Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem đến nhiều thắng lợi mang tính lịch sử. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, trích bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.
Thực hiện một bộ phim về đề tài Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là một yêu cầu khó khăn cho nhiều nhà làm phim, đặc biệt về yếu tố kịch bản. Đến nay, những tác phẩm phim tài liệu, phim điện ảnh về đề tài này trở thành “của hiếm”, bởi số lượng ít ỏi và chứa đựng những giá trị vượt thời gian.
Phim tài liệu quý hiếm về ngày Quốc khánh 2/9
Sau 30 năm tính từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, phim Ngày Độc lập 2/9/1945 do NSND Phạm Kỳ Nam đạo diễn mới được sản xuất và công chiếu (năm 1975).
Những thước phim đen trắng về hình ảnh đoàn người nắm tay vung cao rồi hát vang bài Diệt phát xít, cùng lời tuyên thệ độc lập khiến không ít người dân Việt Nam ngỡ ngàng, xúc động.
Đặc biệt nhất trong phim Ngày Độc lập 2/9/1945 là hình ảnh thời khắc lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập có độ dài 5 phút – được thực hiện bởi một người quay phim mà đến nay vẫn không rõ danh tính. Ít ai biết rằng, 5 phút tư liệu quý giá đó được một người bạn Pháp trao tặng cho Việt Nam.
Giọng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trong thời khắc khai sinh ra nước Việt Nam, với hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió tại Quảng trường Ba Đình đã gợi lại những cảm xúc đầy tự hào, thiêng liêng.
NSND Nguyễn Như Vũ – Nguyên Quyền Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã chia sẻ: “Khi được xem những thước phim này, tất cả chúng tôi đều thấy ngỡ ngàng vì 2/9/1945 thì chúng tôi cũng được nghe nhiều, đọc nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng nhìn thấy những hình ảnh sống động thì đúng là lần đầu tiên”.
Bức ảnh tư liệu chụp Quảng trường Ba Ðình ngày 2/9/1945 của nhiếp ảnh gia người Pháp Philippe Devillers (Ảnh: Tư liệu).
Năm 1974, đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Pháp để thực hiện bộ phim về Bác trong thời kỳ Người hoạt động ở Pháp. Trước khi đi, trưởng đoàn – nhà báo Hồng Hà, đạo diễn Phạm Kỳ Nam và quay phim Nguyễn Như Ái được Ủy viên Bộ Chính trị – Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh dặn dò cố gắng tìm phim tư liệu về 2/9/1945.
Tại Pháp, đoàn đã nhờ đạo diễn phim tài liệu người Hà Lan Joris Ivens giúp đỡ. Sau nhiều cố gắng, Joris Ivens đã tìm được một người bạn, có thể giúp được đoàn mang những hình ảnh quý của ngày độc lập về nước.
Gần 60 năm sau, dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2005, công chúng mới được theo dõi phim tài liệu tiếp theo, mang tên Ngày lịch sử của đạo diễn Nga Vladimir Echourine.
Phim dài gần 25 phút, có nhiều hình ảnh tư liệu về Hà Nội đỏ rực cờ hoa, biểu ngữ, hàng chục vạn người dân như nước chảy đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử, đón chào Chính phủ kháng chiến trở về ra mắt quần chúng Thủ đô và quốc dân đồng bào cả nước…
Năm 2010, Hãng phim TFS của Đài Truyền hình TPHCM mới sản xuất phim tài liệu Quốc kỳ Việt Nam, do Phạm Tô Hoàng đạo diễn. Phim tái hiện những thời khắc trọng đại trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2/9.
Phim điện ảnh kinh điển: “Sao Tháng Tám”
Sau 31 năm kể từ ngày nước Việt Nam ra đời, điện ảnh Việt mới có một phim truyện nhựa mang tên Sao Tháng Tám (sản xuất năm 1976). Phim do Trần Đắc đạo diễn, Đỗ Mạnh Hùng quay phim, khắc họa cuộc kháng chiến lừng lẫy trong lịch sử.
