Dịp cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu vay tiêu dùng của người dân lên cao nhất. Tuy nhiên, một vài số liệu thống kê cho thấy lượng nhu cầu vay tiêu dùng năm 2023 đang có dấu hiệu sụt giảm.
Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội ngân hàng (VNBA) tổng dư nợ trong 3 quý đầu năm 2023 mới chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ. Tốc độ giải ngân cho vay tiêu dùng đạt mức thấp nhất trong 5 năm vừa qua.
Cho vay phân khúc tiêu dùng tính đến hết tháng 10/2023 chỉ tăng 1,4% trong khi cùng kỳ vẫn ghi nhận tăng trưởng tới 19%. Trong đó, phần lớn dư nợ vay tiêu dùng được sử dụng cho hoạt động mua, sửa chữa nhà và chuyển nhượng BĐS.
Tại TP.HCM, 65% lượng dư nợ cho vay tiêu dùng tới cuối tháng 10/2023 phục vụ cho hoạt động vay mua, sửa chữa nhà và nhận chuyển nhượng bất động sản thay vì hoạt động tiêu dùng cá nhân thông thường.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cho vay mua nhà là động lực tăng trưởng chính của mảng bán lẻ trong nhiều năm nhưng chững lại trong 2023. Nguyên nhân do lãi suất neo cao và sự đóng băng của thị trường BĐS. Dư nợ cho vay mua nhà trên toàn hệ thống tại cuối Quý 3/2023 thậm chí còn giảm 1% so với đầu năm.
Thực tế, hoạt động cho vay bán lẻ từng được các ngân hàng rất chú trọng. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của mảng dịch vụ này, lượng nợ xấu cho vay tiêu dùng đã tăng từ 2% trong giai đoạn 2018 – 2022 lên 3,7% trong nửa cuối năm 2023.
Số liệu của VCBS cũng đã cho thấy một số nhà băng tạm hoãn hoạt động mở rộng thị phần bán lẻ nhằm thích ứng với tình hình hiện tại. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ trên tổng dư nợ đã giảm ừ 47% hồi cuối 2022 xuống 46% vào cuối quý 3/2023.