Việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội chỉ đạt 20,2% so với kế hoạch
Trong thời gian gần đây, UBND Hà Nội đã thể hiện rõ quan điểm quyết tâm thực hiện các dự án nhà ở xã hội, bằng cách ban hành một loạt Quyết định, kế hoạch và các định hướng cụ thể. Tuy nhiên, nhìn vào các kết quả trước đó, có thể thấy những cam kết, kế hoạch của Hà Nội đưa ra dường như đang quá xa vời.
Theo báo cáo của UBND Hà Nội, trong giai đoạn 2016 – 2020, việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố chỉ đạt 20,2% so với kế hoạch đã đề ra. Đây là kết quả cực kỳ khiêm tốn so với kế hoạch do chính UBND Hà Nội thông qua.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, UBND Hà Nội đã quyết định giao Sở Xây dựng tổ chức lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với 02 dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.Đồng thời, Hà Nội đang xem xét tiếp tục thực hiện đối với 3 dự án còn lại tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, tại ô đất CT1-5 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5 (thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) và tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Dự kiến 05 dự án được triển khai hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội vào quỹ nhà ở xã hội của Hà Nội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của thành phố (khoảng 6,8 triệu m2 sàn giai đoạn sau năm 2020) và góp phần hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội theo Đề án. |
UBND Hà Nội cho rằng, thành phố là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới, khó và trong bối cảnh chưa ban hành Chương trình phát triển đô thị của thành phố.
Do đó đề xuất nhu cầu phát triển nhà ở của Thành phố chưa sát với thực tế, chưa lường hết được các thách thức, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, các chính sách, văn bản luật của Trung ương chưa kịp thời quy định mới hoặc điều chỉnh, bổ sung các trường hợp phát sinh trong thực tế. Các khu nhà ở xã hội tập trung triển khai chậm do vướng cơ chế, chính sách. Việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện.
Ngoài ra, cơ chế chính sách ưu đãi hiện hành chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội khu vực ngoại thành và nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng là công nhân, sinh viên.
“Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội thiếu hụt do đa số chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở quy mô dưới 10ha đất lựa chọn hình thức nộp bằng tiền thay vì dành quỹ đất hay quỹ nhà trong dự án làm nhà ở xã hội”, UBND Hà Nội cho biết.
Mới đây, UBND Hà Nội tiếp tục thông qua hai Quyết định mới, liên quan tới kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2025.
Cụ thể, vào tháng 12/2022, UBND Hà Nội đã thông qua Quyết định 5063, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Đến tháng 2/2023, UBND Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định 1186, về việc phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021 – 2023.
Trong hai Quyết định này, UBND Hà Nội đã đặt mục tiêu tới năm 2025, thành phố sẽ phát triển mới 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu này có vẻ tương đối xa vời.
Bởi, theo báo mới nhất của UBND Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội có thêm 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành 1 phần, với hơn 345.000m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng hơn 4.160 căn hộ.
Như vậy, dù đã đi được nửa “quãng đường”, Hà Nội mới chỉ thực hiện được 1/3 kế hoạch đặt ra. Từ nay tới hết năm 2025 còn hơn 2 năm, Hà Nội sẽ phải thực hiện nốt 2/3 nhiệm vụ còn lại, tức là phải thực hiện được 855.000m2 sàn nhà ở xã hội mới đảm bảo được kế hoạch đã đề ra. Đây là một nhiệm vụ khó đòi hỏi quyết tâm rất lớn của Hà Nội.
500 ngày làm thủ tục mới được cấp chủ trương đầu tư
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội, thế nhưng, lý do quan ngại nhất đó là thủ tục hành chính đầu tư kéo dài, phức tạp.
Trong một hội thảo mới đây liên quan tới việc tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội, ông Nguyễn Hữu Đường – Chủ tịch Hòa Bình Group, đơn vị vừa được UBND Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai tiết lộ: Khi triển khai thủ tục hành chính dự án này đã phải mất hơn 500 ngày mới được cấp chủ trương đầu tư.
Ông Đường kể, doanh nghiệp có hai khu đất ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Hai khu đất này nếu làm nhà ở thương mại với diện tích xây dựng khoảng 150.000m2, doanh nghiệp sẽ thu lợi khoảng 2.500 tỷ đồng, nếu bán với mức giá mỗi mét vuông từ 40 – 45 triệu đồng.
Trong khi đó, nếu làm nhà ở xã hội, ông cho hay chỉ được lời 10%, tức khoảng hơn 200 tỷ đồng. “Nhưng làm nhà ở xã hội sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở bán nhiều đối tượng: công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang, sinh viên”, ông Đường nói.
Vậy nhưng, muốn đưa hai khu đất này vào làm nhà ở xã hội, ông Đường cho biết, khi gửi hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư, phải mất hơn 500 ngày mới được cấp cho một khu đất; trong khi đất đã có sổ đỏ, có hợp đồng thuê đất, hàng năm đóng tiền đầy đủ.
“Tôi cho rằng, vấn đề làm nhà ở xã hội phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của lãnh đạo thành phố”, ông Đường nói.
Trong thời gian tới, ông Đường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng mua nhà, cho người dân có đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội đăng ký.
“Theo tính toán thì tối thiểu cũng phải 20 triệu người đang có nhu cầu nhà ở xã hội. Trong vòng 20 – 30 năm tới thị trường nhà ở xã hội luôn có nhu cầu”, ông Nguyễn Hữu Đường nhấn mạnh.
Ngay cả lãnh đạo của Sở Xây dựng Hà Nội cũng lên tiếng cần rút ngắn các thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội.
Ông Bùi Tiến Thành – Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra 3 góp ý để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng.
Thứ nhất, trình tự thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội phải rút ngắn lại. Trường hợp có đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội thì cần có quy định riêng, còn hiện nay là mất 2 năm. Như vậy là quá dài cho một thủ tục lựa chọn chủ đầu tư.
Thứ hai, theo ông Thành, cần phải rà soát, bãi bỏ những quy định thủ tục hành chính không cần thiết. Bởi đối với nhà ở xã hội, doanh nghiệp chỉ được hưởng lợi nhuận 10% là tối đa, không giống như dự án thương mại khác.
Thứ ba, trong qua trình triển khai gần đây, các doanh nghiệp gặp khó khăn về diện tích đất công nằm xen kẹt dạng “xôi đỗ” trong phạm vi ranh giới dự án nhà ở, nhà ở xã hội.
“Đất công nằm trong phạm vi ranh giới rất khó để thu hồi, giao đất, nghĩa là thủ tục giải phóng mặt bằng cần có quy định giải quyết cụ thể để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án”, ông Thành cho hay.
Việt Vũ