Để thua ở hai trận bán kết và một trận chung kết là cái kết cục chẳng ai mong muốn, nhưng chính những thất bại như thế đã giúp cho Luka Modric trở nên đẹp hơn trong mắt những người yêu bóng đá trên toàn thế giới.
Modric lại thêm một lần thất bại tại trận chung kết trong màu áo tuyển Croatia. Ảnh: talkSPORT
Những chàng “battler” đích thực của bóng đá.
Trong cái tuần mà người ta nói về HLV Ange Postacoglou, một HLV người Australia sẽ chuyển đến Tottenham ở mùa giải năm nay, chúng ta sẽ cùng nói đến một khái niệm mà người Australia, nhất là người Australia ở giai đoạn đầu thế kỷ 20, rất yêu mến, thậm chí trở thành một nét văn hóa không thể tách rời của “xứ sở Chuột túi”, đó là những câu chuyện về các chàng “battler”, hay những “chiến binh” đích thực của vùng đồng cỏ nội địa, tiếng Anh Australia gọi là “outback”.
“Battler” của người Úc không phải là những chiến binh oai dũng với những thanh kiếm sáng loáng cùng bộ khiên giáp đậm chất La Mã hay thời trung cổ mà chúng ta hay thấy trên phim, “Battler” của người Australia cũng không phải những tay cao bồi Viễn Tây “rút súng nhanh hơn cái bóng của mình” như chàng Lucky Luke trong bộ truyện tranh cùng tên của họa sĩ René Goscinny.
Không, “battler” chỉ là những người bình thường như chúng ta. Những con người bình thường phải bỏ cả gia đình ở lại để tiến sâu hơn vào những thành phố để kiếm ăn trong cái giai đoạn nước Úc non trẻ vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn vì những vấn đề kinh tế hay sự cai trị có phần hà khắc của chính quyền thực dân Anh quốc.
Người Australia yêu mến những “battler” như thế, nhất là những battler thua cuộc, những người đã cố gắng hết sức vì mục tiêu trượng nghĩa của mình, những người đã cố gắng trốn khỏi “cái ác”, trốn khỏi vòng pháp luật để rồi kết thúc bằng một cái chết oai hùng. Hai ví dụ tiêu biểu nhất cho những “battler” như thế xuyên suốt lịch sử Australia đó là Ned Kelly, đầu lĩnh của băng cướp Ned Kelly nổi tiếng với chiếc áo giáp làm bằng lưỡi cày vẫn được trưng bày ở Thư viện bang Victoria, và anh chàng trong bài hát Waltzing Matilda – quốc ca không chính thức của Australia bên cạnh bài hát “Advance Australian Fair” (Tiến lên Australia tươi đẹp-ND) và “God Save The King” (Thượng đế cứu rỗi Đức Vua-ND).
Bộ giáp làm bằng những lưỡi cày của Ned Kelly, “battler” kinh điển nhất trong văn hóa dân gian Australia. Nguồn: Flickr.
Vào rạng sáng thứ hai vừa qua, Tây Ban Nha đã giành chức vô địch UEFA Euro Nations League sau khi đánh bại Croatia trên chấm luân lưu xuyên suốt 120 phút. Đương nhiên, người ta sẽ nói nhiều đến danh hiệu này của “La Roja”, bởi lẽ, đây là danh hiệu cấp ĐTQG đầu tiên mà đội bóng này giành được sau 11 năm chờ đợi kể từ danh hiệu Euro 2012 trên đất Ukraina. Dù họ không giành được chiến thắng một cách dễ dàng như cái cách thế hệ “La Roja” vàng son của những Iniesta, Xavi, Jordi Alba, Iker Casillas… đã làm được trên đất Ukraina, nhưng đây vẫn được xem là một chiến thắng quan trọng cho Tây Ban Nha, thậm chí được xem là tiền đề cho một sự trở lại của quốc gia từng “xưng hùng, xưng bá” ở làng bóng đá thế giới.
Tuy nhiên, trong cái ngày vui đó của “La Roja”, người ta không tránh khỏi cảm giác buồn cho một con người, hay nói đúng hơn là một thế hệ các cầu thủ đẹp nhưng lại rất buồn, một thế hệ đã lọt vào hai trận chung kết và bốn trận bán kết ở cấp ĐTQG, một thế hệ đã đóng góp cho Châu Âu rất nhiều cầu thủ tài năng, một thế hệ đã sinh ra lời đồn: “Có họ trong đội hình thì chắc chắn thắng”. Vâng, đó chính là thế hệ vàng của bóng đá Croatia, á quân của UEFA Nations League mùa giải năm nay.
