Cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ đảm nhận vị trí tổng thư ký mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 1.10, tại thời điểm liên minh quân sự này đối diện hàng loạt thách thức lớn.
Cuộc chiến ở Ukraine vốn đã kéo dài sang năm thứ 3, Mỹ sắp bầu cử tổng thống và sự vươn lên của các thế lực cạnh tranh sẽ là những thách thức lớn cho tân tổng thư ký.
Phiên bản Trump 2.0?
Theo AFP, mối lo ngại bao trùm liên minh 32 thành viên này là khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tháng 11.
Ông Trump được cho là đã cân nhắc việc rút Mỹ khỏi NATO trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và đe dọa sẽ không bảo vệ các nước khác trong liên minh không chi đủ tiền cho quốc phòng.
Giới quan sát cho rằng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng lớn có thể khiến ông Trump phải phá vỡ liên minh.
Nếu ông Trump tái đắc cử, ông Rutte sẽ cần tất cả các kỹ năng ngoại giao mà ông đã tích lũy trong hơn 13 năm làm thủ tướng Hà Lan để ngăn chặn mọi khả năng vai trò của Washington có thể trở nên suy yếu.
Các đồng minh châu Âu sẽ phải thuyết phục ông Trump và đã gia tăng chi tiêu của họ để giữ Mỹ ở lại liên minh. Trong khi đó, một chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ là Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ trấn an NATO trong ngắn hạn.
Dù vậy, các nhà ngoại giao cho biết họ nghĩ rằng Mỹ sẽ dần dần tách khỏi châu Âu khi Washington chuyển hướng sang châu Á, bất kể ai là người đứng đầu Nhà Trắng.
Hỗ trợ Ukraine
Mặc dù lo ngại về ông Trump có khả năng không xảy ra, NATO phải đối diện thực tế không thể tránh khỏi là tình hình chiến sự tại Ukraine.
Các nước NATO dẫn đầu là Mỹ đã cung cấp 99% viện trợ quân sự nước ngoài giúp lực lượng Kyiv tiếp tục chiến đấu kể từ năm 2022. Nếu cuộc chiến kéo dài đến năm thứ 4, ông Rutte sẽ có vai trò quan trọng trong việc tập hợp những người ủng hộ Kyiv để đảm bảo sự viện trợ không cạn kiệt.
Trong khi đó, những lời kêu gọi giải quyết thông qua đàm phán đang ngày càng nhiều. NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington (9-11.7) đã đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong việc điều phối cung cấp vũ khí, nhưng đã không thể chốt các cam kết hỗ trợ dài hạn.
Ngoài ra, Ukraine cũng đang thúc đẩy việc gia nhập NATO. Việc cân bằng giữa kỳ vọng từ Ukraine với sự thận trọng của các đồng minh hàng đầu sẽ là một nhiệm vụ lớn.
Đối phó Nga
Bất kể cuộc chiến ở Ukraine diễn ra như thế nào, các nước NATO cho rằng họ có khả năng phải đối diện với mối đe dọa từ Nga trong nhiều thập niên tới.
Năm ngoái, liên minh đã ký kết các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nhằm mục đích ngăn chặn mọi cuộc tấn công có thể xảy ra từ Nga.
Nhiệm vụ quan trọng của ông Rutte sẽ là cố gắng đảm bảo NATO đã sẵn sàng, cũng như đảm bảo rằng căng thẳng không leo thang thành một cuộc xung đột hạt nhân có thể xảy ra với Nga.
Các công ty phương Tây đã không chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến toàn diện ở Ukraine sau nhiều thập niên đầu tư thiếu hụt.
Các quốc gia đã bắt đầu tăng cường sản xuất nhưng ông Rutte sẽ phải tiếp tục gây áp lực để đảm bảo ngành công nghiệp phù hợp với mục đích và các đồng minh tiếp tục mua những thứ cần thiết.
Bài toán ngân sách
Theo giới phân tích, mọi giải pháp của NATO cho các thách thức đều cần rất nhiều tiền. Một thập niên sau khi NATO đặt mục tiêu cho các đồng minh chi 2% phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực quốc phòng, chỉ có 23 nước đạt được mục tiêu này trong năm nay. Tân tổng thư ký NATO sẽ phải thúc đẩy các nước còn lại, nhằm thực hiện tốt mục tiêu đó. Chưa hết, một số quan chức NATO cho rằng cần chi tiêu nhiều hơn nữa, có thể lên đến 2,5% GDP, nhằm có thêm các binh sĩ và vũ khí. “Đây là một thách thức lớn (đối với ông Rutte) khi phải thuyết phục các nước thành viên đầu tư nhiều hơn và nhanh hơn cho mục tiêu phòng vệ của chính họ, nhằm có được năng lực vượt xa hiện tại”, theo Reuters dẫn lời ông Peter Bator, cựu Đại sứ Slovakia tại NATO.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-bai-toan-kho-cua-nato-duoi-nhiem-ky-tong-thu-ky-moi-185240930160002633.htm