Theo báo cáo của CBRE, thị trường đất công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy khả quan. Trong đó khu vực phía Bắc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 81%, trong khi khu vực phía Nam đạt 92%. Diện tích hấp thụ tại thị trường miền Bắc đạt mức cao nhất trong năm năm qua, vượt 800 ha, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường miền Nam, do quỹ đất công nghiệp tương đối hạn chế, có diện tích hấp thụ thấp hơn 32% so với cùng kỳ năm trước đạt khoảng 500 ha.
Với thị trường kho bãi, nhà xưởng xây sẵn cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực với nguồn cung mới đi vào hoạt động tại miền Bắc cao nhất từ trước đến nay, với tổng cộng 770.000 m2 kho xưởng/xây sẵn mới. Tại miền Nam, lượng nguồn cung mới cũng đạt ngưỡng tương đương khu vực phía Bắc, mặc dù vậy, đây là ngưỡng thấp hơn so với ba năm trước đó.
Tại miền Bắc, giá thuê của loại hình nhà kho xây sẵn được ghi nhận vẫn ổn định ở mức 4,6 USD/m2/tháng. Còn với loại hình nhà xưởng cũng đạt trung bình 4,8 USD/m2/tháng, tăng 3,9% theo năm.
Tương tự tại thị trường miền Nam, giá thuê nhà kho xây sẵn hiện ở mức 4,6 USD/m2/tháng, tăng 4,7% theo năm. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn tại khu vực này ở mức 4,9 USD/m2/tháng, tăng 2,3% theo năm. Mức giá thuê trung bình ghi nhận tăng do các dự án tiêu chuẩn cao mới tại TP HCM và Long An hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm.
Mặc dù nguồn cung liên tục tăng trong thời gian qua, nhưng tỷ lệ lấp đầy tại hai miền vẫn ghi nhận sự ổn định. Với nhu cầu vẫn cao, trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 5-9%/năm ở miền Bắc và 3-7%/năm ở miền Nam.
Nhu cầu tích cực ghi nhận từ các nhóm ngành công nghiệp đã giúp thúc đẩy tăng trưởng giá thuê ở nhiều địa phương. Trong khi đó, giá thuê của nhà kho/nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tăng nhẹ từ 1% – 4%/năm trong ba năm tới. Đặc biệt trong năm vừa qua, nhiều lĩnh vực đầu tư mới đã xuất hiện tại Việt Nam như công nghiệp bán dẫn và công nghiệp xe điện. Đây là sự khởi đầu cho nhiều nhóm ngành khác đầu tư vào Việt Nam trong tương lai, kéo theo đó là sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp.
Sự tăng trưởng này của bất động sản công nghiệp còn được tác động từ dòng vốn FDI liên tục đổ vào Việt Nam. Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/12/2023, tổng FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.
Trong tổng vốn đăng ký, số vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ; số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận.
Với lượng lớn vốn FDI đổ vào Việt Nam tiếp tục gia tăng thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về mặt bằng sản xuất, kho bãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đây là nguồn cầu và chỉ ghi nhận sự gia tăng chứ không hề sụt giảm trong suốt thời gian qua.
Nhận định về thị trường bất động sản công nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng loại hình này sẽ phát triển hơn nữa trong năm 2024. Đồng thời bất động sản công nghiệp cũng sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường bất động sản, đưa thị trường vào guồng quay hồi phục trong thời gian tới.