Đầu tháng 5, Aspen Digital – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thảo luận về các vấn đề xã hội – đã tổ chức hội nghị với gần 100 nhà lãnh đạo truyền thông, tổng biên tập, đại diện của các công ty công nghệ và những người khác để thảo luận về vai trò của AI trong ngành tin tức.
Dưới đây là những câu hỏi chính xuất hiện từ các phiên thảo luận tại hội nghị, cũng như cách các nhà xuất bản tin tức nghĩ về câu hỏi đó.
1. Chúng ta đang cứu cái gì khỏi AI?
Tổng biên tập Gina Chua của Semafor đã yêu cầu những người tham dự suy nghĩ về những gì họ đang cố gắng cứu khỏi những rủi ro của AI. Đó có phải là công việc kinh doanh báo chí và công việc của từng nhà báo, hay đó là danh tiếng và tác động của báo chí đối với xã hội?
“Chúng ta không ở đây để cứu các nhà báo”, bà nói. “Chúng ta ở đây để bảo vệ không gian công cộng, không gian thông tin cho công dân. Câu hỏi của tôi là: Làm cách nào để chúng ta tạo ra thông tin tốt hơn cho mọi người và cho cộng đồng?”.
2. Kiện hay hợp tác với AI?
Một số tòa báo (bao gồm New York Times, The Intercept và 8 tờ báo thuộc sở hữu của Alden Global Capital) đã chọn kiện các công ty AI vì vi phạm bản quyền, trong khi những nhà xuất bản tin tức khác (bao gồm News Corp, Associated Press, Axel Springer, Financial Times, Dotdash Meredith, The Atlantic và Vox Media) lại chọn ký thỏa thuận cấp phép nội dung với các công ty AI này.
Các nhà xuất bản chọn cấp phép vì muốn giúp tác động đến cách mà các sản phẩm AI mới này phát hành nội dung của họ. Trong khi đó, những người kiện cho rằng họ cần đặt ra một giá trị hợp lý cho hoạt động báo chí của mình.
3. Tương lai báo chí sẽ bị thay thế bằng nền tảng truyền thông AI?
Vấn đề lớn hơn đằng sau nỗi lo vi phạm bản quyền hoặc quyết định cấp phép nội dung là khả năng các công ty AI sẽ loại bỏ (hoặc thay thế) các hãng tin tức và nhà báo bằng các nền tảng truyền thông xã hội hiện có.
Các công ty công nghệ lớn (Big Tech) tuyên bố tôn trọng báo chí và muốn hỗ trợ báo chí, nhưng một số nhà xuất bản lo ngại rằng lưu lượng truy cập có thể giảm xuống vì các Big Tech và nền tảng AI sẽ cung cấp mọi tin tức cho người đọc, bằng việc lấy chính tin tức thu thập được từ các hãng tin. Liệu người đọc có truy cập các trang web hoặc ứng dụng của tổ chức báo chí nếu đã có một công cụ tổng hợp AI nhanh, miễn phí và dễ sử dụng?
4. Độc giả cần gì?
AI sẽ thay đổi cách mọi người tìm kiếm thông tin, giống như sự xuất hiện của internet. Các nhà xuất bản nên hiểu cách AI ảnh hưởng đến hành vi của độc giả và thử nghiệm những cách mới để đáp ứng mong đợi và nhu cầu của người đọc tin tức, ví dụ như bằng cách thiết kế giao diện trò chuyện cho phép họ tương tác với nội dung tin tức.
Theo nghĩa rộng, điều quan trọng là phải tập trung tìm hiểu thêm về những thay đổi mà AI đang mang lại và thích ứng với chúng. Mark Thompson, giám đốc điều hành của CNN, cho biết: “Ý tưởng có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của mọi người… thực sự rất thú vị”.
5. Làm thế nào để thích ứng?
Những người trong ngành báo chí và truyền thông thường coi sự thay đổi công nghệ là một thách thức cụ thể cần phải vượt qua, sau đó ngành này chắc chắn sẽ quay trở lại trạng thái cân bằng nào đó. Nhưng đó không còn là cách hoạt động của ngành kinh doanh tin tức hiện nay nữa.
Điều quan trọng là phải duy trì thái độ thích ứng thay vì chỉ tiếp cận từng vấn đề xung quanh AI như một vấn đề riêng lẻ cần giải quyết. Nhiều người cho rằng, các tổ chức báo chí thành công sẽ là những công ty hiểu được nhu cầu không ngừng phát triển, đồng thời trung thực với những gì họ làm tốt nhất.
6. Mục tiêu có thể đạt được ngay bây giờ?
Có những thử nghiệm AI quy mô nhỏ rủi ro thấp mà hầu hết mọi hãng tin đều có thể tham gia ngay bây giờ. Các diễn giả bao gồm Sonal Shah, giám đốc điều hành của Texas Tribune, đã nói về việc sử dụng AI để cá nhân hóa, bao gồm dịch tức thời các câu chuyện sang nhiều ngôn ngữ, chuyển các bài báo văn bản thành âm thanh và tóm tắt các câu chuyện dạng dài cho mạng xã hội.
7. AI có ý nghĩa gì đối với niềm tin?
Một số nội dung do AI tạo ra thường không đúng sự thật. Một số người coi đây là cơ hội để các cơ quan báo chí quảng bá thông tin chất lượng cao và nguồn đáng tin cậy của họ, coi niềm tin là một loại tiền tệ có giá trị trong hệ sinh thái thông tin khi nó phát triển.
“Là một tổ chức tin tức, sứ mệnh của chúng tôi là phục vụ lợi ích lớn hơn cho cộng đồng. Trọng tâm của giá trị này là mối quan hệ của chúng tôi với độc giả”, Lauren Fisher, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc pháp lý tại TEGNA, cho biết.
“Và nếu chúng ta cho phép thông tin do AI tạo ra chưa được kiểm chứng và xác thực xâm nhập vào quá trình thu thập tin tức của chúng ta, điều đó sẽ làm xói mòn niềm tin vốn là nền tảng của những mối quan hệ quan trọng đó”.
8. Thế mạnh của các tổ chức báo chí là gì?
Các tổ chức báo chí và truyền thông nên xác định điểm mạnh của họ và tận dụng chúng. Ví dụ, nếu bạn chuyên đưa tin điều tra dài hạn, hãy sử dụng AI để nâng cao kỹ năng và khả năng của bạn trong lĩnh vực đó thay vì cố gắng tạo video TikTok có tính lan truyền.
Nếu bạn là một đài truyền hình tập trung những người dẫn nổi tiếng và đáng tin cậy để cung cấp tin tức, hãy tập trung vào các công cụ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và đảm nhiệm các công việc nhàm chán, để họ có nhiều thời gian hơn làm việc đó.
Alex Hardiman, giám đốc sản phẩm của New York Times, cho biết: “Người đăng ký ủng hộ chúng tôi vì chúng tôi có thể cung cấp thông tin mà họ cần và đó thường là những thông tin chưa được biết đến trước đây. AI sẽ không thay thế được điều đó”.
Ngọc Ánh (theo CJR)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhung-cau-hoi-lon-ve-ai-va-tin-tuc-danh-cho-cac-toa-soan-post298015.html