1. Tự trang bị hệ thống cảnh báo khói và bình chữa cháy trong nhà
Hiện nay các cảm biến nhận biết rò rỉ khói hay khí gas không còn xa lạ với người dân. Việc nhận biết sớm có khói và trang bị bình chữa cháy, học cách sử dụng bình chữa cháy một cách hiệu quả là điều vô cùng quan trọng, vì “phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh”.
2. Đóng cửa phòng, bịt kín các kẽ hở
Nếu bản thân và gia đình còn đang mắc kẹt ở trong nhà, không tìm thấy đường thoát ra và đang chờ cứu hộ, bạn đọc cần dùng khăn ướt và chèn vào toàn bộ khe cửa ra. Trong trường hợp không có khăn ướt có thể thay thế bằng băng keo, ngăn khói len lỏi vào trong phòng.
3. Cúi thấp người khi di chuyển
Do tính chất khói nhẹ hơn so với không khí nên khi xảy ra hỏa hoạn, khói sẽ có xu hướng bốc lên cao. Vì vậy, để hạn chế tối đa hít phải khói, người dân cần cúi hạ thấp người trong khi di chuyển lánh nạn. Trong quá trình di chuyển, nên hít thở đều, chậm rãi.
Tránh việc nhịn thở một thời gian rồi sau đó hít một hơi dài để lấy lại không khí. Bởi vì trong hỏa hoạn, rất khó phân biệt khu vực nào không khí còn trong lành và khu vực nào có khói.
Nếu chẳng may hít sâu lấy hơi ở trong một môi trường có nhiều khói sẽ đẩy cơ thể vào tình trạng ngộ độc khí CO nhanh hơn.
Ngoài ra khi di chuyển, bạn đọc cần bám sát vách tường.
4. Sử dụng khăn ướt để che mặt
Giống như việc dùng khăn vải ướt để chèn vào các khe cửa, việc quấn che mũi miệng bằng khăn ướt có thể giúp người gặp nạn giảm thiểu được lượng khói hít vào trong phổi.
Đối với một số nơi ở tập thể như chung cư, nhà trọ, cần tự trang bị mặt nạ chống khói có phin lọc. Cần tự học cách mang mặt nạ chống khói đúng cách để có sự chuẩn bị trước cho những tình huống xấu xảy ra.
5. Sử dụng lối thoát hiểm hoặc cầu thang bộ
Không dùng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn. Cần ghi nhớ đường đi từ cửa nhà đến khu vực lối thoát hiểm để thuận tiện di chuyển trong trường hợp toàn bộ tòa nhà bị ngắt điện, hoặc khói che mờ không nhìn thấy bảng hướng dẫn đường.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-cach-tu-cuu-minh-khi-gap-hoa-hoan-20240628093829481.htm