Đó chính là 10 cô dân quân phòng không đã ngã xuống trên trận địa pháo Lam Hạ (Hà Nam) được sử sách ghi lại một cách hào hùng, và tác giả Lê Chí Trung – Tạ Tuấn Minh viết thành kịch bản Những cánh hoa trinh trắng, NSƯT Hạnh Thúy đạo diễn, tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch nói TP.HCM 2024.
Nhưng vở diễn cảm động chính vì phần lớn thể hiện những góc rất “đời” của các cô dân quân, rất mềm mại, dễ thương. Những cô gái từ 16-24 tuổi vừa kiên cường mà cũng vừa trong trẻo, hồn nhiên. Từ chuyện nhõng nhẽo với mẹ, nằm nghe mẹ ru tới chuyện mẹ chải đầu cho, rồi mẹ cột tóc thắt nơ, mẹ rang bắp để con đem theo mà ăn vặt, hoặc nô đùa chọc ghẹo các anh bộ đội, hoặc tranh đọc thư của nhau… Và hầu hết các cô đều chưa được một lần nắm tay, một lần hôn, chưa nếm vị ngọt tình yêu, gương mặt vẫn trong veo như hoa chưa kịp nở. Thế mới đau khi nhìn các cô nằm xuống, thanh xuân mãi mãi…
Cũng có một tình yêu, giữa cô Đinh Thị Tâm và anh bộ đội Đỗ Hồng Ba, nhưng bị kỷ luật bởi lệnh cấm thời chiến là không được yêu, cho rằng ủy mị, vướng chân chiến đấu. Tất cả được tác giả Lê Chí Trung-Tạ Minh Tâm mổ xẻ với những lời thoại gay cấn, để hậu thế cảm thông, đau xót cho một thế hệ cha anh. Họ không chỉ nếm trải sự khốc liệt, mất mát trong chiến tranh, mà còn nếm trải sự thiếu thốn tình cảm. Họ không chỉ mang vết sẹo trên cơ thể mà còn mang vết sẹo trong trái tim. Thôi thì có dịp nhìn lại để trân trọng hơn những hạnh phúc hôm nay chúng ta được nhận.
Thực tế đây là vở tốt nghiệp của sinh viên lớp điện ảnh-truyền hình Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TPHCM do NSƯT Hạnh Thúy làm chủ nhiệm. Chị thấy các em làm tốt nên gia cố thêm để tham dự liên hoan, và chị cùng diễn viên Lê Bê La đóng vai hai bà mẹ để tạo dàn bao cứng cáp cho vở. Thật sự hai bà mẹ rất duyên dáng, không cố tình diễn hài nhưng sự dí dỏm sinh động của hai bà đã khiến khán giả có những tiếng cười thú vị. Các em diễn viên trẻ như Nguyễn Hồng Vân, Phùng Nguyễn Huyền Trân, La Bảo Duy, Quang Khánh, Bích Phượng, Tuyết Sương, Kiều Ngọc Minh Quân đều diễn rất tốt, khán giả vỗ tay liên tục và cũng rơi nước mắt nhiều lần.
Khán giả cũng có lời khen cho thiết kế sân khấu, làm cả một trận địa pháo sống động. Và đạo diễn Hạnh Thúy rất cao tay khi dàn dựng những pha khó như vậy, cảnh chiến tranh bom rơi như vãi trấu khắp mảnh đất Hà Nam, cảnh chiến sĩ ra trận, dân quân phối hợp… rất tàn khốc nhưng rất đẹp về mặt nghệ thuật. Và càng bất ngờ khi biết rằng cô trò của Hạnh Thúy không có nhiều tiền để dựng, phải đi xin, đi mượn khắp nơi, từ trang phục cho tới đạo cụ, sàn tập. Trong khó khăn mà vẫn làm được như vậy, đúng là sức mạnh nội tại của nghệ sĩ. Đặc biệt An Trần Thanh Vy vào vai cô Ngô Thị Hồ với nét cứng cỏi như con trai nhưng trong lòng lại bao dung, yêu thương đồng đội, gây ấn tượng rất mạnh với người xem. Và Bích Châu đóng vai cô Nguyễn Thị Thi 16 tuổi nhí nhảnh, đáng yêu vô cùng, cứ lung linh trong tim khán giả khi màn nhung đã khép.
Một vở kịch cách mạng mà khi ra về khán giả vẫn quyến luyến rất lâu. Nhiều người nói sẽ đi xem lại lần nữa nếu tái diễn – một điều không dễ chút nào trong tình hình sân khấu hiện nay. Và dư luận mong rằng vở này sẽ được nhà nước mua dàn để diễn rộng rãi cho học sinh, sinh viên.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-canh-hoa-trinh-trang-cua-dao-dien-nsut-hanh-thuy-thanh-xuan-va-dau-don-185241128120431134.htm