Với số dân lên tới 164.362 người, trong đó có 43.302 người là sinh ra ở chính quốc, người dân Croatia cũng có thể được xem là một phần của dòng chảy lịch sử “xứ sở Chuột túi”. Có lẽ vì vậy mà các cầu thủ Croatia cũng có nhiều nét tương đồng với các “battler” thực thụ của Australia: những con người bình thường, thậm chí có những người không được sinh ra và lớn lên ở Croatia mà ở các quốc gia xa lạ bởi ảnh hưởng của “Cuộc nội chiến Nam Tư” cách đây hơn 30 năm như trường hợp của những Ivan Rakitic, Josip Stanišić, Mario Pašalić – những con người đã ra sân là chiến đấu hết mình như để chống chọi lại số phận khắc nghiệt của một đội bóng sinh ra từ những khắc nghiệt của thời cuộc như Croatia.
Là một tập thể đặc biệt sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, Croatia có những con người đặc biệt như Ivan Rakitic, một người không sinh ra ở Croatia nhưng quyết định gắn bó với màu áo đội bóng “quê cha đất tổ”. Nguồn: Goal.
Trong số những con người của cái tập thể “sinh ra từ khắc nghiệt” đó, có lẽ Luka Modric chính là đại diện hoàn hảo nhất. Anh sinh ra từ nghịch cảnh, sinh ra trong bom đạn chiến tranh, trải qua một tuổi thơ không mấy êm đềm. Kể cả khi trưởng thành và trở thành một cầu thủ, số phận vẫn tiếp tục trêu đùa với chàng tiền vệ tài hoa này. Anh có một sự nghiệp ổn định ở Tottenham, nhưng chưa bao giờ có được dù chỉ là một danh hiệu với đội bóng áo trắng thành London, một đội bóng cũng có thể được xem là một tập thể của những “battler” giống như tập thể quê hương anh.
Đến khi chuyển qua Real Madrid thi đấu, anh lại một lần nữa bị số phận “trêu đùa”, lần này là đứng giữa lằn ranh của kẻ bội phản quốc gia và kẻ bội phản “ân nhân”. Cụ thể, anh phải lựa chọn giữa việc im lặng trước những sai phạm của chủ tịch Zdravko Mamic, nguyên nhân dẫn đến cuộc “nổi loạn” của các CĐV Croatia ở Euro 2016, hay lên tiếng tố cáo hành động của vị cựu chủ tịch nhiều tai tiếng nhưng cũng giúp đỡ anh rất nhiều trong quá khứ. Rút cục, như chúng ta đã biết, anh đã quyết định chọn kẻ “bội phản” dân tộc vì ân nhân của mình.
Cuộc đời Luka Modric là vậy, anh có được tất cả, anh có được những danh hiệu lớn nhỏ cùng Real Madrid trong suốt những năm qua, anh được thi đấu cùng với những cầu thủ hàng đầu thế giới, nhưng tất cả có là gì nếu anh không thể làm được cái điều mà ai cũng mơ ước, đó là đem về vinh quang cho đội bóng quê hương? Angel Di Maria, đồng đội cũ của anh ở Real Madrid đã làm được điều đó ở kỳ World Cup 2022, nhưng để làm được điều đó, Di Maria đã phải làm một điều mà những người từng khoác áo Real Madrid không muốn làm, đó là đánh bại chân kiến tạo số một của sân Santiago Bernabeu ở trận bán kết.
Một hình ảnh đẹp của World Cup 2022: Di Maria an ủi người đồng đội cũ trong ngày vui của Argentina. Nguồn: The Mirror.
Thế hệ cầu thủ Tây Ban Nha hiện tại đã có được danh hiệu đầu tiên cho mình ở cấp độ đội tuyển quốc gia, một cái “bản lề” tuyệt vời cho cuộc chinh phục mới của những “conquistador” thế hệ “Gen Z” với đại diện là những Pedri, Gavi, Rodri, Fran Garcia. Nhưng trong số họ, đặc biệt là những cầu thủ lớn lên và ăn tập trong màu áo Real Madrid như Fran Garcia, chắc chắn, sẽ có chút buồn khi biết rằng, để có được cái danh hiệu đầu tiên cho bóng đá Tây Ban Nha sau 11 năm dài đằng đẵng chờ đợi, họ, cũng như Di Maria, phải đánh bại một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá đương đại, một chiến binh, hay nói đúng hơn là một “tập thể những chiến binh” mỗi khi khoác lên bộ “chiến bào” bằng vải của mình là sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng vì tấm khiên hình ca-rô in trên ngực áo.