Đến nay, sau 47 năm, Sao Tháng Tám vẫn giữ trong mình hơi thở thời đại của cách mạng tháng Tám hào hùng. Bộ phim xứng đáng mang sứ mệnh ghi dấu lịch sử dân tộc bằng điện ảnh.
Và có thể nói, đến nay, chưa có bộ phim nào phản ánh chân thực những ngày trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và nạn đói kinh hoàng khi ấy như Sao Tháng Tám.
Không chỉ khẳng định một bước phát triển mạnh mẽ trong làng điện ảnh Việt Nam, phim đã gợi lại một dấu mốc hào hùng của lịch sử, khiến người xem thấm thía được giá trị của độc lập tự do.
Thực chất, Sao Tháng Tám được đạo diễn Trần Đắc lấy cốt truyện chính từ cuốn hồi ký Nắng Hưng Yên của nhà văn Hà Ân. Hồi ký ghi lại lời kể của bà Nguyễn Thị Hưng (Nguyễn Thị Ức (1920-1993).
Trần Đắc đã lấy nguyên mẫu bà Hưng để xây dựng hình tượng nữ chiến sĩ cách mạng Nhu. Còn vai phản diện Kiều Trinh được lấy nguyên mẫu từ nữ gián điệp Nga Thiên Hương.
Phim gồm hai tập: Mùa xuân báo bão và Mùa thu hồi sinh, được thể hiện bởi những diễn viên như NSƯT Thanh Tú, nghệ sĩ Dũng Nhi, NSƯT Đức Hoàn…
Vai diễn nữ cán bộ tên Nhu đã đưa tên tuổi của NSƯT Thanh Tú vụt sáng trong làng điện ảnh. Khi đạo diễn Trần Đắc chọn Thanh Tú vào vai Nhu, gần như ai cũng sợ bà không làm tròn vai, bởi nghệ sĩ có gương mặt đẹp hiện đại, là “sao” của sân khấu kịch nói Hà Nội thời điểm ấy. Nhưng bà đã hoàn thành xuất sắc một vai diễn để đời.
Tạo hình nhân vật Nhu của NSƯT Thanh Tú trong phim “Sao Tháng Tám (Ảnh: Tư liệu).
Để vào vai Nhu – cô gái mang nhiều số phận, Thanh Tú cho hay: “Tôi đã phải cố gắng để thể hiện nhân vật Nhu vì lúc đó, tôi còn trẻ, mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm. Nhưng tôi cứ vào vai một cách chân thật thôi, chứ không có kỹ thuật gì nhiều”.
Với Thanh Tú, Sao Tháng Tám là hồi ức đẹp trong cuộc đời nữ nghệ sĩ. Thời gian có thể đổi thay nhưng dấu ấn lịch sử, chứng nhân lịch sử vẫn còn nhắc nhớ trong tác phẩm. Vai diễn đã giúp nghệ sĩ giành giải Bông Sen Vàng cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV, năm 1977.
Thể hiện vai Kiên, Dũng Nhi – một “tay ngang” của điện ảnh khi ấy phải phân tích nhân vật ngày đêm, làm việc với đạo diễn để có thể hóa thân trọn vẹn vào nhân vật.
Nhưng Dũng Nhi nhận thấy, may mắn của mình là vào vai một thanh niên trí thức, có nhiều điểm tương đồng với ông ngoài đời. Trong phim, mẹ Kiên chính là mẹ ruột của nam nghệ sĩ. Nhờ vậy, ông được mẹ chỉ bảo nhiều trong diễn xuất.
Nghệ sĩ Dũng Nhi cho biết, bộ phim được quay trong bối cảnh năm 1975-1976, tình hình đất nước đang có biến động về chính trị nên ê-kíp làm phim cũng phải vượt qua nhiều gian nan.
