đi sau đó tung sút rất kỹ thuật hoặc một cú lắc đầu rất thông minh vừa đủ hạ thủ môn tuyển U.23 Việt Nam Đoàn Huy Hoàng.
Sự tự tin và cách chơi dũng mãnh của Gia Bảo đã giúp anh cùng với tuyển thủ U.23 trong đội hình PVF-CAND là Thái Bá Đạt mang lại một lối đá giàu tính cống hiến và đẹp mắt, chinh phục người xem. Đây sẽ là một gương mặt rất tiềm năng hứa hẹn cùng với Nguyễn Công Phương của Viettel trở thành những tiền vệ tấn công đáng xem của bóng đá Việt Nam trong tương lai.
Cũng ở tuổi 18, tiền vệ Môi Sê của Kon Tum thực sự gây ấn tượng. Không cao to, mạnh mẽ nhưng lối đá của cầu thủ người dân tộc này rất đĩnh đạc. Anh quán xuyến tuyến giữa và có khả năng xoay trở vô cùng khéo léo trong không gian hẹp. Rất nhiều lần Môi Sê thoát qua sự truy cản của đối phương bằng những pha xử lý vừa mềm mại vừa tinh tế, gây thích thú cho người xem ở sân Vinh.
Sự nổi bật của Môi Sê còn nhờ đội hình của Kon Tum đến với U.21 lần này rất đồng đều, cân bằng giữa các tuyến giúp anh phát huy được hết các phẩm chất vốn có. Cũng chính nhờ sự linh hoạt trong lối chơi mà Môi Sê đã có những pha kiến tạo rất thông minh, luôn đặt đồng đội của mình vào thế thuận lợi. Hơn thế anh còn truyền cảm hứng và sự tự tin giúp Kon Tum luôn thể hiện được sự tập trung cao và khai thác tốt cơ hội đến phút cuối. Bàn thắng duy nhất của Kon Tum để quật ngã ứng viên đồng chủ nhà Sông Lam Nghệ An chính là nhờ hiệu quả trong cách chơi đó của đội bóng đến từ Tây Nguyên và cá nhân Môi Sê.
Một gương mặt tuổi 18 khác cũng tạo dấu ấn là Nguyễn Quang Vinh của Sông Lam Nghệ An. Chơi thay vai trò của tuyển thủ U.23 Đinh Xuân Tiến là một thử thách lớn cho chàng trai trẻ xứ Nghệ này. Vinh chỉ mới chân ướt chân ráo bước ra từ giải U.19 nhưng đã kịp khẳng định hùng hồn khả năng của mình. Bằng tài điều phối bóng khéo léo, nhanh nhạy với những pha xông lên từ tuyến 2, Quang Vinh cùng với Ngô Văn Bắc đã “gánh” rất hiệu quả vai trò của Xuân Tiến và Trần Nam Hải.
Không những thế, sự điều tiết bóng khéo léo của anh còn góp phần mang đến nhiều thời cơ cho đồng đội. Con số 9 bàn thắng qua 3 trận vòng bảng cho thấy hiệu quả từ cách tổ chức tấn công này. Sự lên xuống nhịp nhàng của Quang Vinh còn góp phần giúp cho lối đá của đội bóng xứ Nghệ gắn kết, uyển chuyển rất đáng xem.
Một số gương mặt khác ở tuổi 18 cũng rất hay như cặp tấn công Lê Trí Phong – Hoàng Văn Tuyến hay tiền vệ Lê Văn Quang Duyệt của Hà Nội, tiền vệ Trần Văn San của Thanh Hóa, mũi nhọn Nguyễn Như Ý và đội trưởng Hồ Thành Đạt của Long An, mũi nhọn Nguyễn Anh Tuấn của PVF-CAND, hậu vệ Nguyễn Mai Hoàng của Sông Lam Nghệ An, tiền vệ Vũ Tùng Dương và Đoàn Thế Phong của Viettel. Cùng với những cái tên tuổi 18 đã và đang khoác áo đội tuyển U.23 vô địch Đông Nam Á như Nguyễn Đăng Dương, Nguyễn Hữu Tuấn, Thái Bá Đạt, tất cả đều góp phần tạo nên làn sóng tuổi 18 ấn tượng tại vòng chung kết U.21.
Cú hích từ những đôi chân U.21
Trong số các gương mặt chơi đúng tuổi 2002 – 2003 thì Phạm Đình Duy của Đà Nẵng, Vũ Văn Sơn của Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tú của Viettel, Nguyễn Quốc Lộc của Long An, Đỗ Trường Trân của Khánh Hòa đã khẳng định được giá trị. Họ không chỉ nổi bật bằng những bàn thắng (Đình Duy lập cú đúp vào lưới Khánh Hòa, Văn Sơn dù là trung vệ ghi 2 trong 3 bàn cho đội bóng thủ đô, Ngọc Tú đang dẫn đầu giải Vua phá lưới với 4 bàn thắng, Quốc Lộc ghi bàn duy nhất giúp Long An thắng Đắk Lắk mở cửa vào tứ kết).
Ít hơn họ một chút có Ngô Đức Hoàng, Nguyễn Trung Thành của Hà Nội, Hồ Văn Cường, Phan Bá Quyền của Sông Lam Nghệ An, Trần Quốc Đạt của Thanh Hóa, Nguyễn Văn Tú của Viettel, Nguyễn Đăng Thọ của Kon Tum, Lê Văn Đạt của Đà Nẵng cũng đã tạo ấn tượng. Những đôi chân này thực sự đã mang lại bầu nhiệt huyết cho vòng chung kết U.21, tạo nên chất xúc tác mãnh liệt và những trận knock-out từ tứ kết sắp tới sẽ là cuộc đối đầu không khoan nhượng để hướng đến sức bật cho tương lai.
Mặt khác từ tứ kết, người hâm mộ còn chờ đợi những cái tên khác vốn cũng rất hay từng có tên tuổi hoặc tạo ấn tượng ở giải U.19 nhưng lại chưa “ghi điểm” nhiều ở vòng bảng U.21 như bộ ba Nguyễn Ngọc Mỹ, Hà Minh Đức, Cầm Bá Thành của Thanh Hóa, Hoàng Minh Tiến của Kon Tum, Nguyễn Hà Anh Tuấn của Hà Nội, Trần Nhật Đông của Đà Nẵng, Nguyễn Lê Phát của PVF-CAND, Nguyễn Văn Bách, Lê Văn Quý của Sông Lam Nghệ An sẽ bật lên để chứng tỏ tốt hơn nữa tiềm năng của mình.