Nếu dựa trên số liệu, ChatGPT của Hãng OpenAI (Mỹ), tiếp tục là công cụ trí thông minh nhân tạo (AI) phổ biến nhất thế giới. Sau 1 năm ra mắt, ChatGPT cho hay có khoảng 100 triệu người dùng/tuần, và theo dữ liệu của Google Trends, ChatGPT hiện đạt đến đỉnh điểm của sự phổ biến.
Thế nhưng, không phải ai cũng sử dụng công cụ này thành công.
ChatGPT “thôi nôi”, điểm lại những tác động lớn lao trong công nghệ
Luật sư bị phạt ngược vì dùng ChatGPT
Một luật sư ở Mỹ đại diện cho thân chủ đâm đơn kiện Hãng hàng không Avianca đã bị “tổ trác” khi nhờ cậy AI để chuẩn bị hồ sơ tòa án, theo tờ The New York Times.
Vụ kiện bắt đầu không khác gì những trường hợp khác: một người đàn ông tên Roberto Mata kiện Hãng Avianca vì cho rằng mình bị thương đầu gối do bị xe đẩy thức ăn đụng phải trên chuyến bay đến phi trường quốc tế John F.Kennedy ở thành phố New York (bang New York, Mỹ).
Khi Avianca yêu cầu thẩm phán liên bang P. Kevin Castel ở quận Manhattan hủy bỏ vụ kiện, luật sư của ông Mata là Steven A. Schwartz và đồng sự Peter LoDuca của công ty luật Levidow, Levidow & Oberman lên tiếng bác bỏ và đệ trình xấp tài liệu gồm 10 trang giấy ghi chép hơn 6 phán quyết trong các vụ tương tự.
Các vụ án được đề cập bao gồm vụ hành khách Martinez kiện Delta Air Lines, hành khách Zicherman kiện Korean Air Lines và hành khách Varghese kiện China Southern Airlines.
Vấn đề ở đây là không ai, bao gồm luật sư đại diện hãng hàng không và thậm chí cả thẩm phán điều hành phiên tòa có thể truy xuất dữ liệu cụ thể về những vụ kiện trên.
Lý do hết sức đơn giản: ChatGPT đã “sáng chế” mọi thứ.
Luật sư Schwartz, với 3 thập niên hành nghề, đã thành khẩn hối lỗi, khẳng định trước tòa rằng ông không hề có ý định đánh lừa thẩm phán hoặc bên bị kiện, và thú nhận đã sử dụng ChatGPT cho khâu chuẩn bị hồ sơ.
Thẩm phán Castel sau đó quyết định phạt luật sư Schwartz, đồng sự LoDuca và công ty luật Levidow, Levidow & Oberman mỗi bên số tiền 5.000 USD.
ChatGPT hoàn thành các bài thi ở trường luật, thương mại
Trong một số trường hợp khác, ChatGPT chứng tỏ đủ thông minh để hoàn thành những kỳ thi khó khăn của những đại học danh tiếng của Mỹ. Theo Đài CNN, chatbot này hồi đầu năm đã thi đậu các kỳ thi luật của 4 khóa học tại trường luật thuộc Đại học Minnesota và một kỳ thi của trường Thương mại Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, đều ở Mỹ.
Nhằm kiểm tra liệu ChatGPT có đủ sức đưa ra những câu trả lời trong các kỳ thi hay không, các giáo sư của Đại học Minnesota tiến hành thi thử đối với chatbot. Sau khi hoàn tất 95 câu hỏi trắc nghiệm và 12 câu hỏi từ luận, chatbot đạt được điểm số trung bình tương đương với một sinh viên C+. Điều này có nghĩa là chatbot dù ghi điểm thấp nhưng vẫn dễ dàng vượt qua 4 kỳ thi theo yêu cầu.
Còn ở trường Wharton, ChatGPT ghi điểm tốt hơn khi tham gia kỳ thi của ngành quản trị kinh doanh, đạt được điểm B đến B-. Trong báo cáo ghi lại thí nghiệm, giáo sư Christian Terwiesch của trường Wharton phải thừa nhận ChatGPT đã “thi rất khá” và hoàn thành tốt các câu hỏi về quản lý hoạt động kinh doanh và phân tích quy trình.
Tuy nhiên, chatbot lại khá chật vật trước những câu hỏi có độ khó cao hơn, và phạm những lỗi vô cùng ngớ ngẩn ở mức độ đáng kinh ngạc khi được yêu cầu thực hiện tính toán cơ bản nhất.