“Hồi đó vẫn có máy bay của địch nên khi có báo động vang lên, đoàn làm phim đang quay nhưng mỗi người chạy một ngả chui vào hầm trú ẩn. Thành viên làm ánh sáng phải úp hết máy phản sáng xuống đất”, diễn viên nói.
Bên cạnh đó, thiết bị ghi hình cũng thô sơ. Ê-kíp sử dụng máy film để quay, mà theo quy định của Nhà nước lúc đó, mỗi diễn viên chỉ được đúp 2,5 lần. Hầu như các diễn viên đều cố gắng thực hiện một đúp để tiết kiệm phim.
Thiết bị quay được nhập đồ cũ từ Nga và Đức nên độ nhạy sáng của phim thấp, buộc đoàn làm phim phải quay vào những ngày nắng gắt. Nhiều cảnh trên phim diễn ra trong đêm trăng, nhưng thực tế lại được quay vào ban ngày.
Theo lời kể của Dũng Nhi, để có được những cảnh quay chân thực nhất, nhằm tái hiện nạn đói năm Ất Dậu, tổ đạo diễn đã huy động khoảng 20 người ăn mày khắp Hà Nội để làm diễn viên. Trong phim, có một ông cụ gầy trơ xương ở gần chợ Bưởi được mời vào diễn. Nhưng khi phim được công chiếu, con cháu của ông đã đề nghị đoàn phim cắt cảnh đó vì nhìn thấy bố tội nghiệp quá.
Với đại cảnh người dân vùng lên giành chính quyền, ê-kíp làm phim đã phải xin chính quyền thành phố cho huy động hàng nghìn người từ các cơ quan nhà nước, các giáo viên, sinh viên, các anh em văn nghệ sĩ. Trong số vai diễn quần chúng đó, có cả những đồng nghiệp là giáo viên của nghệ sĩ Dũng Nhi, họ muốn tới phim trường xem thầy giáo, đồng nghiệp của mình đóng phim thế nào.
Lấy chất liệu từ hiện thực, phim đã khắc họa nhiều hình ảnh khiến người xem không thể nào quên. Đó là cảnh chị Nhu gặp hai bà cháu đói khổ, vốc gạo rơi dưới gốc đa khô khốc, gió thổi ào ào. Cảnh Kiên bị thương, ngẩng mặt nhìn chị gái – kẻ đã gián tiếp khiến quân Nhật nổ súng vào anh với ánh mắt vừa đau xót lại căm phẫn, gây ám ảnh cho khán giả. Lời thoại trong phim đơn giản nhưng chạm đến trái tim người xem.
Đến thời điểm hiện tại, có lẽ chưa có bộ phim nào phản ánh thành công những ngày sôi sục trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và nạn đói kinh hoàng năm ấy. Tác phẩm sau đó cũng được chọn trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Mát-xcơ-va, tháng 7/1977. Hàng năm, vào tháng Tám, Đài truyền hình Việt Nam luôn phát sóng lại bộ phim như một cách tái hiện và tri ân cùng lịch sử.
Tuy nhiên, nếu mở rộng ra bối cảnh lịch sử của năm 1946 và 1947, điện ảnh Việt có thêm hai bộ phim nữa là Sống mãi với Thủ đô (phim truyền hình), do Lê Phương, Trịnh Thanh Nhã viết kịch bản, được Lê Đức Tiến và Nguyễn Thế Vĩnh đạo diễn. Bộ phim thứ hai là Hà Nội mùa Đông 1946 (phim truyện nhựa), do Hoàng Nhuận Cầm, Đặng Nhật Minh viết kịch bản, đồng đạo diễn bởi Đặng Nhật Minh, Phạm Nhuệ Giang, Thái Ninh, Vũ Quốc Tuấn quay phim.
Nội dung: Hương Hồ
Ảnh: Tư liệu