Để kết thúc câu chuyện của những “battler” trong màu áo ca-rô này, chúng ta sẽ cùng đọc lại những dòng văn của Ivan Rakitic, người cách đây 5 năm đã đăng tải một bài viết mang tên: “The Best Shirts In The World” (Bộ áo đấu tuyệt vời nhất thế gian-ND) cho trang tin Player“s Tribune, một trang”tâm sự“của các VĐV thể thao chuyên nghiệp. Trong đó, Rakitic đã tâm sự về quyết định gia nhập ĐT Croatia của mình, một quyết định mà theo anh”không để chống lại Thụy Sĩ, mà là vì Croatia”.
“Kể cả khi ngồi đối diện với Slaven và nghe những gì thầy ấy chia sẻ, tôi biết rõ rằng mình không thể đưa ra quyết định ngay được. Thụy Sĩ trao cho tôi rất nhiều, vì vậy, tôi phải suy nghĩ rất lâu về điều này. Mùa giải của tôi cho Basel vừa kết thúc, tôi vừa về nhà vài ngày trước khi chuyển đến Đức để thi đấu cho Schalke 04. Quyết định xem nên thi đấu cho đội tuyển nào là một gánh nặng trên vai tôi trong một khoảng thời gian dài. Tôi cần phải quyết định trước khi đi Đức. Tôi muốn có được khởi đầu với CLB mới bằng một tâm trí thông suốt và không bị phân tâm bởi bất cứ điều gì.
Ngồi trong phòng của mình, tôi vẫn cảm thấy bế tắc. Tôi cứ đi đi, lại lại trong phòng rồi nghĩ về những người đã đưa tôi đến ngày hôm nay.
Thế rồi, tôi nhìn vào con tim của mình, nhìn vào những gì nó đang “mách bảo” mình.
Tôi nhấc ống nghe lên rồi bắt đầu quay số.
Cuộc gọi đầu là cho HLV Thụy Sĩ. Tôi là một phần của tập thể Thụy Sĩ xuyên suốt sự nghiệp của mình, vậy nên, gọi cho ông ấy là điều phải làm. Tôi muốn giải thích lý do vì sao tôi lại chơi cho Croatia. Tôi nói với ông ấy đây không phải là quyết định chống lại Thụy Sĩ, mà đây là quyết định vì Croatia. Sau đó, tôi gọi cho Slaven.
“Em sẽ thi đấu cho thầy. Em sẽ là một phần của tập thể này”.
Slaven chia sẻ với tôi: “Người Croatia chắc chắn sẽ rất tự hào khi có em ở đây. Đừng nghĩ gì nữa nhé, cứ tận hưởng bóng đá thôi”.
Ivan Rakitic bên cạnh bố của mình, ông Luka Rakitic. Nguồn: Vecernji.hr.
Tôi chẳng gọi cho ai lâu, nhưng tôi có thể nghe thấy tiếng bố tôi ngoài cửa, nghe rõ từng bước chân của ông ấy.
Lúc tôi mở cửa, bố dừng lại và nhìn tôi. Tôi chưa nói với bố về quyết định của mình, nhưng ông nói với tôi rằng dù tôi có lựa đội bóng nào đi chăng nữa, ông ấy vẫn sẽ cổ vũ cho tôi. Đây thực sự là một khoảnh khắc quan trọng của hai chúng tôi.
Thế nhưng, tôi lại quyết định “trêu” bố mình.
“Con định đá cho Thụy Sĩ tiếp bộ ạ”, tôi nói với bố.
“À, thế à ?”, bố ngập ngừng. “Tốt thôi”.
“Không, không”, tôi vừa nói vừa cười lớn. “Con sẽ chơi cho Croatia bố nhé”.
Nước mắt bắt đầu tuôn rơi trên mắt ông, bố tôi bắt đầu khóc.
Tôi nghĩ về bố mình, nghĩ về khoảnh khắc đó rất nhiều mỗi khi bước vào sân trong màu áo Croatia. Tôi biết bố sẽ rất muốn đứng ở vị trí của tôi, cảm nhận vị trí mà tôi đang đứng. Tôi biết rất nhiều người Croatia cũng muốn được như tôi, được khoác lên tấm chiến bào của quê cha đất tổ và bảo vệ danh dự của nó… thực sự, không có từ ngữ nào có thể diễn tả cảm giác đó”.
KDNX